Đà Nẵng sau 0 giờ (3)

Chợ Tam Giác giờ đã thành đảo giao thông. Thế nhưng, dường như muốn níu kéo, lưu giữ, hoặc chỉ là một chút không khí của chợ xưa, một số người dân từng gắn với nơi đây đã chọn cho mình những cách khác nhau để được... sống với kỷ niệm.

Ranh giới một chiếc Barie

Đó là những hàng quán bán đêm được sắp xếp tự nhiên và phân đôi bằng cái hàng rào barie cũ kỹ đã được kéo đi kéo lại mấy chục năm nay. Ở đây, ranh giới ấy chia ra hai mảng khác nhau của cuộc sống.

Ban đầu, chúng tôi không hiểu vì sao đã 2 giờ sáng mà lực lượng CA, dân phòng lại tập trung đông như thế tại một quán cà-phê vỉa hè. Hỏi mới biết, hóa ra đây là quán “bà Hạnh 6259”, “bà Hạnh 7661” mà người ta kể bấy lâu. Và những người đang uống ly cà-phê hay ăn tô mì tôm là lực lượng 7661 vừa kết thúc một ca tuần tra, giữ gìn ANTT trên địa bàn. Bà Hạnh trước đây bán hàng đêm phía đông đường Ông Ích Khiêm. Thấy mấy tay thanh niên choai choai xăm trổ đầy người là bà dị ứng. Cũng vì mấy câu khuyên răn như dành cho con cháu trong nhà mà bà đã từng bị một nhóm côn đồ kéo đến hành hung, phá nát đồ đạc trong quán. Rồi bà xin phép địa phương cho chuyển qua bán hàng ngay phía đối diện, cạnh cái hàng rào barie đường sắt.

Đà Nẵng sau 0 giờ (3) - 1

Khu vực Chợ Tam Giác cũ cũng được coi là một cuộc sống thu nhỏ

Từ đó đến nay, quán chuyên phục vụ đồ ăn, thức uống cho người dân lao động, khách hàng vãng lai, CA, dân phòng. Cách bán hàng của bà Hạnh rất lạ. Cứ mỗi tốp tuần tra hay nhóm dân lao động về đêm vào quán là bà xách một chai cà-phê như chai rượu ở quán cao bồi, một cốc đường, một hộp sữa để ở bàn, cười hể hả rồi đi làm việc khác. Ai uống thế nào thì tự pha, mì tôm có sẵn trong thùng, trứng chả có trong giỏ, làm kịp thì bà làm, còn không thì tự phục vụ.

- Tính tiền mẹ ơi!

- Ba chục con - bà vừa bán hàng vừa nói vọng vào.

Nhân lúc bà rảnh tay, tôi hỏi vì sao một tốp người vừa uống cà-phê, uống nước khoáng, có người còn ăn mì tôm nữa mà hết có 30 nghìn, nghĩa là chưa bằng một tô bún ở đường Hùng Vương. Bà cười xòa “Người nhà, con cháu mình cả mà. Bọn nó làm ngày làm đêm vất vả rứa chứ lương không ăn thua chi so với cô bán ở đây đâu. Bán lấy số lượng, một thùng bia hay thùng mì tôm lời mấy nghìn bạc thôi, nhưng người ta mua rầm rầm”. Ông Cường, một người đạp xích lô đêm khu vực này nói, đối với người lao động, quán bà Hạnh rẻ đã đành, nhưng cái thương hiệu của quán chính là ở chỗ nó rất ấm áp. Giữa màn sương đêm, ngồi cạnh những người dân lao động, những người làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT cho phố phường trong một quán cà-phê cóc tự nhiên thấy gần gũi và ấm lòng. Bà Hạnh không nói điều này, nhưng tôi hỏi thì bà gật đầu. Rằng mấy thanh niên choai choai nẹt pô dừng lại hay mấy cô gái tóc vàng, mắt xanh môi đỏ muốn sà vào quán thì bà giơ tay ra hiệu là hết chỗ rồi. “Bán hàng thì có tiền thôi, nhưng mấy người này cô không ưa. Để chúng vào quán khác hợp với chúng hơn” - bà nói.

Đà Nẵng sau 0 giờ (3) - 2

Lực lượng CA, dân phòng nghỉ ngơi tại quán bà “Hạnh 7661” sau một ca TTKS

Câu chuyện này cũng có nguyên do, ngoài chuyện bà bị hành hung hồi trước, còn là chuyện đời mà bà chứng kiến bên công viên đối diện. Mấy năm trước, tối nào dân dặt dẹo cũng về đây ngủ vật, chích hít sau khi đi hoang. Đứa nào bà cũng nhớ mặt. Nhưng rồi chúng bỗng biệt tăm. Mãi đến khi bà cùng bạn bè nấu cơm, mua quà đi làm từ thiện ở các trung tâm bảo trợ xã hội thì gặp lại. Có đứa mắc cỡ quá lánh mặt, nhưng nhiều đứa vây lấy bà nói chuyện, tỏ ra ân hận lắm. Bà tâm sự, cái quán cóc vậy chứ mỗi tháng thu nhập được lắm, nhưng bà đi làm từ thiện, giúp người nghèo cũng nhiều, khi là một bệnh nhân ung thư, khi là các trung tâm bảo trợ xã hội hay người nghèo trong xóm. “Mấy chục năm công tác trong ngành đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, lương hưu cũng được. Rồi bán thêm cái quán này, tiền để mô cho hết?” - tôi hỏi đùa. “Cô còn có quán ở nhà trên đường Trần Cao Vân nữa tề. Dư sống con ạ. Giờ nghỉ ngơi cũng được rồi, nhưng sẽ chẳng biết ra răng nếu đêm đêm không ngồi ở đây. Nhớ lắm” - bà Hạnh tâm sự.

Bên kia cái barie là một không gian hoàn toàn khác. Đối diện với công viên là quán cà-phê hội quân của dân chơi hạng trung. Cũng giống như một góc chợ Cồn, nhóm thì kết thúc một cuộc chơi, nhóm thì chuẩn bị bay đêm, nhóm thì đánh bài làm ồn cả một góc phố. Chúng tôi chọn một góc quán để ngồi, lại sát ngay nhóm 8 cô cậu tuổi cỡ đôi mươi chia hội đánh “năm mo”. Mấy chàng trai thì xăm hình chi chít, cậu thì đầu trọc lóc, cậu thì chải keo dựng ngược. Còn mấy cô gái, cô thì mặc áo hai dây mát mẻ, cô thì phì phèo thuốc trên đôi môi thâm tái. Chốc chốc mấy cô lại ré lên rồi chửi tục ầm ĩ cả quán vì cái tội bạn chơi cứ sờ soạng vào chỗ nhạy cảm. Mỗi khi thắng bài hoặc thể hiện sự tâm đầu ý hợp thì quay qua nhau đưa tay lên “dê” một cái rồi ôm nhau cười hí hửng.

Tưởng thế đã là ghê lắm nhưng khi kết thúc hội bài thì chúng tôi mới hiểu rõ đây là một nhóm over night. Cặp đôi thua trận chạy đi nhanh rồi quay lại với một túi vịt lộn và bò húc rồi hú cả bọn lên đường. Cô gái có xăm hình con bướm ngay ngực nói lớn: “Đ.m, mi khỏe như con trâu mà còn bò húc với vịt lộn nữa hả. Tối nay qua phòng khác nhé”. Cả bọn phá lên cười rồi rú ga, xé màn đêm lao đi. Cả quán rôm rả bình luận số đo ba vòng của từng cô nàng vừa đi ra cũng như khả năng tác chiến của các chàng trai đi cùng.

Cũng một cuộc sống về đêm như chợ Cồn nhưng ở đây có vẻ rộn hơn. Một trong những lý do, không biết có phải vì danh tiếng hay không nhưng “giá sinh hoạt” ở đây thấp hơn hẳn. Nếu như trên đường Hùng Vương, hai thế giới của cuộc sống là sự phân biệt đẳng cấp giữa một góc chợ được coi là “linh hồn Đà Nẵng” và sự hào nhoáng của thế giới dân chơi quán bar, vũ trường thì ở đây, “dân chơi” và “dân làm” chỉ cách nhau một cái barie.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh - Lê Hùng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN