Di dời các mỏ khai thác đá cận KĐT Phước Lý

Đầu năm 2013, Báo Công an TP Đà Nẵng có bài viết phản ánh hoạt động khai thác đá của Cty TNHH Nho Chiến (Cty Nho Chiến) và Cty CP đá xây dựng Hòa Phát (Cty Hòa Phát) làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng khu đô thị (KĐT) Phước Lý (thuộc P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ và P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Ngày 11/4/2013, UBNDTP Đà Nẵng đã có Công văn yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương lập thủ tục thu hồi và di dời 2 Cty trên trước ngày 30/4/2013. Tuy nhiên, đến nay đã là cuối tháng 6/2013, chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa được thực hiện.

Cần có kế hoạch, biện pháp dứt điểm

Như đã phản ánh, ngày 22/1/2012, Sở Xây dựng có công văn gửi UBNDTP về việc di dời các mỏ đá lân cận KĐT Phước Lý, trong đó điểm khai thác và cơ sở chế biến của Cty Nho Chiến và Cty Hòa Phát đều nằm gần KĐT Phước Lý cần phải di dời vì ảnh hưởng đến việc triển khai thi công dự án. Đến ngày 30/8/2012, UBND TPĐN có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tìm chọn địa điểm để di dời các mỏ đá nói trên. Thời hạn hoàn thành các công việc trên và chấm dứt việc khai thác đá tại khu vực này trước ngày 31/12/2012.

Chủ trương này tiếp tục được Chủ tịch UBND TPĐN Văn Hữu Chiến nhắc lại tại công văn ngày 8/2/2013: "Lập thủ tục di dời mỏ đá Phước Lý của Cty Nho Chiến và mỏ đá Hòa Phát của Cty Hòa Phát ra khỏi khu vực lân cận KĐT Phước Lý. Riêng mỏ đá Phước Tường cho phép khai thác đến năm 2015, kết thúc thời hạn không gia hạn thêm". Ngày 19/3/2013, Sở TN&MT cùng một số sở, ngành liên quan, Cty Nho Chiến và Cty Hòa Phát họp và khảo sát một số địa điểm tại xã Hòa Nhơn và xã Hòa Ninh (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) nhưng không có địa điểm nào đảm bảo các điều kiện về khai thác đá để 2 Cty này di dời mỏ đá Phước Lý và Hòa Phát. Do đó, hai doanh nghiệp đề nghị UBND TP xem xét cho được tiếp tục khai thác đến hết năm 2015 nhằm thu hồi vốn đầu tư, giải quyết chế độ cho hơn 200 lao động. Sau thời hạn trên, 2 Cty này sẽ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, di dời thiết bị ra khỏi khu vực, trả lại mặt bằng...

Di dời các mỏ khai thác đá cận KĐT Phước Lý - 1

Hiện Cty Nho Chiến và Cty Hòa Phát vẫn hoạt động bình thường, dù UBNDTP Đà Nẵng đã chỉ đạo ngừng khai thác, di dời trước ngày 30/4/2013

Tuy nhiên đề nghị này không được UBND TP đồng ý, tại Công văn số 2804/UBND-QLĐTr (ngày 11/4/2013) đã nêu rõ: "việc lập thủ tục thu hồi và di dời mỏ đá của Cty Nho Chiến và Cty Hòa Phát phải được thực hiện trước ngày 30/4/2013". Mới đây nhất, ngày 13/5/2013, UBNDTP tiếp tục có công văn về việc di dời trạm nghiền khai thác đá của Cty Nho Chiến, theo đó UBNDTP đồng ý cho di dời trạm nghiền đá hiện nay của Cty Nho Chiến đến vị trí mới nằm cạnh về phía Tây Bắc mỏ đá Phước Lý, không đồng ý gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá Phước Lý đến hết năm 2015.

Như vậy, đã có hàng loạt văn bản, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBNDTP nhưng đến cuối tháng 6/2013, việc di dời các mỏ đá Phước Lý và Hòa Phát vẫn chưa được tiến hành. Sáng 20/6, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đi thực tế và chứng kiến cảnh hoạt động bình thường của cơ sở khai thác đá của Cty Nho Chiến và Cty Hòa Phát. Khi chúng tôi chụp ảnh cảnh hoạt động sản xuất thì ông Nguyễn Nho Chấn- Phó Giám đốc Cty Nho Chiến "mời" vào văn phòng Cty làm việc với thái độ khá bức xúc. Ông Chấn cho biết, Cty của ông hằng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước trung bình từ 3 đến 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động, trong đó có 40 lao động có bảo hiểm xã hội. Giấy phép khai thác khoáng sản của Cty do UBND TP cấp có thời hạn đến tháng 12/2013, bây giờ thành phố không cho phép khai thác làm sao thu hồi vốn và gần 100 người lao động bị mất việc. UBNDTP cho phép di dời trạm nghiền  đá đến địa điểm khác, nhưng lại không cho khai thác đá, thì trạm nghiền lấy đâu ra đá để sản xuất.

Mặc dù ý kiến của ông Chấn cũng xác đáng, tuy nhiên việc khai thác, chế biến đá sát KĐT đang được xây dựng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố thì lại không thể hợp lý được. Do vậy, việc di dời là cần thiết vì mục tiêu phát triển chung mang tính lâu dài của thành phố. Ông Chấn cũng đồng ý với chúng tôi trên quan điểm chung như vậy, nhưng chỉ đề nghị chính quyền và ngành chức năng thành phố cần xem xét có hướng giải quyết cho hợp lý, hợp tình vì dù sao đơn vị ông cũng là một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng việc di dời các cơ sở khai thác, chế biến đá bên cạnh KĐT Phước Lý là rất cần thiết vì nó ảnh hưởng tới việc triển khai thi công, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu vực nhất là một KĐT tương lai. Do vậy, các cơ quan có liên quan cần có kế hoạch và biện pháp hợp lý để triển khai dứt điểm theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Thành (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN