Doanh nghiệp khốn đốn vì tin đồn
Những tin đồn thất thiệt đang “nở rộ” trong dư luận thời gian qua về tác dụng phụ của một số loại thực phẩm, thức uống công nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và sản phẩm kinh doanh của các Cty, DN.
Nhiều đơn vị theo đó đã phải tốn kém hàng trăm triệu đồng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, minh chứng cải chính thông tin chính xác với cộng đồng, cũng như liên hệ nhờ cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc thông tin xấu để xử lý trước pháp luật. Theo ông Lê Tấn Hùng - Giám đốc đối ngoại Cty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, trước thông tin “Bia Heineken kém chất lượng do có xuất xứ từ Trung Quốc, việc xử lý không đơn giản, bởi tin đồn lây lan khó tìm ra đầu mối, nội dung không thể kiểm chứng được do nạn truyền miệng “tam sao thất bổn”, người loan tin tùy tiện thêm thắt thêu dệt...
Trong khi đó, hậu quả những tin đồn gây ra cho các DN lại rất nặng nề. Còn theo một báo cáo riêng của nhãn hàng bia Saigon, tin đồn về chất lượng sản phẩm của DN này “có vấn đề” sau khi lây lan tại Đà Nẵng và miền Trung, đã khiến lượng tiêu thụ bia Saigon giảm sút nặng nề, một số khu vực ở đây, người tiêu dùng gần như “tẩy chay” không uống nữa. Một số bài báo mới đây nêu về tình trạng các nhãn hiệu cà-phê pha trộn hóa chất, tạp chất vào sản phẩm bán ra, cũng đang khiến nhiều đơn vị điêu đứng bởi các quán cà-phê giảm doanh số, sản phẩm theo đó không tiêu thụ được.
Với các DN hoạt động đầu tư, những tin đồn lệch lạc còn khiến chiến lược kinh doanh của họ bị khó khăn. Bà Nguyễn Thị Kim Nữ - Tổng Giám đốc Cty CP Thiên Kim (Đà Nẵng) cho biết, một số đơn vị đối tác làm ăn lâu nay bỗng tỏ ra thận trọng hơn sau khi có thông tin Cty bà vay nợ ngân hàng quá nhiều, phải bán nhà cửa. Thực chất việc bán đi một tòa nhà thương mại của DN chỉ nằm trong kế hoạch phân bổ lại nguồn vốn đầu tư làm ăn trong giai đoạn tiếp theo, bởi lợi nhuận thu được từ mảng cho thuê nhà này không còn nhiều. Giám đốc Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Tất Đạt (Đà Nẵng) phàn nàn, đơn vị ông vừa ra đời mấy tháng, hoạt động sản xuất còn chưa triển khai xong, cũng đã có tin đồn rằng DN đang nợ nần hơn 2 tỷ đồng, kinh doanh khó khăn.
Chỉ cần xuất hiện các tin đồn thất thiệt, hoạt động kinh doanh của các DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Tất cả tác hại từ tin đồn như vậy, đang làm tăng áp lực tâm lý cho đa số DN, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Ông Phan Châu Luật - CEO Nhân Luật Group (Đà Nẵng) nhìn nhận: DN ông từng bị khó khăn vì các tin đồn thất thiệt xuất phát từ một số tin báo chí thiếu cập nhật, thậm chí một số đối thủ cạnh tranh kinh doanh còn lợi dụng những tin đồn đó để hạ thấp uy tín Cty ông. Bởi thế, ông thật sự bức xúc khi nghe tin đồn thất thiệt về đơn vị này, Cty kia: “Chúng tôi là các DN làm ăn nghiêm túc, trong bối cảnh hiện nay đã rất nan giải để lo cho tốt chuyện kinh doanh, mà còn bị những tin đồn phá rối như vậy, thực sự không thể chấp nhận được”.
Điều băn khoăn của các DN đang hứng chịu các tin đồn vô căn cứ hoặc cố tình bị thêu dệt làm cho sai lệch, là cho đến nay, họ chưa hề được sự hướng dẫn hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng để có cách ứng phó hợp lý. “Chúng tôi muốn biết cần gõ những cửa nào? Tìm sự trợ giúp ở đâu khi xuất hiện các thông tin bất lợi và không trung thực về đơn vị mình? Thậm chí, ngay với kênh báo chí, nhiều tờ báo hiện nay cũng có những dạng tin nhiễu lệch, khi đăng tải mà chưa liên hệ với DN để làm rõ, càng khiến cho các tin đồn phức tạp” - một doanh nghiệp dệt may lớn tại Đà Nẵng bày tỏ.
Những tin đồn thất thiệt gây hậu quả nặng nề cho các Cty, DN là thực tế, nhưng biện pháp xử lý vẫn chủ yếu là xử lý hành chính. Theo luật định, tin đồn thất thiệt là hành vi vi phạm nên đương nhiên thủ phạm phải bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, tin đồn cần hiểu nó vi phạm trong một lĩnh vực cụ thể như thương mại, kinh tế, cạnh tranh... Chẳng hạn, theo khoản 3, Điều 45 Luật Cạnh tranh thì người đưa tin thất thiệt trong cạnh tranh bị xử lý hành chính, nặng thì hình sự. Song, trong thực tế, việc truy nguyên nguồn gốc tin đồn là điều không hề đơn giản, thậm chí là vô phương. Vậy nên, các DN, Cty “dính” tin đồn cũng chỉ có cách duy nhất là bỏ tiền túi để tổ chức cải chính thông tin, tuyên truyền.