Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch Đà Nẵng
Một thực tế cần nhìn nhận là nguồn sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch của Đà Nẵng vẫn còn hạn chế, nên vậy, việc phát triển sản phẩm này trong thời gian tới là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của TP.
Là địa phương có nhiều tiềm năng để khơi dậy sản phẩm du lịch, kết hợp với việc đề ra các chính sách hợp lý hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia là điều kiện thúc đẩy phát triển sản phẩm lưu niệm, góp phần phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai.
Lợi thế...
Các đơn vị, cá nhân có thể liên hệ đăng ký hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại Phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương Đà Nẵng số 6-Trần Quý Cáp, Đà Nẵng. ĐT: 0511.3898277, bắt đầu từ ngày 1-7-2012. |
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, là điểm dừng chân của du khách trên con đường di sản miền Trung, liên kết tam giác di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn; nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào, Thái Lan, Myanmar; với nhiều địa danh nổi tiếng như Bà Nà - Núi Chúa; Bán đảo Sơn Trà, Non Nước-Ngũ Hành Sơn; du lịch biển... Lượng khách du lịch liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây là nhờ vào hàng loạt sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn, trong đó phải kể đến như KDL sinh thái bán đảo Sơn Trà; điểm du lịch văn hóa tâm linh chùa Linh Ứng; KDL Bà Nà với hệ thống cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới cùng các dịch vụ lưu trú... Bên cạnh đó, Đà Nẵng với vị trí là thành phố trung tâm của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước có cơ sở hạ tầng thuận lợi như sân bay, bến cảng, đường sắt...
Tuy nhiên, tất yếu của hội nhập quốc tế, sản phẩm du lịch của thành phố chịu sự cạnh tranh lớn với các địa phương lân cận và khu vực. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển của TP Đà Nẵng đến năm 2020 là “Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của cả nước”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XX đã xác định: “Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”; xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của cả nước, là điểm đến hấp dẫn. Do đó, việc phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH và quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, liên kết chặt chẽ với du lịch miền Trung - Tây Nguyên và cả nước...
Sản phẩm lưu niệm phải đảm bảo các yêu cầu như: tính đặc trưng của Đà Nẵng (sông, núi, biển...); tính độc đáo sáng tạo, mỹ thuật; chất liệu sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người; có dòng chữ “Đà Nẵng - Việt Nam” trên sản phẩm; sản phẩm lưu niệm logo, mô hình, hình tượng thu nhỏ các điểm nổi tiếng của Đà Nẵng, tranh ảnh, vật dụng, đồ dùng sinh hoạt; chất liệu sản phẩm lưu niệm đá, gốm sứ, thạch cao, thủy tinh, gỗ, mây tre, lá, vải, lụa, sợi, da, kim loại. Ngoài ra, các sản phẩm lưu niệm phải thể hiện đậm nét về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình mang đặc trưng riêng của Đà Nẵng như: Núi Ngũ Hành Sơn; Thành Điện Hải; Tượng đài Mẹ Nhu; Bà Nà; Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Bán đảo Sơn Trà; Chùa Linh Ứng; Chùa Quán Thế Âm; Tòa nhà Thành ủy; Tòa nhà HĐND - UBND TP; cầu Sông Hàn; cầu Thuận Phước; cầu Rồng; cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý; cảnh quan tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa và một số sự kiện lớn của Đà Nẵng...
Du khách chọn mua sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước làm quà lưu niệm
Ưu đãi lớn
Để thực hiện được chương trình, UBND TP quyết định hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu thiết kế, đầu tư sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Hỗ trợ các đơn vị, cá nhân vay vốn từ nguồn Quỹ Đầu tư và phát triển TP và các nguồn ưu đãi khác với lãi suất thấp. Đối với đơn vị, cá nhân thuê tư vấn về lập dự án đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh; thiết kế sản phẩm mới; tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên-nhiên vật liệu; sử dụng nguyên liệu nội địa thay thế nguyên liệu nhập để sản xuất sản phẩm sẽ được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 30 triệu đồng đối với 1 DN có từ 2 loại sản phẩm trở lên.
TP hỗ trợ 50% kinh phí (không quá 100 triệu đồng) cho các DN đầu tư mua sắm đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, chuyển giao công nghệ mới từ những tổ chức DN nước ngoài trong các khâu sản xuất, xử lý môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và 30% đối với thiết bị nhập trong nước nhưng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Hỗ trợ tối đa 70% (không quá 50 triệu đồng) kinh phí cho các DN, cá nhân tổ chức sản xuất thử đối với mẫu sản phẩm lưu niệm. Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, các DN, cá nhân có nhu cầu về mặt bằng để di dời nhà xưởng cũ hoặc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới được TP xem xét hỗ trợ bố trí đất.
Hỗ trợ kinh phí đào tạo mới, đào tạo lại mức hỗ trợ 500.000 đồng/người đối với lao động đào tạo mới và 300.000 đồng/người đối với lao động đào tạo lại và mỗi DN được hỗ trợ tối đa 10 người và thời gian đào tạo không quá 6 tháng.
Bên cạnh đó, để mở rộng mạng lưới kinh doanh quảng bá sản phẩm đến với du khách, TP hỗ trợ các khâu xúc tiến thương mại, như: miễn phí thuê mặt bằng 1 gian hàng đối với hội chợ TP tổ chức; hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/gian hàng cho DN khi tham gia hội chợ chuyên ngành du lịch, quà tặng nhưng không quá 2 gian hàng và không quá 2 lần/năm; hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng cho chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp; miễn phí giới thiệu sản phẩm trên cổng thông tin điện tử TP và một số website các sở, ban, ngành...
Nhận biết được thế mạnh, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bằng những quyết sách cụ thể, thiết thực, hy vọng chính quyền và người dân Đà Nẵng sớm thành công, để Đà Nẵng thực sự hút khách và đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững.