Ô nhiễm: Những điều tai nghe, mắt thấy...

Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở thủ công mỹ nghệ đã và đang gây bức xúc trong đời sống người dân Đà Nẵng. Dù đã có nhiều biện pháp cũng như chế tài xử phạt nhưng việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra hằng ngày với cách thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Những ngày cuối tháng 6, khi chúng tôi về thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang), hầu hết người dân tại đây đều phản ánh rằng: trong nhiều năm qua, một số Cty sản xuất thép luôn hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm, khói bao trùm cả một khu vực không ai chịu nổi. Vào ban đêm, công nhân tập kết, cẩu phế liệu, sắt thép... ầm ầm làm chấn động cả một khu vực, không ai ngủ ngon giấc. Trước tình hình đó, hàng trăm người dân của thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 nhiều lần kéo đến để phản ứng và yêu cầu các nhà máy dừng hoạt động, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT), tiếng ồn...

Ghi nhận phản ánh của người dân, các cty này cũng đã ra sức khắc phục nhưng tình hình vẫn chưa có bước chuyển biến khả quan... Anh Nguyễn Tấn (38 tuổi), nhà sát cạnh các nhà máy, bức xúc: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động cũng là lúc chúng tôi bắt đầu sống chung với ô nhiễm. Nhiều đêm nhà máy hoạt động, tiếng cẩu ồn khiến hai đứa con nhỏ của tôi không ngủ được, khóc ré khiến cả nhà thức theo, sáng ra không ai đủ tỉnh táo để làm việc”. Chung nỗi niềm, bác Nguyễn Văn Tình (65 tuổi), bộc bạch: “Nhà máy đã khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, sức khỏe ảnh hưởng. Khi nào nhà máy hoạt động mạnh là y như rằng cơn ho của tôi kéo dài không ngớt. Người dân đã nhiều lần kéo đến nhà máy để yêu cầu dừng sản xuất và đơn thư cũng đã được gửi đi nhiều cấp chính quyền nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm... Nếu các nhà máy không thể khắc phục tình trạng ô nhiễm đó được thì thành phố nên sớm di dời dân chúng tôi ra khỏi vùng này...”.

Nếu người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 phải sống trong tiếng ồn và khói bụi, người dân các tổ 25 và 26 (P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) “phải hút thuốc lá bất đắc dĩ” do ô nhiễm không khí độc hại từ Nhà máy sản xuất thuốc lá của Cty TNHH Imperial Vina Đà Nẵng thải ra thì hàng ngàn người dân sống quanh KCN Hòa Cầm, KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (Sơn Trà), KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu) phải hứng chịu nước thải có mùi hôi thối của các doanh nghiệp (DN) xả thẳng ra môi trường. Theo phản ánh của người dân xã Hòa Liên (Hòa Vang) và P. Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), sống cạnh KCN Hòa Khánh, kể từ khi xuất hiện nhiều nhà máy hoạt động trong KCN, người dân đã phải sống chung cùng dòng nước đen ngòm với bao thứ chất thải độc hại, vi sinh vật gây bệnh.

Anh Tâm, sống cạnh KCN Hòa Khánh cho biết: “Có sống ở đây mới biết nước thải của các nhà máy được xử lý như thế nào. Xử lý kiểu gì mà nước cứ đen ngòm. Cứ thời tiết đang vào mùa nóng thì mùi hôi, tanh nồng lại bốc lên và theo gió bay vào từng nhà dân”. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà việc nhiều nhà máy gây ÔNMT đã “cướp đi” miếng ăn của người dân. Bác Hoàng Hữu Mạnh (57 tuổi, trú thôn Trung Sơn, Hòa Liên, Hòa Vang), cho biết: “Kể từ khi KCN Hòa Khánh có nhiều DN đến hoạt động, người dân nơi đây phải chấp nhận sống chung với nước bẩn, mùi hôi. Đồng ruộng, kênh mương, ao hồ đều bị ô nhiễm, nước đen sì và hôi thối... nên gia đình có 6 sào ruộng cũng đành bỏ không. Nhớ ruộng, nhiều người phải chờ mưa ra thăm, nhưng cũng không dám lội xuống bởi mặt nước đen sệt...”.

Ô nhiễm: Những điều tai nghe, mắt thấy... - 1

Kênh thoát nước mưa tại KCN Hòa Khánh đen ngòm vì nước xả thải của các nhà máy

Vừa qua, Đoàn Thanh tra liên ngành của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49) Bộ CA đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và lập biên bản một DN tại KCN Liên Chiểu đã xả trực tiếp nước thải “bẩn” ra môi trường...; phát hiện và lập biên bản một vụ xả trộm nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường tại KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng... Bác Nguyễn Trung Tiến (người dân sống cạnh KDV thủy sản Thọ Quang) kiến nghị: “Đành rằng là phát triển kinh tế, nhưng không thể vì cái lợi trước mắt mà bỏ quên cái lợi lâu dài, không thể vì cái lợi của một vài cá nhân mà bỏ qua cuộc sống người dân. Tôi đề nghị thành phố có biện pháp triệt để với những nhà máy đã và đang gây ÔNMT”.

Ô nhiễm: Những điều tai nghe, mắt thấy... - 2

Âu thuyền Thọ Quang là một trong những điểm nóng môi trường trong thời gian qua

Theo số liệu từ BQL các KCN&CX Đà Nẵng, thành phố hiện có 6 KCN tập trung với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.141,82 ha. Đã có 5/6 KCN xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Riêng KCN Hòa Khánh mở rộng mới chỉ có 6 DN hoạt động với lượng nước thải 60m3/ngày đêm nên thành phố có chủ trương xây dựng trạm bơm để chuyển nước thải về trạm xử lý nước thải của KCN Hòa Khánh. Trong khi đó, tại KCN DV thủy sản Thọ Quang, trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 2.500m3, ban đầu do Cty TNHH KHCN và môi trường Quốc Việt xây dựng và vận hành. Thế nhưng, chính đây lại là một điểm gây ÔNMT nhức nhối kéo dài trong thời gian qua. Vậy nên, thành phố thu hồi và bàn giao Cty thoát nước và xử lý nước thải tạm thời quản lý, vận hành. Ngoài ra, theo Cty MT&ĐT Đà Nẵng, mỗi tháng, đơn vị này thu gom và xử lý khoảng 400 tấn rác thải, chất thải rắn của 194 DN tại 6 KCN trên địa bàn.

Vẫn còn hơn 100 DN tìm mọi cách né tránh, từ chối ký hợp đồng thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn... Ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Chi nhánh Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh cho biết: “Trong tổng số hơn 130 DN đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh, hiện vẫn còn 67 đơn vị chây ì, chưa ký hợp đồng đấu nối xử lý nước thải, lén lút xả thải ra môi trường khiến người dân bức xúc. Còn một số DN đã đấu nối nhưng không chịu trả tiền xử lý, có DN nợ đọng lên đến cả tỷ đồng... Để các DN thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thoải, trước hết các KCN phải sớm hoàn thiện hệ thống thu gom; đồng thời các ngành chức năng của thành phố cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa đối với DN không thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải mà lén lút xả trộm ra môi trường...”.

Năm 2011, hàng loạt nhà máy xả nước thải gây ÔNMT, gây chết hàng loạt hệ sinh thái và cá trên địa bàn Q. Liên Chiểu đã bị dư luận lên tiếng và cũng đã bị xử phạt. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều DN vẫn “nhờn thuốc”, lén lút “xả chui” nước thải trực tiếp ra môi trường. Xem ra, mức phạt hiện hành với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường vẫn chưa đủ sức răn đe?

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Dũng - H. Táo (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN