Phản ứng của DN sau khi tăng giá điện
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới hôm trước công bố tăng giá điện (29-6) thì ngay lập tức sau đó 1 ngày (1-7), mức giá mới đã được áp dụng ngay. Chính điều này đã gây không ít bức xúc trong dư luận, nhất là đối với các doanh nghiệp (DN). Vậy là trong cơn khốn khó đủ bề, DN lại càng lao đao vì phải gồng mình chịu thêm chi phí tăng giá điện.
DN kêu trời
Ông Trần Xuân Hòe - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Dệt may 29-3 khá bức xúc cho biết, hiện nay, chỉ riêng chi phí dành cho tiền điện của Cty mỗi tháng bình quân 250 triệu đồng, chiếm khoảng 5% trong giá thành. “Các đơn hàng chúng tôi đã ký với đối tác từ đầu năm, nay tăng giá bán điện lên 5%, nhưng thực tế là đối với các đối tượng ngành sản xuất như Cty CP Dệt may 29-3 thì giá điện áp dụng mới tăng bình quân hơn 5,3% nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của đơn vị”. Ông Hòe cho rằng, tăng giá điện vào thời điểm này là không hợp lý, thiếu sức thuyết phục và làm giảm tính cạnh tranh của các DN trong điều kiện suy thoái kinh tế, vốn vay ngân hàng (NH) khó tiếp cận, chi phí đầu vào tăng trong khi giá thành sản phẩm không thể tăng thêm được nữa. Chính vì thế, bản thân DN như Cty CP Dệt may 29-3 buộc phải tính đến việc làm sao thực hiện có hiệu quả nhất đối với việc bố trí giờ sản xuất để phù hợp và có hiệu quả đối với 2 ngành sản xuất dệt và may.
Ông Văn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Đà Nẵng cho biết, với việc tăng giá điện lần này, các DN sản xuất sử dụng nhiều điện năng trong Hiệp hội đều phản ứng mạnh. Hàng loạt chi phí đầu vào đã quá cao như lãi suất vay vốn NH, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển... khiến DN khốn đốn suốt thời gian dài, nay giá điện tăng lại giáng thêm một đòn mạnh vào việc điều tiết giá cả của DN. “Điều này sẽ làm cho DN sản xuất trong nước không chỉ mất lợi thế cạnh tranh về giá ở ngay chính thị trường nội địa, mà còn có nguy cơ mất hẳn thị trường ở nước ngoài” - ông Thiết lo lắng. Hàng loạt DN chưa kịp tìm ra lối thoát trong thời điểm khó khăn, bây giờ lại phải gánh thêm chi phí giá điện tăng thì quả là không ổn. Ông Thiết khẳng định: “Trong thời điểm hiện nay, việc tăng giá điện là không hợp lý”. Với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV, ông Thiết cho biết, chỉ mới thăm dò ý kiến của 17 DN đang hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng thì tất cả đều bức xúc, cho biết tăng giá điện lúc này là bất hợp lý.
Cty CP Dệt may 29-3 bố trí sản xuất phù hợp để tiết kiệm điện
Ngay như những ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn cũng rất bức xúc khi giá điện tăng thêm 5%. Ông Trịnh Bằng Có - Giám đốc Cty CP Phương Đông Việt đưa ra bài tính: ở khách sạn của ông quản lý, điện hiện nay chiếm 10% trong cơ cấu doanh thu và bình quân mỗi tháng đơn vị phải chi không dưới 150 triệu đồng trả tiền điện; lãi suất NH chiếm 28%/doanh thu; lương chiếm hơn 20%/doanh thu. Nói là doanh thu của ngành Du lịch tăng, nhưng thực tế doanh thu du lịch của từng đơn vị lại giảm do có quá nhiều khách sạn ra đời. Ông Có cho rằng: “Những khách sạn 3 sao có khoảng 50-60 phòng như chúng tôi còn đỡ chứ khách sạn cỡ 20-30 phòng thì chi phí dành cho điện sẽ chịu tỷ lệ cao hơn nhiều”.
Những DN sản xuất, các đơn vị trong ngành dịch vụ như siêu thị, điện máy cũng lo ngay ngáy khi kinh doanh đang ế ẩm mà chi phí đầu vào lại đội lên. Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Cty TNHH TM-DV Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng cho biết, mỗi tháng, chi phí sử dụng điện trên toàn hệ thống bình quân hơn 220.000kWh, tương đương khoảng hơn 600 triệu đồng. Vì vậy, khi giá điện tăng 5%, hằng tháng, Cty phải bỏ ra thêm 30 triệu đồng. Tuy chịu áp lực về tăng giá điện như thế, nhưng ông Anh khẳng định đơn vị không thể tăng giá các mặt hàng trong thời điểm hiện nay nhằm duy trì và từng bước tăng sức mua đối với người tiêu dùng. Còn tại Viettronimex Đà Nẵng, sản lượng điện tiêu thụ mỗi tháng ở cả 3 siêu thị bình quân hơn 200 triệu đồng, nay giá điện tăng thêm 5% sẽ rất khó khăn. Ông Trần Minh Dõng - Giám đốc Cty thừa nhận, sức mua năm nay giảm, lại phải “gánh” thêm chi phí đầu vào là điều buộc Cty phải tính đến các biện pháp tiết kiệm điện.
EVN: Ảnh hưởng không đáng kể?
Trong khi đó, EVN cho biết, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ ngày 1-7 đến 31-12-2012 là 56,8 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước. Lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 1-7 có tác động với mức độ không lớn đến hoạt động SXKD và sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, thực tế từ việc tăng giá điện 5% kể từ ngày 1-7 đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với các DN và cả người dân trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Những phản ảnh trên chỉ là một mảng rất nhỏ trong hoạt động SXKD hiện nay của các DN khi đang phải đối mặt với rất nhiều bài toán chưa có lời giải.