Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm

Tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là sự nhiệt tình và trách nhiệm nặng nề của mỗi cán bộ, công nhân viên. Từ lãnh đạo Ban Giám đốc đến các quản giáo, bảo vệ, y- bác sĩ, cấp dưỡng... không những đều làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ mà ai cũng sẵn sàng vào vai thầy giáo, y bác sĩ... để dạy bảo, nhắc nhở, khuyên giải, động viên, chăm sóc những học viên.

Anh Phạm Ngọc- Trưởng Ban quản giáo của Trung tâm cho biết: Trung tâm hiện có 7 phân ban, mỗi phân ban có 6 cán bộ quản lý. Anh Ngọc vừa là Trưởng ban, vừa phụ trách quản lý phân ban số 7 với 60 học viên cai nghiện ma túy. Đây là một  Ban “đặc biệt” của  trung tâm, bởi 60 học viên đang cai nghiện cũng đồng thời là 60 đối tượng hình sự đã có tiền án, tiền sự. Bất cứ một người lạ nào nếu có dịp bước vào phân ban này, đều có thể giật mình, thậm chí hoảng sợ khi phải tiếp xúc, đối diện với hàng chục con người đa phần đều xăm trổ đầy mình. Vậy nhưng, 60 con người ấy bây giờ cúi đầu chào hỏi khách rất lễ phép, nhã nhặn. Ở một gian phòng rộng, vài thanh niên đang say mê quần thảo với những séc bóng bàn, ở góc kia, trên một chiếc giường, vài thanh niên đang say sưa tập đánh đàn... Ngỡ ngàng hơn cả là có rất nhiều những thanh niên đang mải mê chọn, đọc sách báo...

Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm - 1

Giờ học nghề điện dân dụng của các học viên tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng

Có được những hình ảnh ấy không phải là một điều dễ dàng, đó là kết quả của cả một hành trình rèn luyện, học tập và lao động- anh Phạm Ngọc cho biết. Có thể nói, 100% những học viên trong phân ban này từng là những con người ngang bướng, coi thường pháp luật, lang bạt kỳ hồ, vô tổ chức, vô kỷ luật... Có những học viên thời gian đầu khi mới vào Trung tâm, khi phải đi lao động vì sợ nắng, sợ mưa liên tục báo ốm nằm lì trong phòng. Lại có những học viên liên tục có hành vi gây rối, gây sự đánh nhau trong giờ sinh hoạt, giờ nghỉ. Có nhiều học viên tập hợp lại với nhau tìm cách chống đối lại cán bộ quản lý... Với tinh thần “Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”, các cán bộ quản giáo của từng phân ban quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Công việc đầu tiên của các anh là phải nắm rõ tâm lý, nhược điểm, ưu điểm của mỗi học viên, gọi lên thăm hỏi từng cá nhân, động viên, an ủi, tâm sự với từng học viên, làm cho họ hiểu, cai nghiện ma túy  là giúp ích cho chính bản thân mình, để trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội...

Hằng ngày, 24/24 giờ các cán bộ quản giáo đều thay phiên nhau trực, cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với các học viên ở mỗi phân ban, để từ làm tốt công tác theo dõi, nhắc nhở, bảo ban từng học viên chấp hành tốt nội quy, kỷ luật trong sinh hoạt, học tập, lao động. Các cán bộ quản giáo coi học viên như những con em của mình, giúp đỡ, dìu dắt họ nhận ra những sai lầm, rèn luyện mình trở thành người lương thiện. Chính tình thương và trách nhiệm ấy của các cán bộ quản giáo đã làm nhận thức của đa phần  các học viên ngày càng thay đổi, họ đã biết sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn, có những suy nghĩ đúng đắn hơn về cuộc sống, về lòng nhân ái và hơn hết là có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình... Nhiều học viên vốn là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự đã  tiến bộ rất nhanh như học viên Nguyễn Cò, Lê Thanh Hùng đã trở thành những học viên tiêu biểu xuất sắc trong quá trình học tập và rèn luyện tại trung tâm.

Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm - 2

Bác sĩ của Trung tâm 05-06 Đà Nẵng khám chữa bệnh cắt cơn nghiện cho một học viên

Một phân ban “đặc biệt” nữa là Trạm xá của trung tâm, Y sĩ Nguyễn Văn Thuận-Trưởng phòng Y tế và Phục hồi sức khỏe của Trung tâm cho biết: Trạm xá có 7 cán bộ nhân viên và hai Bác sĩ tăng cường từ Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng theo lịch trình 3 tháng thay đổi một lần. Trung bình Trạm xá lúc nào cũng có 30 học viên, bao gồm những người nghiện hút ma túy bị thu gom hoặc bắt buộc đi cai nghiện tập trung ngoài xã hội. Quy trình cai nghiện đầu tiên của họ là cắt cơn nghiện, điều trị cai nghiện, Tùy theo mức độ nghiện nặng, nhẹ sẽ được điều trị trong vòng từ 15 đến 20 ngày, rồi mới được chuyển sang các phân ban học tập, lao động, rèn luyện cai nghiện khác. Cứ tưởng tượng, một người nghiện thuốc lá muốn bỏ thuốc cũng phải có một thời gian,  có nghị lực, lòng quyết tâm cao như thế nào mới có hiệu quả, mà ở đây là những con nghiện ma túy, nhẹ thì thuốc lắc, hàng ma túy đá, nặng thì chích, hít heroin, có cả những đối tượng đã nhiễm cả HIV... thì việc cắt cơn cho họ đã là cả một quá trình khốc liệt như thế nào. Đa phần các học viên ngày mới nhập trung tâm khi lên cơn nghiện đều có hành vi  vật vã, đạp phá, la hét...

Những người nghiện ma túy đá lâu năm còn có triệu chứng, biểu hiện bệnh thần kinh. Các y, bác sĩ triển khai điều trị cho học viên theo phác đồ của Bộ Y tế, vừa phải tiến hành động viên, an ủi, tư vấn tác động vào tâm lý người cắt cơn nghiện. Vậy là, cũng như cán bộ quản giáo, y bác sĩ cũng nhỏ nhẹ nắm tay, vỗ vai, tỉ tê trò chuyện với từng học viên, giúp họ vượt qua những cơn nghiện nhẹ nhàng, nhanh chóng nhất...Trạm xá của Trung tâm đã được trang bị đầy đủ từ phòng máy Xquang, kính hiển vi, thiết bị xét nghiệm máu, kể cả phòng tập vật lý trị liệu, phòng mát-xa. Sau 15-20 ngày điều trị, khi triệu chứng đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, giun bò, tay chân mệt mỏi, tiêu chảy... không còn nữa là đã cắt được cơn nghiện. Lúc này học viên sẽ được chuyển sang giai đoạn tập vật lý trị liệu, mát-xa, xông hơi. Và chính các y bác sĩ chứ không ai khác, phải tự tay mát-xa, xông hơi cho học viên.

Chính từ tình thương và trách nhiệm hết lòng vì công việc của tập thể cán bộ nhân viên của Trung tâm, công tác quản lý, giáo dục, chữa trị, dạy nghề cho học viên tại Trung tâm đạt kết quả tốt. Qua hai năm 2011-2012, có 952 học viên tập trung cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện có 96 học viên, tức là chỉ chiếm 10%, đây là những kết quả đáng khích lệ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Thanh - Lê Hùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN