Đà Nẵng sau 0 giờ (6)
Tiếng còi xe cứu thương như xé toang màn đêm rồi dừng lại trước bệnh viện. Những bóng áo trắng chạy vội ra cùng băng ca rồi lại vội vàng đẩy vào phòng... là điều mà chúng tôi chứng kiến trong một đêm thức trắng tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng.
Trắng đêm cùng blouse trắng
0 giờ, chiếc xe cứu thương tiến nhanh vào cổng bệnh viện, dừng lại trước khoa Cấp cứu. Ngay lập tức, các y, bác sĩ đã thoăn thoắt đẩy băng ca ra, bồng bệnh nhân lên và đưa cấp tốc vào phòng. Thấy bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, kíp trực vội vàng đưa vào trong để bác sĩ đang đợi sẵn tiến hành kiểm tra, xác định, chẩn đoán nhanh và kịp thời cấp cứu. Vì lý do chống nhiễm khuẩn nên bảo vệ chỉ cho phép một người nhà được đẩy băng ca vào khu nhận bệnh nhân để hỗ trợ khi cần thiết. Được biết, bệnh nhân tên T. (trú Q. Liên Chiểu) bị TNGT, chấn thương nặng ở phần đùi và mặt. Dù đã được các y, bác sĩ cứu chữa qua cơn nguy kịch nhưng bệnh nhân cứ liên tục la khóc, gào thét vì đau đớn. Âm thanh đó không khỏi làm cho những người yếu thần kinh phải sợ hãi. Tuy nhiên, với tinh thần thép được tôi luyện qua bề dày năm tháng, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây vẫn vững tin để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bởi với họ, không thứ gì sợ bằng việc không cứu được bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần.
Y, bác sĩ phòng Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý một
ca cấp cứu trong đêm
Vừa cấp cứu xong cho anh T. thì nghe tiếng còi xe cấp cứu trên đường Ông Ích Khiêm đang hướng về phía bệnh viện, kíp trực nhanh chóng chạy đẩy băng ca ra ngoài tiền sảnh chờ đón nhận bệnh nhân mới. Lần này bệnh nhân đến từ tỉnh Quảng Nam là một người phụ nữ lớn tuổi nằm bất động. Theo lời người nhà, bệnh nhân tên L. do trong lúc đi vệ sinh ngã trong nhà cầu và bị thương tích nặng. Do bị chấn thương nặng nên bệnh viện địa phương phải chuyển viện ra Đà Nẵng. Vào đến phòng cấp cứu, bà L. hôn mê, nôn ra máu. Một nhóm bác sĩ và điều dưỡng lập tức có mặt và tiến hành các bước khám, xét nghiệm, hội chẩn. Kết quả, bà L. bị nứt sọ não và chấn thương nặng ở vùng mặt. Ngay sau đó, bà được nhập hồi sức ngoại để tiến hành chữa trị...
Cánh cửa phòng cấp cứu chưa kịp khép thì lại mở, kíp trực lại tiếp nhận một xe cấp cứu đến từ Quảng Nam. Cửa sau của chiếc xe cấp cứu bật mở, trên chiếc băng ca là một cô gái đang nằm bất động, một chân bị giập, được nẹp cứng bằng 3 cây gỗ như bó giò. Bệnh nhân được đưa ngay vào phòng cấp cứu và được các bác sĩ tại đây nới lỏng nẹp, giúp cái chân gãy của bệnh nhân lưu thông máu. Theo các bác sĩ thì nếu chỉ đến chậm chừng vài chục phút, có lẽ chân của bệnh nhân sẽ bị hoại tử vì trong quá trình sơ cứu, người nhà đã quá chặt tay khiến nó không được cung cấp máu trong suốt một thời gian dài...
Người nhà cũng trắng đêm, lo lắng cùng bác sĩ
Trong khi kíp trực đang nỗ lực chạy chữa cho bệnh nhân thì ở ngoài tiền sảnh, nhiều người thấp thỏm lo âu và liên tục kêu khóc. Bên cạnh đó, một số người thì liên tục hét to, đòi phải chăm sóc đặc biệt cho người nhà mình. Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng tâm sự: “Nhiều ca cấp cứu trong hy vọng mong manh giữa sự sống và cái chết, tâm lý của người nhà chỉ muốn được các bác sĩ quan tâm, chăm sóc, nhưng nhiều khi họ không thể hiểu được ca nào cần xử lý trước, ca nào cần phải theo dõi dẫn đến sự hiểu lầm, có nhiều trường hợp còn đe dọa, chửi bới, hành hung y, bác sĩ. Nhưng với trách nhiệm phải cứu bằng được bệnh nhân, những y, bác sĩ nơi đây đã vượt qua tất cả...”.
Đã hơn 2 giờ sáng, ngoài cổng bệnh viện, một số hàng quán vẫn mở cửa phục vụ. Có lẽ họ cũng đã quen với việc thức đêm cũng như thi thoảng lại thấy người nhà bệnh nhân hớt hải chạy ra, chạy vào. Những ngôi nhà ven đường đóng chặt cửa, chắc hẳn mọi người đang ngon giấc. Thế nhưng, tại khoa Cấp cứu, ánh đèn vẫn sáng trưng, người người ra vào tấp nập. Ở đây, trên gương mặt người thân hiện rõ sự căng thẳng lo âu; ở đây có những cơn đau vật vã đang hành hạ người bệnh, có cả cái chết bất ngờ và những giọt mồ hôi lặng lẽ của các y, bác sĩ đang từng phút, từng giờ đổ xuống để giành giật lại sự sống cho người bệnh. Do liên tục đón những chiếc xe mang các BKS 76, 92, 43, 77 đưa các bệnh nhân bị thương tật vì TNGT, nhồi máu cơ tim, ruột thừa... nên đến 3 giờ 35, khu tiếp nhận bệnh nhân, các giường bệnh đã không còn chỗ trống. Người thì đang rơi vào hôn mê do cơn tai biến mạch máu não, người thì nửa mê nửa tỉnh với những chấn thương mất nhiều máu do TNGT, người thì vật vã trong cơn đau dạ dày cấp... Vậy nhưng, chốc chốc lại nghe tiếng còi xe cấp cứu vẳng tới inh ỏi gấp gáp, những hộ lý, điều dưỡng chạy ào đến đỡ bệnh nhân, chuyển ngay lên băng ca rồi đẩy nhanh vào. Người nhà bệnh nhân cố chạy với theo níu vạt áo blouse với ánh mắt hy vọng. Để trấn an người nhà bệnh nhân, điều dưỡng Trần Thị Thanh Nga đứng lại cất lời nhẹ nhàng: “Cấp cứu giành lại sự sống cho bệnh nhân là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Tất cả đã đến đây thì đều được đội ngũ y, bác sĩ chạy chữa tận tâm. Vì vậy, các bác, các cô, các anh hãy yên lòng. Khi nào có thông tin chính thức về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chúng tôi sẽ thông báo nhanh...”. Nghe đến đó, người nhà bệnh nhân đã phần nào yên tâm nên không còn nháo nhào như lúc mới vào. Họ lặng lẽ nhìn nhau rồi thỉnh thoảng hướng mắt qua cánh cửa kính để nhìn người thân đang được kíp trực tích cực cứu chữa.
Kim đồng hồ điểm đến 4 giờ 15, nhưng phía ngoài tiền sảnh khoa Cấp cứu vẫn còn nhiều người nhà bệnh nhân đứng ngồi không yên, thất thần, hoảng hốt. Nhìn qua cánh cửa kính, hình ảnh những người thầy thuốc vẫn nhiệt tâm, miệt mài cứu chữa cho từng bệnh nhân... Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Minh - Trưởng khoa Khám bệnh và Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự. “Khoa cấp cứu là đơn vị tiếp nhận và xử lý bệnh nhân đầu tiên. Chính vì vậy, dù trong thời điểm tinh mơ hay đêm tối, chúng tôi luôn đặt yếu tố tỉnh táo, chính xác, nhanh nhẹn, kịp thời lên hàng đầu. Chỉ cần nhanh một giây, thận trọng trong một thao tác là có thể bệnh nhân sẽ được cứu sống. Ngược lại, chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Trung bình mỗi ngày đêm, phòng cấp cứu bệnh viện tiếp nhận 170 - 200 ca, trong đó khoảng thời gian từ 23 giờ 30 đến 5 giờ 30 là thời điểm vất vả nhất của đội ngũ y, bác sĩ...”.
Trời dần chuyển sáng, tiếng còi xe cứu thương vẫn rú vang trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, nhóm điều dưỡng và bác sĩ trực cấp cứu lập tức có mặt để tiến hành sơ cấp cứu cho bệnh nhân...