Ngựa đất vào mùa

Theo quan niệm dân gian, người đã khuất luôn cần ngựa để đi lại ở chốn cửu tuyền. Ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Toản hiện là người duy nhất làm ngựa đất, đến nay đã hơn 40 năm. Thời gian này, ông đang tất bật “sản xuất” ngựa đất để cung ứng cho nhu cầu thị trường Tết.

Không phải kỳ công là được!

Một con ngựa đất phải trải qua 13 lần thao tác: hai mảnh của thân con ngựa; tám mảnh của bốn chân ngựa; hai mảnh của cái đuôi; một mảnh của cái đế. Phương pháp để gắn kết 13 mảnh lại với nhau là: mài bề mặt bằng 1 chút nước ẩm rớt lên trên nền nhà. Mài nhiều lần, trước khi mài đều phải nắn lại các chỗ nối cho có điểm tựa để mài ướt chỗ kết nối. Cuối cùng là đem vào lò nung, mỗi lần nung 200 con ngựa đất. Khi đem vào lò nung, dù không hề có thiết bị đo nhiệt độ, nhưng ông vẫn có thể ước chừng được rằng: “chỉ cần  2 tiếng là có thể cho ra lò”. Theo kinh nghiệm nhiều năm của ông Toản, khi nhìn thấy làn khói có quần đen bốc lên, khói đặc, là lúc thích hợp nhất để làm ngựa có dáng và da đẹp nhất. Khi ấy nhiệt độ có thể đã đạt đến 500 độ C.  Nếu để muộn hơn, sẽ có hiện tượng “quẹo đất”, ngựa sẽ bị biến dạng, màu sơn sẽ không đẹp nữa.

Khâu quan trọng không kém của việc tạo ngựa đất là khuôn đúc. Khuôn thường được ông tự tạo nên nhờ chính bàn tay của mình, cũng làm từ đất, nhưng được nung dày thân để tạo độ cứng và độ ép dáng ngựa. Bên trong khuôn đúc có vẽ hoa văn mình ngựa, làm nên bờm, mắt, chân ngựa, dáng ngựa. Ngựa sau khi nung xong, nhất định phải dùng sơn bạch tuyết mới có thể đáp ứng được nhu cầu “hấp nước” rất lớn của đất sét. Ngựa nung có 2 màu: “hồng mã” và “bạch mã”.

Đúc ngựa đất liên quan đến việc thờ cúng người đã khuất, ông cũng vì vậy mà luôn cẩn thận kín đáo. Trong 1 căn phòng chỉ 7m2, tại tổ 16, P. Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, ông Toản tỉ mỉ làm ngựa đất, không dám cẩu thả. Lò nung và đất sét nằm cách đó chỉ vài bước chân. Ông Toản làm nghề đã được hơn 40 năm qua. Công việc hoàn toàn là thủ công. Vốn là do thời trai trẻ ông có vào Sài Gòn sống một thời gian và đã biết làm nghề này theo quan sát đơn thuần, chưa từng học nghề dù chỉ 1 ngày. Khi chế tác ngựa đất, có nhiều điều cần chú ý. Không nên phơi khô ngựa quá, cũng không để đất khô lâu, dễ bị nứt, kéo dài thời gian chế tác. Khi tạo thể kép cho thân ngựa, phải cẩn thận để cân bằng, không so le. Tạo hoa văn cho ngựa phải có nét, thể hiện sinh động sắc thái ngựa. Khi nung phải theo dõi kỹ lò nung.

Đất sét, nguyên liệu đặc biệt của nghề làm ngựa đất. Nguồn đất là yếu tố quyết định chất lượng ngựa  từ da đến dáng cũng như các hoa văn trên thân ngựa. Hiện nay, đã có máy đánh đất giúp làm láng bề ngoài ngựa hơn, đất mịn hơn, cảm giác chế tạo ở bàn tay sẽ dễ dàng hơn. Cả năm, ông Toản chỉ dùng 4 khối đất sét, tương đương giá 2 triệu đồng. Đất sét tốt hiện nay đã không còn nhiều, nguồn đất sét trước kia ông Toản sử dụng lấy ở Hòa Quý, nhưng khu vực này đang san lấp mặt bằng, đã không còn nhiều. Ông Toản thường nói vui: “nghề này làm nên từ đất sét, nếu mà đất ngày càng hiếm như bây giờ, có ngày chẳng ai còn làm nghề”.

Ngựa đất vào mùa - 1

Ngựa đất vào mùa - 2

Ông Toản thực hiện một số công đoạn làm ngựa đất

Không người truyền nghề

Cuộc sống gia đình ông Toản theo đó mà đi lên với nghề. Về giá cả, ngựa đất hiện có 2 loại: 25 ngàn đồng và 35 ngàn đồng. Tùy theo kích thước của ngựa đất mà có giá cả phù hợp. Làm nghề đã hơn 40 năm, bạn bè rộng khắp Đà Nẵng – Quảng Nam, khi còn trai trẻ mỗi ngày ông Toản có thể làm được hơn 20 con ngựa đất. Nhưng hiện nay đã ngoài 60, mỗi ngày nhiều nhất ông chỉ làm được 10 ngựa đất, thu nhập của ông không dưới 250 ngàn đồng. Những người con của ông đã không còn theo nghề này nữa. Vào mỗi buổi sáng, dù sức đã yếu nhưng ông vẫn đi giao hàng đều đặn cho rất nhiều cửa hàng, khu chợ trên địa bàn Đà Nẵng. Cũng vì thế mà ốm đau nhiều hơn. Gần đây nhất, ông đã bị 1 trận ốm hơn nửa tháng mới khỏi được, nguyên nhân cũng vì sương gió.

Dù định mở rộng để cung cấp nhiều hơn cho thị trường, nhất là dịp Tết  này, nhưng tuổi đã già nên ông Toản ngần ngại chưa quyết. Ông Toản chỉ hy vọng người em gái của mình ở Điện Bàn (Quảng Nam) duy trì 1 cơ sở lớn sản xuất ngựa đất ở địa bàn này, không để nó mai một và “liên kết” với anh trai cung ứng cho đủ yêu cầu của khách hàng, ít nhất là dịp Tết cổ truyền sắp đến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Thọ (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN