Nghị lực phi thường của cô sinh viên tí hon
Tấm thân khuyết tật, chiều cao, cân nặng khiêm tốn (70cm-20kg), nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi, ngày lại ngày cô sinh viên tí hon Trương Thị Thương (1989) vẫn đến giảng đường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đèn sách với sự trợ giúp của cha. Thương là một trong 2 trường hợp thí sinh khuyết tật từng được đặc cách xét tuyển vào đại học năm 2011 mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa tin...
Nghị lực của con
Người dân Hòa Minh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) ít ai không biết đến hình ảnh người cha ốm yếu Trương Công Bảy và cô sinh viên tí hon Thương đi đi về về và quây quần cùng nhau bên dãy phòng trọ. Khu giảng đường ĐH Sư phạm cũng vậy, cảnh ông Bảy ngày lại ngày đèo Thương trên chiếc xe máy đến trường, bồng em vào lớp học đã quá quen thuộc.
Cách đây 23 năm, ngày Thương cất tiếng khóc chào đời thì ông Bảy đang đi củi giữa rừng Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam). Mẹ Thương, bà Lương Thị Huệ ôm người con đỏ hỏn, nặng vừa kí lô, chân tay biến dạng khóc hết nước mắt. Thương ít khóc, ít cười, nhưng bù lại em được ông trời ban tặng cho vầng trán cao, thông minh, đôi mắt sáng long lanh lạ thường. Lên 6 tuổi, em ngồi được, nói được, nhưng mọi sinh hoạt đều cần đến sự trợ giúp của cha mẹ. Dù mang trên mình nhiều di chứng do chất độc da cam ở "điểm nóng" dioxin xã Đại Hồng, nhưng nhiều lần thấy bạn bè trong làng tung tăng cắp sách đến trường, em nằng nặc đòi ba mẹ cho đi học. "Thú thật, hai vợ chồng rất thương con nên chiều lòng chứ thực lòng...", ông Bảy bỏ dở câu nói. Và rồi, trước mỗi buổi sáng xuống đồng, hai vợ chồng thay nhau cõng con vượt gần 10km băng ruộng đồng đến lớp học. Cực nhất mùa mưa, có khi lũ chợt về, nước thượng nguồn đổ xuống khiến khu vực khe Liêm nước hung hãn cuồn cuộn, học trò bị cô lập, nhưng Thương quyết kiên trì, không bỏ trường, bỏ tiết.
Trương Thị Thương đang theo đuổi ước mơ tri thức
Lên lớp 9, thêm một nỗi buồn ập đến với Thương. Một ngày trong gió bão, trong lúc chờ mẹ đến đón, gió bão quật gãy cành phượng xuống chỗ Thương ngồi, làm em gãy 2 cánh tay. Buồn thêm buồn, ông Bảy khuyên con: "Hay con nghỉ học đi, ở nhà bố mẹ sẽ nuôi". Thương một mực không chịu. Và em đã khẳng định được nghị lực, nhiều năm liền là học sinh giỏi, đoàn viên xuất sắc của trường và Tỉnh Đoàn Quảng Nam. Hạnh phúc hơn, nhiều năm em được thầy cô, nhà trường chọn đi dự thi học sinh giỏi môn Văn và Toán cấp tỉnh...
Mơ ước của người cha
"Em luôn quyết định sẽ chọn cho mình một tương lai tươi đẹp. Nên ngày tốt nghiệp PTTH, em quyết đăng ký thi vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ngành công nghệ thông tin. Đến khi cha chở em đi thi ngày đầu tiên, em được ngành Giáo dục đặc cách cho miễn thi ĐH, em mừng vô tận", Thương tâm sự.
Ông Bảy hằng ngày bồng bế Thương đến trường
Trước ngày người con gái bước chân đến giảng đường, ông Bảy bỏ hết việc đồng ruộng, theo con xuống Đà Nẵng tìm căn phòng trọ nho nhỏ. Mức 600.000 đồng/tháng là quá sức với hai ba con vùng quê nghèo nên ông Bảy quyết định tìm người ở ghép. Đều đặn, đầu giờ ông chở con đến trường, bế con vào lớp, cuối buổi lại chở con về. Giờ lên lớp, khi Thương yên vị trên bộ bàn ghế tí hon "ưu tiên", ông Bảy mới yên tâm về đi chợ, nấu cơm nước chờ con về chung bữa. Nhiều hôm thời tiết thất thường, ông Bảy ngả bệnh không đưa con đi học được, ông và con phải nhờ sự trợ giúp của bạn bè chung lớp. Phần bệnh tật, phần nghèo khó, bữa cơm của hai cha con hầu như chỉ rau xanh và cá kho mặn. "Mỗi bữa có một lon gạo hai ba con ăn không hết. Cháu nó bé tẹo, còn tui đau ốm nên nuốt khó vào lắm. Nhưng vì con, phải ráng ăn để còn có sức chăm cho cháu khỏe mạnh, không gián đoạn việc học hành", người cha tâm sự.
Suốt gần 2 năm qua, mỗi lần cứ nghĩ đến chuyện thu nhập của cả gia đình dựa vào 4 sào ruộng và gánh chè của bà Huệ ở quê, hai cha con quyết định hằng tuần lại vượt gần 60km về nhà chở gạo, rau củ xuống Đà Nẵng ăn dần. Cũng thời gian ấy, ông Bảy làm hồ sơ xin một chân bảo vệ hoặc nhân viên dọn vệ sinh ở trường con học với mong muốn gần con, tiện chăm sóc cho con nhưng chưa được. Lắm lúc tính đi làm công nhân KCN Hòa Khánh, nhưng sợ tăng ca không đón được con nên ông lại thôi. Đến giờ, ông Bảy chỉ biết tìm kiếm những công việc vặt vãnh làm thêm và mong muốn thời gian tới đây sẽ tìm được một việc làm phù hợp để lo sự học cho con, giúp vợ ở quê nhà vơi bớt gánh nặng. Thương cha, Thương nghĩ ngợi nhiều lắm nhưng chẳng biết giúp gì, chỉ tự nhủ với lòng mình phải vượt qua khó khăn, học tập thật tốt.
Nhiều người thấy hoàn cảnh gia đình ông Bảy khó khăn, đã mách nước ông làm đơn để Thương được miễn, giảm học phí... Ông Bảy đã hỏi trường, hỏi ngành Giáo dục và được hướng dẫn làm thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa được. Thế là, đành phải chờ... Với ông Bảy giờ đây chỉ còn biết ráng nuôi con theo trường lớp được năm nào hay năm đó, hy vọng vào một ngày Thương toại nguyện ước mơ...