Tạo đột phá trong liên kết phát triển vùng

Ngày 24-8, tại TP Đà Nẵng diễn ra Hội nghị ngành Công Thương vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cùng đông đảo các vị lãnh đạo UBND và Giám đốc Sở Công Thương 14 tỉnh, thành phố tham dự. Đây được xem là hội nghị quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Giữ mức tăng trưởng khá

* Mục tiêu kế hoạch năm 2012 ngành Công thương vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên

- Giá trị SXCN: 117.467,8 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2011 và đạt gần 96,9% kế hoạch (KH: 121.277 tỷ đồng).

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: 324.772,7 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2011 và đạt 101,7% KH (KH: 319.163 tỷ đồng).

- Kim ngach xuất khẩu: 6.378 triệu USD, tăng 9,04% so với năm 2011 và đạt 103,5% KH (KH: 6.163,9 triệu USD.

- Kim ngạch nhập khẩu: 3.482 triệu USD, giảm 51,4% so với năm 2011 và đạt 86,6% KH (KH: 4.019,6 triệu USD).

Năm 2012, trong vô vàn khó khăn chung phải đối mặt, ngành Công Thương vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp, tập trung chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là sự cố gắng vượt khó, vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN), kinh doanh thương mại vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của mỗi địa phương và vùng. Có thể thấy rằng, 7 tháng của năm 2012, việc tiếp cận vốn vay đối với DN vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn; hàng tồn kho nhiều, sức mua yếu đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình SXKD của các DN. Tuy nhiên, khi nhìn vào giá trị SXCN toàn vùng đạt gần 67.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và đạt 55,2% kế hoạch nhiều người cho rằng con số ấy khá ấn tượng do vẫn duy trì được mức tăng trưởng hợp lý. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp hầu hết vẫn giữ được mức tăng trưởng khá: Linh kiện điện tử (Đà Nẵng); VLXD (Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum); thép cán (Đà Nẵng, Quảng Nam); bia, sữa (Quảng Ngãi, Đà Nẵng); phân bón (Quảng Trị, TT-Huế); tinh bột sắn, đồ gỗ, ván gỗ (Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai); nước Yến (Khánh Hòa); thuốc lá điếu (Ninh Thuận); đường (Phú Yên, Bình Định); cao su, hạt điều, cà-phê (Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Khánh Hòa)...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các Sở Công Thương, do tác động của thị trường và các DN trong ngành thực hiện tái cơ cấu DN nên hoạt động sản xuất có phần bị ảnh hưởng; đặc biệt là một số sản phẩm công nghiệp như giày da, xi-măng, muối, đá xây dựng, đá xẻ...

Trên một bình diện khác, việc phát triển các khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong vùng được chú trọng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. Tính đến tháng 7-2012, toàn vùng có 12 khu kinh tế, 50 khu công nghiệp và 187 cụm công nghiệp với 2.553 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn 149.508 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2012, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2012 (Đà Nẵng), Festival Huế, Hội chợ Vietbuild, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao; các chương trình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... cũng đã góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng.

Tạo đột phá trong liên kết phát triển vùng - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Quyết liệt những tháng cuối năm

Theo dự báo 5 tháng cuối năm 2012, tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính, nợ công. Giá điện, nước, gas, xăng dầu... và các hàng hóa thiết yếu khác tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập của người dân sẽ ảnh hưởng đến mức sống và quy mô tổng cầu hàng hóa trong nước. Vì thế, đòi hỏi ngành Công Thương trong khu vực và cộng đồng các DN phải quyết liệt phấn đấu thực hiện mới đạt được các chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng đó, lãnh đạo ngành Công Thương vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã thống nhất chọn giải pháp liên kết vùng để tăng thêm sức mạnh theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo hướng chuyên môn hóa, có sự phân công phân vùng cụ thể nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Căn cứ thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa UBND các tỉnh, thành phố, trong thời gian tới, Sở Công Thương và DN các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng việc triển khai các thỏa thuận hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã được ký kết; tăng cường hợp tác về đầu tư, liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các DN trong vùng...

Một số nhiệm vụ cấp bách cũng được ngành Công Thương trong vùng xác định. Đó là, tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy phát triển SXKD và đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường nhằm duy trì tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, thương mại điện tử và khuyến công; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo dõi, nắm bắt tình hình, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; tăng cường công tác QLTT, kiểm soát biến động giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Kiếm (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN