"Ếch" phiêu lưu ký (Kỳ 1)

Nhiều khi, họ bị bảo kê đánh tím mặt, bị gái bán dâm cào cấu vì cứ nghĩ đến giành địa bàn... Thế nhưng, từng đêm, từng đêm họ vẫn lặng lẽ tìm đến những tụ điểm ăn chơi, kiên nhẫn phát từng bao cao su, cây kim tiêm và thủ thỉ tư vấn...

Tôi theo chân họ, để được nghe và thấy những câu chuyện họ đã vượt qua những rào cản, hoài nghi của xã hội như thế nào...

Vừa mới được phân công phụ trách địa bàn Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) nên vất vả lắm Phạm Thảo Sương, trưởng nhóm cộng tác viên tuyên truyền phòng chống HIV, mới tìm hiểu và nắm được quy luật hoạt động "khách hàng". "Khách hàng" là thuật ngữ nhóm của Sương dùng thay cho từ gái bán dâm (GBD). Đêm nào cũng vậy, khi những "khách hàng" dần xuất hiện trên các tuyến đường để hành nghề thì Sương cũng bắt đầu vào công việc. Đêm ấy, tôi theo Sương đi dọc các tuyến đường Trường Chinh, ven biển Nguyễn Tất Thành, mới biết, công việc này không dành cho những người thiếu kiên nhẫn. Do đã quen nên nhiều GBD chào đón sự xuất hiện của Sương, cũng có người xổ một tràng lời khó nghe. Ngoài ra, cũng có không ít những tia mắt đe dọa của những gã bảo kê. Cứ nghĩ Sương sẽ bỏ đi, nhưng không, Sương ân cần với từng người: "Chị cứ làm việc bình thường, tôi chỉ đến đưa đồ bảo vệ rồi đi ngay. Khi nào cần thêm thì liên hệ qua số điện thoại này".

Lần đầu bỏ vào túi mấy chục chiếc bao cao su (BCS) lân la tiếp cận những địa điểm ăn chơi, tụ tập của GBD, tay chân Sương cứ run lên, nên đi cả đêm mà chẳng tuyên truyền được cho ai. Mới đó mà đã 7 năm. Sương đã quá quen việc bị phản ứng. Sương kể, không ít lần cô phải ôm mặt bỏ chạy khi bị những GBD chửi bới, hành hung. "Có lần, mình đi tuyên truyền trên địa bàn Q. Sơn Trà thì gặp 3 GBD đứng chờ khách. Khi tiếp cận, chưa kịp nói lời nào thì cả ba xông vào đánh cho sưng tím mặt mũi. Sau này, các cô ấy nói rằng "cử tưởng mi đến giành khách nên đánh dằn mặt". Còn như chuyện bị chửi thì xảy ra thường xuyên. Làm công việc này phải chấp nhận điều đó, nếu không khó lắm", Sương tâm sự.

"Ếch" phiêu lưu ký (Kỳ 1) - 1

Nhóm của Sương trong một lần họp bàn kế hoạch tuyên truyền phòng chống HIV cho GBD

Tuy nhiên, những khó khăn ấy chưa phải là rào cản lớn nhất mà những cộng tác viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS phải trải qua. Thúy, một thành viên trong nhóm của Sương kể, gia đình đã phản đối quyết liệt khi biết Thúy tham gia công tác này. Chưa hết, mỗi lúc đến những địa điểm "nhạy cảm" vô tình gặp bạn bè, cô chịu không ít những ánh mắt đầy nghi hoặc. "Nói thật, lúc đầu mình nản lắm, vì dị nghị của gia đình và bạn bè. Mình nhớ có lần đang tuyên truyền tại một tụ điểm thì bất ngờ lực lượng CA ập vào kiểm tra, bắt đưa về trụ sở. Hay lần khác, mình bị một bảo kê đánh dằn mặt vì cho rằng mình ngăn cản bạn gái của y làm việc. Mỗi lần như thế thì gia đình và bạn bè đều khuyên thôi không làm nữa nhưng chẳng hiểu vì sao mình vẫn gắn bó với công việc này", Thúy cười khi kể về quyết định của mình.

Khác với các tuyên truyền viên nữ, các thành viên nam thường có nhiệm vụ tiếp cận với những người nghiện hút, tiêm chích ma túy. Tiếp cận những đối tượng này cũng khó khăn không kém việc tiếp cận GBD. Nguyễn Dũng (trú P. Tân Chính, Thanh Khê) bảo, anh và đồng đội cũng thường bị những người nghiện hút hành hung, ví chạy dài dài. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi công việc và sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền anh Dũng đã tiếp xúc được rất nhiều đối tượng nghiện để phát bơm kim tiêm sạch cho họ, hướng dẫn các kỹ năng phòng nhiễm HIV/AIDS. Dũng tâm sự: "Sau 4 năm làm công việc này, tôi đã giúp nhiều người từ bỏ được ma túy và tôi rất hạnh phúc vì điều đó".

"Ếch" phiêu lưu ký (Kỳ 1) - 2

Vũ trường, nhà nghỉ và những tụ điểm vui chơi nhạy cảm là nơi làm việc của những cộng tác viên tuyên truyền. Ảnh: C.K

Ai cũng biết GBD và người nghiện ma túy là những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS và khó giải quyết vấn nạn này triệt để, nhưng không nhiều người hiểu được điều đó. Thúy kể: "Có người nói cắc cớ "ma túy, mại dâm người ta chống không hết sao lại còn đi tiếp tay nữa?". Mình chẳng biết trả lời sao. Lại có GBD hỏi "nhiễm HIV ngồi gần có lây không?". Khi được kiên trì tư vấn, nhiều chị mới chịu đến trung tâm khám và xét nghiệm HIV. Có một cô bé chưa đến 18 tuổi nhưng đã đi làm GBD, sau nhiều lần được tư vấn thì cô ta mới chịu xét nghiệm rồi cầm trên tay kết quả, hét lớn "trời ơi, con không nhiễm HIV". Sau lần đó, cô bé đã bỏ nghề và bây giờ đã có cuộc sống hạnh phúc với chồng con. Những việc như thế đã khiến tôi gắn bó với công việc này".

Mắt Thúy ánh lên niềm vui khi kể về những trường hợp mà cô đã giúp đỡ. Và hiển nhiên, với những cộng tác viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS không có gì vui hơn khi giúp được một người lầm lỗi trở về lại với cuộc sống đời thường.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Hoàng Anh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN