Xác định “thủ phạm” gây ô nhiễm

Ao hồ bỏ không cho cỏ mọc; cá chết hàng loạt; cây trồng, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm... Thực trạng trên đã và đang diễn ra tại các tổ 7a, 7b của P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gần 2 năm qua...

Người dân thì cho rằng “thủ phạm” là nguồn nước thải trực tiếp ra từ KCN Hòa Cầm, trong khi đó chính quyền địa phương và BQL KCN lại bác: nhận định ấy “chưa chắc chắn”...

Rõ ràng cá chết, cây khô

Đúng vào Ngày Môi trường Thế giới (5-6), sau khi các phóng viên về tìm hiểu tình hình ô nhiễm tại địa phương, nhiều người dân 7a, 7b P. Hòa Thọ Tây tìm đến bày tỏ bức xúc. Theo họ, mới đây nhất là cuối tháng 5, đầu tháng 6, sau khi xuất hiện những cơn mưa dông, KCN lại nhân cơ hội xả nước thải ra ngoài. Hậu quả, cá chết trắng đồng. Nhiều con to như bàn tay, nhưng không ai dám vớt về cho heo ăn vì sợ nhiễm bệnh. Bà Nguyễn Thị Ứng kể, nhà bà có một hồ cá, nhưng trước thực trạng ô nhiễm của nguồn nước thải, bà đã bỏ hoang lâu. Cũng do ô nhiễm, vườn xoài hàng trăm cây cũng chết như ngả rạ, nay số cây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các hộ Trần Nhiến,Trần Đình Rân, dù không có hồ cá, nhưng cũng bức xúc không kém, vì nguồn nước thải ô nhiễm từ KCN ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân quanh vùng và nguồn nước giếng sinh hoạt. “Cứ mỗi lần có mưa, KCN lại xả nước thải nhiều, khiến cá chết, hôi tanh khắp vùng. Còn nước giếng thì múc lên có váng như váng dầu” – anh Rân nói.

Từng là gia đình được công nhận là hộ sản xuất giỏi, nhưng bây giờ vợ chồng ông Trần Mẫn và Nguyễn Thị Diệu Hồng đang khóc dở mếu dở vì đồng đất, ao hồ bỏ hoang, cỏ mọc tua tủa, lưới đánh cá vứt khắp vườn cho chuột cắn. Cách đây vài ba năm, hai vợ chồng vay vốn, đầu tư nguồn giống, đào 2 hồ cá (rộng tổng cộng hơn 1.000m2) để sản xuất, nuôi trồng. Từng đàn cá trắm cỏ, rô phi và ếch lớn nhanh như thổi. Nhờ đó, vợ chồng ông Mẫn, bà Hồng được bầu là hộ nông dân sản xuất giỏi. Nhưng mấy vụ sản xuất gần đây, hộ ông bà biến thành hộ cận nghèo. Bà Hồng trút  nỗi lòng: “Trước đây nuôi cá bán đếm tiền mỏi tay, gia đình ai cũng mừng lắm. Nhưng gần 2 năm nay, nuôi cá cá chết, đầu tư giống ếch cũng lỗ ròng. Nước ô nhiễm nghiêm trọng, làm sao dám mạnh dạn đầu tư, không khéo phải bán nhà trả nợ”.

Xác định “thủ phạm” gây ô nhiễm - 1

Ống nước thải vô tư chảy ra bên ngoài từ KCN Hòa Cầm

Nguyên nhân, thủ phạm: Phải chờ!

Theo chân người dân đi khắp một vùng đồng hồ rộng lớn, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh mặt nước, mương rạch ngầu đỏ, váng dầu nổi kín. Tại khu cống thải nước ra ngoài từ bên trong KCN (thuộc tổ 7b), nước vẫn vô tư tuôn ra bên ngoài, bốc mùi hôi nồng nặc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Dạ - Chủ tịch UBND P. Hòa Thọ Tây và ông Nguyễn Tấn Hùng, cán bộ phụ trách môi trường phường đều khẳng định, hiện nhà máy xử lý nước thải của KCN chưa hoàn thành nên qua kiểm tra có phát hiện nước thải từ KCN thải ra bên ngoài. Khu nước thải chảy ra cũng có mùi hôi, nhưng không phát tán rộng ra khu dân cư. Còn chuyện cá chết chắc là do trời quá nắng nóng mà thôi, chứ chết do nguồn nước thải ô nhiễm thì chưa chắc lắm!?

Xác định “thủ phạm” gây ô nhiễm - 2

Cá chết hàng loạt những ngày đầu tháng 6 tại thôn 7b Hòa Thọ Tây mà người dân cho rằng do nguồn nước thải từ KCN chảy ra ngoài gây ô nhiễm

Cũng theo ông Dạ, những ngày qua các cơ quan chức năng đã về địa phương tìm hiểu thực tế và lấy 4 mẫu nước tại 4 khu vực có cá chết đưa đi kiểm tra để xác định mức độ ô nhiễm, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả, nên địa phương cũng phải chờ.

Vấn đề này, ông Bùi Đức Lợi, Phó BQL dự án KCN Hòa Cầm xác nhận có nguồn nước thải chảy ra từ bên trong KCN, nhưng nơi cá chết xảy ra rất xa so với khu vực này nên trong lúc chờ các cơ quan giám định mẫu, chưa thể xác định có phải do nguồn nước thải hay không. Ông Lợi cho biết thêm, tổng cộng quy hoạch của KCN là hơn 200ha, trong đó giai đoạn 1 – 137ha, hiện đã có 35 doanh nghiệp đầu tư, đưa vào hoạt động. Nhưng khó ở chỗ, hiện nhà máy xử lý nước thải chưa hoàn thành nên mới chỉ gom được khoảng 30% lượng nước thải toàn khu. Sở dĩ có những tồn tại còn vướng mắc là do khu vực dọc tuyến đường số 15, đường số 10 chưa giải tỏa xong, nên việc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải gặp trở ngại.

Theo chúng tôi, thực tế ô nhiễm ở khu vực dân phản ánh là có thực, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống vật chất và sức khỏe của hàng trăm hộ dân. Vấn đề ở đây là các cơ quan, đơn vị liên quan cần quan tâm giải quyết rốt ráo, làm rõ nguyên nhân ô nhiễm để có biện pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại và sớm ổn định đời sống cho người dân trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Hạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN