Ô nhiễm: Rác thải là... bãi dịch bệnh

Hàng ngàn lô đất bỏ hoang, nhiều dự án, khu tái định cư triển khai chậm, đã và đang trở thành điểm tập kết xà bần, rác thải là môi trường "lý tưởng" để dịch bệnh phát triển.

Năm 2011, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở TN-MT ra thông báo đối với chủ các lô đất chưa sử dụng yêu cầu dọn dẹp, bảo vệ lô đất của mình. Sau thời gian ra thông báo, nếu các chủ đất không thực hiện hoặc không phản hồi, Sở sẽ đứng ra tổ chức tổng vệ sinh các lô đất trống trên và kết hợp với các địa phương tạm thời sử dụng các lô đất này vào mục đích tạo nguồn kinh phí tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương... Bước đầu, chủ trương trên đã tạo những chuyển biến tích cực, một số chủ đất đã dọn dẹp, rào lại khu đất của mình, xà bần, giá hạ được dọn đi... Và trong tháng 5 vừa qua, nhiều địa phương đã ra quân hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp", tiến hành dọn dẹp rác, phát cỏ tại các tuyến đường, các khu đất trống...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chiều hướng tái diễn tình trạng nhiều lô đất trống trở thành nơi đổ rác, phế thải, cỏ cây um tùm, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị và là địa điểm tốt cho ruồi, muỗi sinh sôi, dịch bệnh phát triển... Dạo một vòng qua những tuyến đường mới trên địa bàn P. Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, Thuận Phước (Hải Châu), P. Hòa Minh (Liên Chiểu), P. Thanh Khê Tây (Thanh Khê), P. Khuê Trung, Hòa An (Cẩm Lệ)... chúng tôi không khó phát hiện những bãi "đất hoang" um tùm cỏ, rác thải, xà bần... Chị Tuyết (Thuận Phước) cho biết: "Sau khi các ngành chức năng ra quân dọn vệ sinh những lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, người dân ở đây ai cũng mừng. Nhưng do không được dọn vệ sinh thường xuyên nên hiện cỏ đã mọc lại um tùm, trở thành nơi sinh trưởng cho các loài ruồi, muỗi, tiềm ẩn dịch sốt xuất huyết bùng phát. Vùng đất trống của dự án đường Bạch Đằng nối dài đang là nơi thuận tiện để cho người dân lén lút đổ trộm xà bần và rác thải...".

Ngược về các P. Mỹ An, Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn), P. Mân Thái, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang (Sơn Trà), chúng tôi tiếp tục bắt gặp những khu đất trống, một số con đường mới cỏ mọc um tùm, rác, xà bần được đổ đầy và phát hiện ra hàng ngàn sâu bọ, ruồi muỗi... Chị Phương (Nại Hiên Đông) ngán ngẩm: "Các khu đất trống dọc những con đường mới trên địa bàn quận nói chung và phường này nói riêng đều có chung tình trạng "vô chủ". Thấy thế nhiều người dân đã vô tư mang rác, chiếu rách, cơm thừa, ghế hư vứt đầy. Nhiều người đi đường phải bịt mũi nín thở khi đi qua...".

Ô nhiễm: Rác thải là... bãi dịch bệnh - 1

Những khu "đất hoang" thường là điểm tập kết rác, xà bần

Những ngày đầu tháng 7, sau khi nhận thông tin phản ánh của bạn đọc qua đường dây nóng Báo Công an TP Đà Nẵng về việc cạnh nhà số 1 Tản Đà (Tổ 23, P. Thạc Gián, Thanh Khê) có một đống rác, xà bần lớn đã tồn tại từ lâu, gây ÔNMT nghiêm trọng, chúng tôi đã có mặt để xác minh thông tin và ghi lại hình ảnh. Vừa đến đầu đường Tản Đà, chúng tôi đã chạm phải mùi hôi thối nồng nặc. Qua ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi thấy cách nhà số 1 - Tản Đà khoảng 10 m có một đống xà bần lớn bên trong chứa đủ các loại rác thải như: cơm thừa, kính bể, các loại vỏ ốc, chuột chết, cá thiêu,... Điều đáng nói hơn nữa là cách đống rác bốc mùi hôi thối khoảng 30m là Khu vui chơi giải trí thiếu nhi P. Thạc Gián. Theo người dân, đó là "sản phẩm" của những gia đình trong kiệt số 1 - Tản Đà mang ra vứt.

Trong lúc chúng tôi đang ghi nhận thông tin thì có một người đàn bà khoảng 60 tuổi đạp xe đến vứt một bao nilong to xuống đống rác. Dù bị một số người dân đứng đó lên tiếng phản đối nhưng bà ta vẫn thản nhiên bỏ và từ từ đạp xe để đi vào con kiệt số 1 Tản Đà. Anh Nguyễn Ngọc N. cho biết: "Nhiều gia đình chịu không nổi mùi hôi nên cứ đóng cửa suốt, chỉ tội cho những hộ kinh doanh, chẳng có khách nào đến để ăn uống cả vì chẳng ai lại đến để chạy vào buồng nhà của quán để đóng cửa lại mà nhậu cả... Trước đây, chúng tôi cũng đã ra quân dọn dẹp và treo bảng cấm đổ rác nhưng sau đó vẫn bị những người thiếu ý thức hạ xuống rồi tiếp tục xả rác".

Ô nhiễm: Rác thải là... bãi dịch bệnh - 2

Người phụ nữ này vô tư vứt rác xuống đường

Nếu người dân khu vực đầu đường Tản Đà phải chấp nhận sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ đống rác, xà bần thì người dân các tổ dân phố 47, 48, 49, 50 và 55 (P.Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) đành sống với "giặc"... ruồi. Toàn P. Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) hiện có 9 ha đất trồng rau tận dụng từ các dự án bỏ hoang do 83 hộ dân địa phương canh tác. Trong đó, riêng diện tích trồng rau gây ruồi ảnh hưởng khu dân cư rộng khoảng 7 ha, dọc theo các đường Hàm Tử, An Dương Vương, Nguyễn Tư Giản, Chương Dương, Mỹ An 6, 7, 8... Việc tận dụng đất dự án bỏ hoang để trồng rau đã phần nào giải quyết được tình trạng lau lách mọc. Tuy nhiên, do cách vệ sinh chăm bón phân và việc tập kết phân chuồng, phân cút cũng như vứt rác thải bừa bãi, nước thải ứ đọng của những người trồng rau đã làm phát sinh nạn ruồi. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người dân tại các tổ 47, 48, 49, 50 và 55 đều vô cùng bức xúc về tình trạng ô nhiễm do ruồi dày đặc. Chị Tâm sống cạnh những vườn rau cho biết: "Trước đó ruồi thường tập trung ở khu vực tập kết các loại phân ven ruộng rau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do thời tiết thay đổi, nắng nóng gay gắt nên ruồi đã chuyển sang "tấn công" vào nhà dân. Cứ sau các trận mưa giông mỗi buổi chiều thì ruồi bu dày đặc cả nền nhà. Nhiều gia đình đã phải dùng các vỉ dính để bẫy ruồi. Kết quả là ruồi dính dày đặc cả chục vỉ như vậy mỗi ngày...".

Không chỉ nạn ruồi hoành hành làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của những gia đình mà nó còn khiến các hàng quán xung quanh bị ế ẩm và nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường mầm non nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng không khỏi lo âu, sợ hãi về dịch bệnh có thể phát sinh. Các cô giáo ở Trường mầm non P.H cho biết: Biện pháp đặt máy đuổi ruồi, bẫy ruồi, lưới ruồi đều không ăn thua. Mỗi tháng nhà trường tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng cho chi phí diệt ruồi bằng nước tẩy rửa ngoại nhập, nhằm đảm bảo vệ sinh cho hơn 200 trẻ em đang theo học. Người dân càng lo lắng hơn khi đang vào mùa nắng nóng cao điểm, nạn ruồi rất dễ kéo theo nguy cơ dịch bệnh về tiêu hóa cho trẻ nhỏ và người già trong khu dân cư...

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Dũng - H. Táo (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN