Sóng ngầm cầm đồ (P.1)

Thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, khi các Giải bóng đá VĐQG trên khắp thế giới đồng loạt khởi tranh thì những khu phố cầm đồ tại Đà Nẵng lại trở nên “nhộn nhịp”. Đã không còn xa lạ với những hệ lụy từ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cầm đồ (DVCĐ) gây ra, song thời gian gần đây, khi hàng loạt những vụ vỡ nợ lên đến hàng tỷ đồng mà con nợ là chủ các tiệm cầm đồ lớn làm mọi người phải giật mình suy nghĩ. Phải chăng đằng sau thế giới cầm đồ còn cả một câu chuyện dài chưa được khám phá?

* Bài 1: Cầm cố - khó mà dễ

Cầm đồ là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, được pháp luật công nhận. Không phủ nhận rằng cầm đồ tiện lợi cho những ai cần tiền gấp nhưng không muốn mất đi tài sản của mình. Tuy nhiên, vì sao nhắc đến cầm đồ chúng ta vẫn thường nghĩ đến những góc tối, những chiếc xe máy không chính chủ, những tài sản “trên trời rơi xuống”? Chính bởi vì cách thức hoạt động cầm đồ còn khuất tất, tài sản được đem đi cầm vẫn chưa được xác định nguồn gốc, quy định lãi suất cho vay cũng khá mập mờ. Vì những sơ hở này cộng thêm thái độ “biết mà làm ngơ” của chủ tiệm đã biến các điểm cầm đồ thành nơi tiêu thụ của gian.

Trong vai một người đang cần tiền, một ngày cuối tháng 11/2013, tôi mang sợi dây chuyền vàng 18K đến một tiệm cầm đồ trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê (Đà Nẵng). Tiếp tôi là một phụ nữ chừng hơn 30 tuổi, ăn mặc rất đúng mốt. Sau khi nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, chị ta hỏi: “Tính cầm cái chi”. Thấy sợi dây chuyền tôi đưa ra, chị ta lắc đầu: “Ở đây chị chủ yếu cầm xe, cầm giấy tờ chứ mấy thứ như dây chuyền vàng bạc khó xác định được giá trị lắm”. Tôi nài nỉ: “Chị ơi em đang cần tiền gấp lắm, chị cố gắng cầm giúp cho em, bao nhiêu cũng được chị ạ”. Thấy tôi khẩn thiết, chị ta hỏi lại: “Thế em tính cầm bao nhiêu? Chị phải xem có đúng vàng thật không thì mới nhận đó nghe”. Tôi dạ dạ vâng vâng rồi theo chị đến một ngôi nhà trên đường Trần Cao Vân. Trước khi đi, chị bảo là đến tiệm vàng để cân và xem có đúng vàng Tây như lời tôi nói không, nhưng ngôi nhà chúng tôi đến lại là một tiệm… sửa quần áo. Thấy tôi ngạc nhiên, chị ta giải thích: “Nhà ni của ông anh chị, hồi xưa có kinh doanh vàng nên biết rõ lắm”. Nói rồi chị ta mất hút sau cánh cửa gỗ.

Sóng ngầm cầm đồ (P.1) - 1

Một khách hàng mang ĐTDĐ đến tiệm cầm đồ

Sau khi xác định đúng vàng thật, chủ tiệm đồng ý cho tôi vay 300.000 đồng trong thời hạn 3 ngày. Tuy đồng ý nhưng chủ tiệm vẫn cứ than vãn: “Cầm mấy cái đồ ni khó lắm, đáng lẽ là em phải có giấy chứng nhận mua vàng kia. Xe cộ thì còn biết được chứ ba cái đồ trang sức ni làm giả mấy hồi!”. Tuy nhiên, đến khi ký vào hợp đồng vay tiền thì mục lãi suất là bao nhiêu phần trăm không được điền vào. Hỏi thì chị ta tảng lờ: “Vay có 300 ngàn lãi không bao nhiêu đâu, ghi vào làm gì cho mệt. Đúng 3 ngày sau mà không tới lấy là chị thanh lý cho người khác đó nghe”.

Tôi chỉ vào dãy xe máy đang dựng trong nhà, ngây ngô hỏi: “Rứa mấy xe ni cầm giá ra sao chị?”. “Tùy, mà có giấy tờ kia chị mới định giá được”. Tôi tò mò hỏi thêm: “Chị, rứa cái xe ni đứng tên của ba má, em cầm được không?”. “Chị nói rồi, có giấy tờ chi chứng minh chứ không thì chị biết để lại cho ai, chừ xe không giấy tờ mà đụng vô họ kiểm tra chị không chịu trách nhiệm được. Ví dụ như em cầm laptop hay điện thoại của em thì được”.

Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì có một người phụ nữ chạy chiếc xe máy SH màu mận vào quán. Sau vài câu trao đổi với chủ tiệm, người phụ nữ chạy luôn xe vào nhà. Chị chủ ngay lập tức đưa ra một cọc tiền toàn tờ 500.000 đồng. Nói chuyện vài câu rồi người phụ nữ kia điện thoại cho một cô gái tới chở về. Tôi vờ thắc mắc: “Ủa chị, chị kia cầm cái xe lớn vậy mà không ghi biên lai cho vay hả chị?”. Chị chủ nhìn tôi vẻ khó chịu: “Quen rồi thì ghi làm gì, chuyện làm ăn của chị em biết đâu được”.

Rời đường Dũng Sĩ Thanh Khê, tôi đến đường Trần Cao Vân - một trong những tuyến đường tập trung nhiều tiệm cầm đồ nhất Đà thành. Đang là thời điểm “nóng” nên các tiệm cầm đồ ở đây hầu hết đều rất đông khách. Dạo một lượt các tiệm cầm đồ mà khách hàng đa phần là thanh niên, sinh viên tôi nghe lỏm được một cuộc đối thoại giữa chủ tiệm cầm đồ T.T và một người đàn ông rất ra dáng “đàn anh đàn chị”: “Bà chị kỳ nghe, chỗ làm ăn quen mà không lẽ bắt chẹt thằng em như rứa!”. “Thôi thôi, mi hồi mô cũng nói rứa, ta còn phải kiếm đường của ta chứ. Thời buổi chừ có phải như hồi xưa đâu. Ta lấy giùm mi, ai lấy giùm ta?”. Nói đoạn chị ta quay sang tôi hất hàm: “Cần gì?”. Tôi lí nhí: “Dạ, cái máy ảnh ni của em cầm thì được bao nhiêu hả chị?”. “Ở đây không cầm mấy thứ nớ, qua bên kia đường hỏi thử đi”, chị ta trả lời mà không thèm nhìn tôi tới lần thứ hai.

Sóng ngầm cầm đồ (P.1) - 2

Một góc phố cầm đồ Trần Cao Vân (TP Đà Nẵng)

Nghe tôi kể chuyện đi cầm đồ, anh T. - người từng có thời gian kinh doanh dịch vụ này ở Q. Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, thường thì khách của tiệm ít ai là “chính nhân quân tử” mà toàn là những tay thua bài bạc, thua cá độ rồi cầm cố gỡ vốn, được ăn cả ngã về không. Anh T. cho biết thêm, làm ăn lâu năm, các chủ tiệm hầu như đều phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng “mượn tạm”. Tuy nhiên, muốn làm ăn lâu dài thì phải chấp nhận “ngây thơ” để kiếm lời. Với lại xe máy thì còn có giấy tờ chứ điện thoại, laptop, máy ảnh thì ai biết đó là đâu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết những tiệm cầm đồ đều nằm rải rác gần các trường ĐH, CĐ. Những tháng cuối năm hay gần tới mùa đá bóng là dịp mà các tiệm cầm đồ đắt khách nhất. Đó là những cô cậu sinh viên dám chơi nhưng không biết lấy gì mà chịu đành phải mang cầm cố xe máy, laptop. Tuy nhiên, vì thủ tục cầm đồ hiện nay đều “nhanh, gọn, lẹ” nhưng lãi suất lại “cắt cổ”, 5% -10%, thậm chí 15% nên hầu hết tài sản của những sinh viên này khi tới tai bố mẹ thì đã đội giá lên rất nhiều. Kinh doanh cầm đồ không những cần phải có mắt nhìn “hàng” mà còn phải có mắt nhìn người nữa. Xác định được giá trị của món hàng để cầm không bị hớ nhưng quan trọng nhất là phải xác định được người đến cầm có ý gửi tạm hay “vứt luôn”. Ví như sợi dây chuyền vàng tôi cầm với giá 300.000 đồng, sau 2 ngày đến lấy thì phải trả 20 nghìn đồng tiền lãi. Các chủ tiệm thường không mặn mà với những “thượng đế” như tôi, thường chuộng những vị khách đang cần tiền gấp mà không có khả năng lấy lại tài sản. Bởi vì, tài sản này sau khi thanh lý chủ tiệm sẽ được hưởng lời lớn hơn.

(còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Dung - Nguyên Thảo (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN