Sóng ngầm cầm đồ (P.2)
Không phải lúc nào các dịch vụ cầm đồ (DVCĐ) cũng ăn nên làm ra. Nhiều trường hợp "non tay nghề", cầm phải đồ gian, không chỉ mất tài sản mà còn vướng vào vòng lao lý với tội danh "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Cũng có người vì quá hám lời nên huy động vốn lớn, để rồi lâm vào cảnh vỡ nợ, tù tội.
* Bài 2: "Vỡ mặt" vì ... vỡ nợ
DVCĐ có rất nhiều biến tướng và những góc khuất. Để mở một cơ sở kinh doanh cầm đồ, yêu cầu chủ hộ phải có lý lịch rõ ràng, đã thành niên, làm chủ hành vi dân sự, không trong tình trạng bị tố tụng, mang án. Về phần vốn thì tùy vào tiềm lực kinh tế, có nhiều thì làm ăn lớn, cầm tài sản lớn như xe máy, ô-tô, nếu không trường vốn thì ăn ít kiểu "cò con". Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết DVCĐ không cần chứng minh tài sản, chỉ cần có tiền là được. Và chỉ cần khoảng 200 triệu đồng là có thể mở tiệm, bởi số tiền luôn trong trạng thái luân chuyển liên hồi. Với hình thức kinh doanh kiểu "một vốn bốn lời" như thế, không ít người đã cầm cố nhà cửa làm vốn để kiếm lời nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc kinh doanh cũng thuận buồm xuôi gió.
Đầu tháng 10/2013, người dân TT Nam Phước (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) rúng động trước thông tin hàng loạt chủ tiệm DVCĐ tuyên bố phá sản. Vụ việc đã làm hàng trăm gia đình điêu đứng bởi nhiều người vì cả tin đã đặt cả gia tài của mình vào tay những kẻ cho vay nặng lãi. Gần đây nhất là vụ vỡ nợ của vợ chồng Nguyễn Thị Hồng Minh và Nguyễn Văn Tuấn (trú H. Duy Xuyên). Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiệm cầm đồ của vợ chồng Minh - Tuấn ăn nên làm ra vì được sự tin tưởng của khá nhiều người. Một đồn mười, mười đồn trăm là Minh và Tuấn đang phất lên nhờ có tiệm cơm sau Trường THPT Sào Nam luôn đắt khách.
Tiệm cầm đồ Minh -Tuấn tại H. Duy Xuyên tuyên bố vỡ nợ
Mặt khác, Tuấn còn thâu tóm bãi giữ xe sau trường để làm ăn. Số vốn để cho vay của Minh thực chất chính là mồ hôi nước mắt của người thân, bạn bè. Trong số đó có cả tiền bán rau, bán lúa của những tiểu thương trong chợ Quận (H. Duy Xuyên). Bằng lời lẽ ngon ngọt, Minh đã hứa hẹn với nhiều người rằng sẽ trả lãi cao nếu chịu chung vốn làm ăn. Tin tưởng vào sự ăn nên làm ra của tiệm cầm đồ này, nhiều người đã lao vào chung chạ vốn liếng mong đổi đời. Chỉ đến khi Minh tuyên bố vỡ nợ rồi "cáo bệnh" thì mọi người mới tá hỏa biết là tiệm cầm đồ của Minh chỉ là trò che mắt thiên hạ. Theo thống kê từ đơn, thư tố cáo, số tiền chiếm đoạt từ vay mượn của bà Minh ngót nghét 15 tỷ đồng.
Không chỉ trường hợp của vợ chồng Minh - Tuấn, vụ vỡ nợ của tiệm cầm đồ Ngọc Xanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) với số tiền hơn 20 tỷ đồng đã làm cho vùng quê nghèo này thêm xác xơ. Tiệm này làm ăn có tiếng trong vùng, bởi từ lâu Ngọc Xanh đã kinh doanh bán xe đạp, phụ tùng xe máy và xe đạp điện. Chính vì vậy mà khi Ngọc Xanh tung tin làm ăn lớn, mở DVCĐ thì nhiều người đã tin tưởng vào lời hứa hẹn của Xanh về việc trả lãi cao. Thâu tóm được một số tiền lớn, y mở tiệm cầm đồ nhưng chỉ một thời gian sau thì tuyên bố vỡ nợ. Không biết số tiền đó đã đi đâu về đâu và tiệm cầm đồ của Xanh tại sao lại "nuốt" nhiều vốn đến vậy, chỉ biết rằng ai đã lỡ bước vào cuộc chơi này thì đều trắng tay.
Tiệm kinh doanh xe máy, xe đạp kiêm dịch vụ cầm đồ Ngọc Xanh
Là người quen lâu năm nên tôi rất ngỡ ngàng khi chỉ từ một người bảo vệ bình thường, anh T. lại đủ "tự tin" để mở DVCĐ. Sau này khi sự việc vỡ lở tôi mới biết là vì anh thấy bạn bè mở tiệm giàu nhanh nên ham, về bàn với vợ cầm sổ đỏ ngôi nhà để lấy tiền làm vốn cho vay. Thấy dễ ăn nên anh cứ tiêu xài hoang phí để đến bây giờ lâm vào cảnh "tiền mất nợ mang". Hiện vợ chồng anh T. đang mở một quán ăn ở gần cầu Cẩm Lệ. Hằng tháng, anh chị phải trả hơn 4 triệu đồng tiền lãi vì thế chấp căn nhà. Anh T. cay đắng thú nhận: "Sở dĩ tiệm cầm đồ ở Q. Cẩm Lệ của tôi phá sản là bởi tôi đã không biết điểm dừng, tiêu xài quá mức để thâm vốn. Sau đó, những hàng hóa bị bỏ lại tôi cũng không thể bán được vì xe không có giấy tờ. Những thứ hàng lặt vặt khác như điện thoại, máy ảnh, đồng hồ... thì không thu hồi được bao nhiêu. Bởi vậy, không phải cứ kinh doanh cầm đồ là có tiền nhanh đâu. Cái gì cũng có cái giá của nó".
Ngoài chuyện vỡ nợ, các DVCĐ còn đối mặt với chuyện rủi ro là cầm phải tài sản do trộm cắp mà có. Với những tài sản như điện thoại, máy vi tính xách tay, máy ảnh... nếu cầm phải tài sản trộm cắp mà có, khi CQĐT vào cuộc, phát hiện thì về nguyên tắc, đây là tang vật vụ án, được thu hồi xác minh hoàn trả cho người mất. Lúc này, chủ DVCĐ mặc nhiên là bị hại của kẻ trộm và xem như mất trắng số tiền đã cho vay. Đó là chưa kể những tài sản cầm cố là tang vật của những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người cướp tài sản, nhiều chủ DVCĐ phải ra trước tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Không chỉ "vô tình" làm "sân sau" cho tội phạm, những chủ tiệm cầm đồ vì ham giàu, ham lợi lớn cũng đã tự đưa mình vào ngõ cụt, đến khi sự việc vỡ lở thì không những hại mình mà còn hại cả người khác. Bài học này dành cho những ai đã và đang mong muốn đổi đời từ việc làm ăn mà không dựa trên vốn liếng của mình.
(còn nữa)