Văn hóa Đà Nẵng - cần một cú hích mạnh

Sau hơn 15 năm chia tách, đặc biệt từ khi trở thành đô thị loại I, "thương hiệu" Đà Nẵng ngày càng được nhiều bạn bè trong, ngoài nước biết đến. Người Đà Nẵng có quyền tự hào vì đã làm nên sự đổi thay kỳ diệu ấy. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Đà Nẵng đã hài lòng với những gì đạt được. Một trong những vấn đề luôn khiến những người có tâm huyết với TP trăn trở chính là làm sao để hoạt động văn hóa của Đà Nẵng xứng với tầm vóc đô thị loại I.

Có đầu tư nhưng chưa xứng tầm

Lấy mốc năm 1997- thời điểm QN-ĐN chia tách, Đà Nẵng có 4 di tích cấp quốc gia. Đến năm 2012, sau 15 năm phấn đấu xây dựng, cùng với sự phát triển chung của TP, số di tích được xếp hạng cấp quốc gia được nâng lên 16; 42 di tích được xếp hạng cấp TP và 52 di tích được đăng ký bảo vệ. Các thiết chế văn hóa cũng từng bước được đầu tư mạnh.

Điển hình như công trình Cung thể thao Tiên Sơn được xây dựng với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, Nhà biểu diễn đa năng hơn 81 tỷ đồng, Nhà hát Trưng Vương 49 tỷ đồng, Bảo tàng Đà Nẵng 40 tỷ đồng, nâng cấp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh 1,5 tỷ đồng, mở rộng Bảo tàng Điêu khắc Chăm 6 tỷ đồng... Bên cạnh đó, việc triển khai khôi phục một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có xu hướng bị lãng quên như lễ hội, trò chơi, diễn xướng dân gian... cũng đã được các cấp, ngành quan tâm tổ chức thường xuyên hằng năm, có tác dụng và ảnh hưởng tốt đến nhận thức của một bộ phận giới trẻ về văn hóa truyền thống...

Mặc dù môi trường văn hóa của Đà Nẵng được đánh giá đã có sự phát triển lành mạnh, sôi nổi, đều khắp; và trên thực tế, Đà Nẵng cũng đã làm được rất nhiều việc nhằm góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành TP thân thiện, đáng sống, tuy nhiên,  so với tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng như vũ bão trong 15 năm qua của TP thì các hoạt động văn hóa ở Đà Nẵng chưa thực sự xứng tầm. Và so với 2 đầu đất nước thì vẫn chưa thể sánh kịp. Một số thiết chế văn hóa có tầm cỡ như: Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng chứng tích chiến tranh Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng hay bảo tàng Lịch sử..., đến nay vẫn còn nằm... trên giấy.

Văn hóa Đà Nẵng - cần một cú hích mạnh - 1

Văn hóa Đà Nẵng - cần một cú hích mạnh - 2

Đà Nẵng- thành phố bình yên. Ảnh: Đ.T.Thủy

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, ông Võ Công Trí- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đã nêu ra một số khuyết điểm, hạn chế trong việc thực hiện NQ T.Ư 5 của TP, đó là: nhận thức văn hóa trong một số cấp ủy các cấp và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đầy đủ, còn nhận thức theo kiểu "đánh trống bỏ dùi".

Trong khi đó, ở tầm tư duy hoạch định chính sách phát triển, vẫn còn tình trạng coi trọng kinh tế hơn văn hóa xã hội; trong văn hóa xã hội thì coi trọng giải quyết vấn đề xã hội hơn văn hóa; còn trong văn hóa thì chú trọng những phong trào văn hóa hơn những vấn đề của VHNT-bộ phận nhạy cảm của văn hóa...

Mới đây, trong một bài viết nói về đời sống văn hóa, VHNT Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Bùi Công Minh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, dù đã làm được nhiều việc nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn "mắc nợ" với TP. Bởi lẽ, tác phẩm có nhiều, nhưng "vẫn chưa có những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc truyền thống hào hùng của thành phố trong lịch sử đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới, nhất là giai đoạn từ sau chia tách 1997 đến nay. Tác phẩm thì vẫn có nhiều, nhưng để đứng vào "bảng xếp hạng" của cả nước thì còn là cả một chặng đường dài phấn đấu"... Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, có thể thấy, đội ngũ văn nghệ sĩ TP dù đã nỗ lực hết mình nhưng tiếng tăm, tên tuổi vẫn không thể nổi trội như ở 2 đầu đất nước. Và tại các sự kiện lớn của Đà Nẵng, vẫn phải mời các ca sĩ nổi tiếng của TPHCM, Hà Nội...

Văn hóa Đà Nẵng - cần một cú hích mạnh - 3

Ngày hội đọc sách- một trong các hoạt động văn hóa-giải trí  được đông đảo giới trẻ hưởng ứng hào hứng nhưng chỉ được tổ chức định kỳ, không thường xuyên. Ảnh  P.T

Không chỉ có thế, bộ mặt thành phố dù thật sự khang trang, nhưng đời sống văn hóa tinh thần của đại bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Người Đà Nẵng dường như chưa có thói quen đến rạp hát. Có người nhận xét, người Đà Nẵng "khó tính" trong thưởng thức văn hóa nghệ thuật; ít biểu hiện cảm xúc của mình đối với nghệ sĩ...

Tuy nhiên, công bằng mà nói, ngoài các khu vui chơi, tham quan thưởng ngoạn như: Bà Nà, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Non nước, quá ít công trình, dịch vụ để người Đà Nẵng hưởng thụ văn hóa tinh thần. Các thiết chế văn hóa như Cung thể thao Tiên Sơn, Nhà biểu diễn đa năng... xây dựng hoành tráng, trở thành địa điểm phục vụ các sự kiện văn hóa, lễ hội mang tầm quốc gia, là nơi để các NS nổi tiếng tổ chức những show giải trí, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện đến thưởng thức... Vài năm trở lại đây, TP cũng đã có nhiều cách làm hay trong xây dựng các loại hình hoạt động văn hóa- giải trí thu hút được du khách và người dân như: âm nhạc đường phố, nghe tuồng ở nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh. Một số điểm vui chơi phục vụ cho thanh thiếu nhi tại các siêu thị, trung tâm mua sắm... Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.

Cần một "cú hích" mạnh

Câu cửa miệng nói về cái sự "nhiều" ở Đà Nẵng là quán cà-phê, quán nhậu: "sáng la cà cà-phê, tối lai rai quán nhậu" dù chỉ là câu nói vui, nhưng cũng khiến không ít người tâm huyết với TP trăn trở. Rõ ràng, so với tốc độ phát triển đô thị nhanh như Đà Nẵng, các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa- giải trí mang tính đại chúng vẫn chưa thật sự xứng tầm. Vì vậy, để Đà Nẵng trở thành "điểm đến" lý tưởng của du khách và là niềm tự hào của mỗi người dân TP, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng cần chú trọng hơn nữa đến các hoạt động văn hóa, cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Được biết, trong quy hoạch tổng thể ngành VH-TT&DL đến năm 2020, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Đà Nẵng chọn lựa nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của TP. Theo hướng đi đó, muốn du lịch phát triển, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cũng như các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa của TP cũng cần có một "cú hích" mạnh hơn nữa. Việc xây dựng Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố thân thiện, hài hòa và đáng sống phải lấy văn hóa làm gốc. Bởi lẽ, văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.Nết (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN