Ông Lê Phước Vũ – Nền kinh tế khỏe mạnh cần một thế hệ doanh nhân tài đức
Tập đoàn Hoa Sen được biết đến là một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôn thép hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên khi hiệp định TPP được kí kết trong tương lai, với lĩnh vực của tập đoàn đang theo đuổi chắc chắn sẽ có những biến động lớn. Liệu môi trường thay đổi đó có ảnh hưởng tích cực đến Hoa Sen hay tiềm ẩn những mối đe dọa khôn lường.
Trong buổi Talkshow của diễn đàn Leader Talk vừa qua, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Đón đầu cơ hội và đối phó với thách thức- Áp lực đến từ “cải cách”
Ông Lê Phước Vũ cho biết trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương đã được kí kết và sắp tới là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đưa vào hoạt động chắc chắn sẽ tạo ra áp lực lên tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có những áp lực đến từ việc hàng hóa, lao động…ở các nước đối tác khi đó sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, đặt ra một thách thức lớn trước mắt cho các doanh nghiệp chính là việc cải cách. Đối với riêng doanh nghiệp của mình, ông đã có những dự đoán cũng như những bước chuẩn bị nhằm thích nghi với sự hội nhập này. Tuy nhiên, thương trường là chiến trường, không có bất cứ một “cuộc chơi” lớn nào là không có những biến động liên tục và khó lường. Ông cho rằng nếu muốn chủ động hơn nữa thì mỗi doanh nghiệp nên luôn trong tư thế sẵn sàng, linh hoạt và quyết đoán trước mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Bằng cấp không phải yếu tố quyết định
Quan điểm của ông Lê Phước Vũ rất rõ ràng, ông cho rằng bằng cấp chỉ quyết định đến 15% trong vấn đề tuyển dụng vì dường như trước thực trạng của nền giáo dục hiện nay của nước ta thì nó không phản ánh hết được năng lực cốt lõi của một con người. Đây cũng thực sự là một vấn đề đáng bàn. Doanh nghiệp của ông đặt ra những chỉ tiêu rất khó trong tuyển dụng, cụ thể như các ứng cử viên phải đến từ các trường thuộc top đầu về đào tạo, thành tích học tập khá giỏi và ưu tiên những bạn sinh viên đã đi du học nước ngoài về. Có thể thấy với môi trường ngày càng hội nhập, tư duy và quan niệm coi trọng bằng cấp như trước đây đã hoàn toàn thay đổi trong đại bộ phận các doanh nghiệp, thay vào đó nhà tuyển dụng coi trọng kiến thức thực tế, kĩ năng, kinh nghiệm và thái độ của người lao động. Điều đó cũng có thể coi là một dấu hiệu tốt trong việc thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam cải cách theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội.
Thay đổi tư duy của thế hệ lãnh đạo trẻ là điều quan trọng
Giáo dục cần tích cực thay đổi để hội nhập, chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, theo ông có thể mất đến 10 năm nữa. Tuy nhiên, có những công việc trước mắt cần phải đặc biệt ưu tiên, đó chính là thay đổi tư duy của lớp doanh nhân trẻ hoặc những bạn trẻ có định hướng đi theo con đường này, hướng họ đạt đến những quan niệm mới và tích cực trong thời đại hội nhập. Một thế hệ doanh nhân trẻ làm việc có trách nhiệm, có năng lực, có đạo đức sẽ là nền tảng tốt cho một nền kinh tế khỏe mạnh. Tuy nhiên, không chỉ thế hệ trẻ mà thế hệ đi trước cũng phải luôn là tấm gương sáng để thế hệ doanh nhân trẻ tiếp nối học tập và nỗ lực phấn đấu.
Trong khuôn khổ buổi nói chuyện với thời lượng cho phép của chương trình Leader Talk, vị Chủ tịch của tập đoàn Hoa Sen vẫn còn rất nhiều trăn trở.Tuy nhiên, ông cho rằng 3 vấn đề nêu trên chính là các yếu tố cần trước khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức bước vào TPP. Những chia sẻ này của ông đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của tất cả khách mời tham dự.
Chương trình “Leader Talk - Doanh nhân Việt, cơ hội và thách thức trước Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP” với sự đồng hành của các thương hiệu: Tập Đoàn Hoa Sen, Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS), Bignote, Angel Beauty, Thảo Tây, Rock, annie, Miti, New World hotel, Love Flowers, HOANGGIALAND, Euro bedding ....