ĐH Đông Á Đà Nẵng kiện ĐH Công nghệ Đông Á Bắc Ninh

Ngày 24-9, Trường Đại học Đông Á (ĐHĐA) Đà Nẵng đã nhờ sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước và Cty luật để chuẩn bị thủ tục khởi kiện trường Đại học Công nghệ Đông Á (ĐHCNĐA) Bắc Ninh ra tòa án.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định này, theo bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường, là bắt nguồn từ việc ĐHCNĐA Bắc Ninh đã cố tình lập lờ sử dụng thương hiệu của ĐHĐA Đà Nẵng để tuyển sinh, đào tạo, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong suốt một thời gian dài.

Vạ lây vì lập lờ


Vụ việc bắt đầu từ tháng 8-2010, khi trường ĐHCNĐA Bắc Ninh bị Bộ GD&ĐT cấm tuyển sinh do vi phạm quy chế. Việc này đã gây nhầm lẫn, khiến học sinh và phụ huynh tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước hiểu nhầm là trường ĐHĐA Đà Nẵng có phân hiệu tại Bắc Ninh và bị “dính phốt” nên Bộ thổi còi. Theo trường ĐHĐA Đà Nẵng, họ đã bị thiệt hại nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn uy tín, không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh năm đó mà còn gây sự hiểu nhầm trong dư luận. “Kể từ đó, trường ĐHCNĐA Bắc Ninh thường xuyên sử dụng cụm từ “Đại học Đông Á” để quảng bá, chiêu sinh, đào tạo, thậm chí là sử dụng hình ảnh của trường ĐHĐA Đà Nẵng trên trang web của mình”, Thạc sĩ Đỗ Thế - Phó hiệu trưởng trường ĐHĐA Đà Nẵng cho biết.

ĐH Đông Á Đà Nẵng kiện ĐH Công nghệ Đông Á Bắc Ninh - 1

Lãnh đạo trường ĐHĐA Đà Nẵng cho rằng hình ảnh của trường đã bị đưa lên trang web của trường ĐHCNĐA Bắc Ninh để chiêu sinh

Nhiều lần trường ĐHĐA Đà Nẵng đã gửi đơn khiếu nại ĐHĐA Bắc Ninh yêu cầu chấm dứt việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đồng thời có báo cáo với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh và Cục Sở hữu trí tuệ. Nhưng trường này không hề có văn bản phản hồi, cơ quan chức năng cũng không thể giải quyết vì các cuộc làm việc đều không nhận được sự hợp tác của chủ thể bị khiếu nại. Dù đã có quyết định thanh tra chuyên ngành về Sở hữu trí tuệ đối với trường ĐHCNĐA Bắc Ninh nhưng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này đã không thể tiến hành vì trường không có đại diện hợp pháp. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Văn Hữu (hiệu trưởng) nhưng không làm việc được vì ông này đưa ra rất nhiều lý do để từ chối. Cũng theo thạc sĩ Thế, những ngày gần đây, chính việc lập lờ này, trường ĐHĐA Bắc Ninh đã vào tận TP Hồ Chí Minh để chiêu sinh trái phép trước thềm năm học 2012-2013. Việc này đã khiến một số cơ quan báo chí nhầm lẫn và kết luận trường Đại học ĐHĐA Đà Nẵng “vươn vòi tuyển sinh” không đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Phó hiệu trưởng trường ĐHĐA Đà Nẵng khẳng định: “Không thể để tình trạng này kéo dài nữa. Chúng tôi đã quyết định ủy quyền cho Cty luật làm thủ tục để kiện trường ĐHĐA Bắc Ninh ra tòa”.

Vừa vi phạm sở hữu, vừa cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Trường ĐHĐA Đà Nẵng (có quyết định thành lập từ ngày 21-5-2009) tiền thân là trường Trung cấp Công kỹ nghệ Đông Á (2002), sau đó chuyển thành trường Cao đẳng Đông Á (từ 2006-2009). Quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu ĐHĐA của trường này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ ngày 8-12-2008, một ngày sau đó (9-12-2008) trường ĐHCNĐA Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ và hợp tác khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, vụ việc càng ngày càng phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu là bắt nguồn từ nhận thức của người vi phạm. Theo bà Hà, đây là một hình thức giả dịch vụ, vừa vi phạm sở hữu vừa cạnh tranh thiếu lành mạnh. Việc khởi kiện của trường ĐHĐA Đà Nẵng, theo bà Hà, phải bổ sung kết quả giám định của ngành chức năng về biểu hiện, mức độ của vi phạm đồng thời phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước như Thanh tra Bộ GD&ĐT và Cục Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Thanh (Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh) cho rằng, một trong những tiêu chí để khẳng định thương hiệu có vi phạm hay không là gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, và việc làm của trường ĐHCNĐA Bắc Ninh là đã gây hiểu nhầm cho học sinh, phụ huynh và dư luận. Như vậy, trong vụ việc này thì trường ĐHCNĐA Bắc Ninh buộc phải đổi tên và bồi thường thiệt hại cho trường ĐHĐA Đà Nẵng. Theo luật sư Phạm Văn Thanh, các đối tượng bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ thường tiến hành theo 3 bước: đầu tiên là tự bảo vệ, tiếp đó là yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, nếu không giải quyết được thì khởi kiện ra tòa án. Đối với vụ việc này, để giải quyết dứt điểm thì ĐHĐA Đà Nẵng phải tiến hành lập thủ tục khởi kiện.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐHĐA Đà Nẵng bức xúc cho rằng: Vụ việc được lặp lại có hệ thống, rõ ràng không phải là vô tình mà là cố ý tạo nhầm lẫn. “Chúng tôi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu ĐHĐA từ năm 2008 nhưng lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hành vi trái quy định của pháp luật và thiếu lành mạnh này. Chúng tôi đã ủy quyền cho Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết vụ việc, không chỉ đảm bảo quyền lợi cho mình mà còn góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh”, bà Đào nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Uyên (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN