Chuyển giao quyền lực thời hội nhập

Chuyển giao quyền lực luôn là vấn đề nóng bỏng của các doanh nghiệp Việt Nam tại các diễn đàn hay hội thảo, nó càng được quan tâm đặc biệt hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Nếu như các nước phương Tây với những doanh nghiệp hơn 100 năm tuổi và đã có kinh nghiệm chuyển giao từ 5 – 7 đời lãnh đạo thì Việt Nam kể từ sau khi đất nước thống nhất chúng ta có những doanh nghiệp lớn từ 30 năm tuổi và đang thực hiện những bước chuyển giao đầu tiên. Có doanh nghiệp thành công, nhưng cũng có vô số doanh nghiệp thất bại, câu hỏi đặt ra là nếu trong vòng 10 năm tới việc chuyển giao vẫn không thành công thì các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu vào tay đối thủ nước ngoài.

Nhân dịp Diễn đàn Phong Cách Doanh Nhân – Leader Talk 2015 chuẩn bị khai mạc vào ngày 18.4 tới tại thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng ông Loan Văn Sơn – chuyên gia Leadership Coaching thuộc mạng lưới Coaching toàn cầu Marshall Goldsmiths – Chuyên BSC được chứng nhận bởi Hiệp hội BSC hoa Kỳ- Tư vấn trưởng của Tập đoàn huấn luyện và tư vấn triển khai TOPPION về vấn đề này.

Chuyển giao quyền lực thời hội nhập - 1

Chào anh, anh nhận định thế nào trước cơ hội Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và sắp tới là ký kết Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, TPP?

Tôi cho rằng cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, ai đủ bản lĩnh và sự chuẩn bị để bước vào “cuộc chơi” thì người đó sẽ có cơ hội giành phần thắng. Nhưng song hành với cơ hội bao giờ cũng là những thách thức. Điều quan trọng là trước mỗi cơ hội thì chúng ta cần biết rõ tầm và lực của mình ở vị trí nào để có những quyết định đúng đắn. Tôi cho rằng thách thức chung của các doanh nghiệp thời điểm này đó là: Tốc độ chuẩn bị, lựa chọn hướng đi (chiến lược), động cơ nào đủ mã lực để vận hành con tàu (các giải pháp thực thi), kết cấu của chiếc tàu có đủ vững (hệ thống-quy trình), đủ lợi thế cạnh tranh hay không (năng lực lõi của doanh nghiệp )và đặc biệt ai là người lái và chèo con tàu ấy (đội ngũ lãnh đạo và kế thừa).

Có một quan điểm khá phổ biến hiện nay đó là, trước sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh hội nhập thì cần phải giữ vững thị trường trong nước trước khi “đánh” thị trường nước ngoài, anh nghĩ thế nào về điều này?

Bước vào hội nhập, doanh nghiệp thường băn khoăn giữa việc giữ thế cạnh tranh sân nhà hay chuyển hướng thị trường nước ngoài. Thông thường người ta hay cho rằng cần phải giữ vững thị trường trong nước trước đã, điều này hoàn toàn không sai. Nhưng tôi cho rằng, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp quyết định phân khúc thị trường mà doanh nghiệp lựa chọn. Quan điểm của tôi đó là, doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là ở đâu? Phân khúc và thị trường nào tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình? bởi sân nhà hay sân khách đều có những cơ hội và thách thức như nhau.

Chuyển giao quyền lực thời hội nhập - 2

Anh đánh giá thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam trưởng thành trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức hiện nay. Liệu họ có thể trở thành một phần của cuộc cách mạng công nghệ do Mỹ đi đầu mà chúng ta đang chứng kiến trên thế giới hiện nay hay không thưa anh?

Thế hệ trẻ của chúng ta hiện được thụ hưởng một môi trường giáo dục tiên tiến, họ có cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu một cách dễ dàng nhất dựa trên nền tảng Internet, họ có rất nhiều điều kiện để học hỏi sáng tạo và phát triển nên tôi cho rằng họ hoàn toàn có khả năng tham gia những cuộc chơi lớn trên toàn cầu.

Điều quan trọng môi trường hiện đại phải cho họ đủ bản lĩnh, nền giáo dục phải cho họ khả năng nhìn xa và bao quát, nói cách khác là cung cấp đủ TRÍ để hiểu mình, hiểu người, hiểu thế giới và biết mình là ai trong thế giới này để chọn đóng góp hay bào mòn thế giới này. Tôi tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn những gì thế hệ chúng tôi đã và đang làm, nhưng vấn đề tôi lo lắng đó là các bạn có đủ NHÂN để đi con đường đúng và có đủ DŨNG để theo đuổi đến cùng.

Theo anh nền tảng công nghệ mang lại cho các bạn trẻ những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Anh kỳ vọng gì vào thế hệ sinh viên trưởng thành trong “cơn lốc” cách mạng công nghệ?

Trong một thế giới ngày càng phẳng hơn do môi trường công nghệ mang lại nhưng tôi không cho rằng các bạn gặp nhiều thách thức mà ngược lại các bạn có đủ các điều kiện và công cụ để phát triển bản thân. Chỉ có một vấn đề các bạn cần giải quyết, đó là bản lĩnh trải nghiệm so với thế hệ đi trước. Đôi khi có sẵn môi trường thuận lợi cũng đồng nghĩa với thách thức vì các bạn trẻ buộc phải sáng tạo hơn nữa.

Tôi kỳ vọng rất nhiều vào những phát kiến mới của bạn trẻ Việt Nam, góp phần thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vấn đề là sự biến động và thay đổi quá nhanh của thế giới hiện nay, có thể khiến các bạn không đủ bản lĩnh để theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn. Thách thức không phải nằm ở việc các bạn chết đuối trong môi trường mới mà các bạn sẽ bỏ cuộc trong cuộc đua của mình, tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất.

Chuyển giao quyền lực thời hội nhập - 3

Có người bảo rằng, “một lãnh đạo giỏi là người giải quyết vấn đề cho nhiều người nhất”, quan điểm của anh như thế nào?

Tôi đánh giá một lãnh đạo giỏi dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất anh phải hiểu mình và quản lý được chính mình – lãnh đạo bản thân; thứ hai anh có đang đồng hành trong một gia đình bền vững hay không và cuối cùng là anh có đủ tầm điều hành và để lại một tổ chức trường tồn hay không.

Đây là góc nhìn của tôi và tại Toppion chúng tôi cũng đi theo triết lý này để giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Là một chuyên gia Coaching thuộc mạng lưới coaching toàn cầu Marshall Goldsmith – Tổ chức chuyên coaching cho các CEO hàng đầu thế giới, theo anh những yếu tố nào quyết định sự trường tồn của một doanh nghiệp?

Nhìn chung, để một doanh nghiệp phát triển trường tồn thì có rất nhiều yếu tố như:  Chiến lược dài hạn dựa trên năng lực lõi phù hợp từng giai đoạn, văn hóa sang tạo phù hợp với chiến lược, cấu trúc hệ thống quản trị chặt chẽ nhưng linh hoạt dựa trên năng lực thực thi mạnh,  một hệ thống phát triển năng lực lãnh đạo và đội ngũ kế thừa hiệu quả, Chiến lược chuyển giao quyền lực lãnh đạo chuyên nghiệp và dài hạn.

Chuyển giao quyền lực thời hội nhập - 4

Lựa chọn thế hệ kế thừa để chuyển giao quyền lực hiện tại luôn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Rất nhiều trường hợp chuyển giao bất thành như tại FPT chẳng hạn, liệu vấn đề này cần phải có những nguyên tắc, luật lệ phù hợp thưa anh?

Tại Việt Nam, chúng ta mở cửa và phát triển trong vòng 30 năm, tuổi đời các chủ doanh nghiệp lớn đa phần rơi vào trung bình khoảng 50 – 60 tuổi, do đó trong vòng 10 năm tới dù muốn hay không cũng phải chuyển giao. Trong khi ở các quốc gia phát triển họ đã kinh doanh và phát triển hơn 100 năm và trải qua ít nhất 5-7 đời lãnh đạo vì thế họ có rất nhiều kinh nghiệm, nếu không nói là vấn đề này được họ xử lý rất thành công.

Nhưng Việt Nam chúng ta có thể nói là ở những bước đi đầu tiên nhưng đại đa số lại có tâm lý chuyển giao tài sản hơn là chuyển giao quyền lực. Chuyển giao quyền lực cần phải được thực hiện theo một lộ trình và chuyển giao quyền lực không phải chuyển quyền lực từ một người qua cho một người tài mà là phải chuyển giao một  hệ thống mạnh cho một cá nhân phù hợp.

Thế giới hiện có hẳn một công nghệ chuyên Coaching về chuyển giao quyền lực lãnh đạo mang tên CEO Succession và bản thân Toppion chúng tôi cũng dựa trên công nghệ này để coaching cho các doanh nghiệp  có nhu cầu về chuyển giao quyền lực .

Chuyển giao quyền lực thời hội nhập - 5

Như anh đã nói các doanh nghiệp phương Tây họ đã trải qua 5-7 đời lãnh đạo và ở giai đoạn đầu chuyển giao chắc chắn họ cũng từng thất bại. Vậy nếu như các doanh nghiệp tại Việt Nam thất bại trong lần đầu chuyển giao thì cũng là điều bình thường không có gì phải lo lắng?

Nếu chúng ta là quốc gia phát triển và tiên phong thì sự thất bại này là chuyện bình thường. Nhưng vì chúng ta là quốc gia khởi nghiệp đi sau thế giới rất xa, các doanh nghiệp Việt lớn hiện nay không nhiều và trong 10 năm tới nếu những doanh nghiệp này chuyển giao quyền lực thất bại thì nguy cơ mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn. Nếu không có sự chuẩn bị và chuyển giao thành công thì sẽ là một tổn thất vô cùng lớn đối với nền kinh tế của đất nước.  

Diễn đàn Phong Cách Doanh Nhân – Leader Talk 2015 là chương trình do do tạp chí Phong Cách Doanh Nhân, mạng cộng đồng doanh nhân bstyle.vn, công ty Lê Bảo Minh phối hợp cùng mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế (Women Leaders International Network), hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Hội đồng doanh nhân và gia đình tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI.

Chương trình có sự đồng hành của nhiều thương hiệu lớn: Onnet, Lê Bảo Minh, Mercedes-Benz Việt Nam, Forevermark, DiamonFire, Rock, Toppion, annie, PPP Clinic, Macadamia, Euro Bedding, Babylon, Club One,…

Chuyển giao quyền lực thời hội nhập - 6

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quách Diễm ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN