Đà Nẵng sau 0 giờ (2)

Gần như có một cuộc sống thu nhỏ khi lắng nghe và quan sát từ chợ Cồn. Giao lộ Hùng Vương - Ông Ích Khiêm vừa có vẻ nhộn nhịp lại vừa rất lặng lẽ. Nói về chiều sâu văn hóa thì “chợ Cồn là linh hồn Đà Nẵng” cũng không phải là không có lý. Nhưng từ đỉnh của tam giác vuông này, đi thêm độ một cây số về phía chợ Tam Giác rồi cũng chừng đó nữa về phía Nhà hát Trưng Vương thì mới thấy được hết nhịp sống về đêm ở “tam giác vàng”. Đầy đủ một bức tranh sáng tối.

Từ chợ Cồn đến nhà hát

9 năm trước, khi còn là sinh viên năm cuối, tôi tò mò muốn biết đêm chợ Cồn như thế nào mà mấy đứa bạn cứ xuống đó uống cà-phê từ sau giờ Tý đến gần sáng mới về. Trúng vào dịp thủng thẳng làm luận văn tốt nghiệp nên thời gian thoải mái, lấy đêm làm ngày cũng chẳng ảnh hưởng gì nên quyết đi theo cho biết. Thực ra, trong học phần về văn hóa học, thầy giáo bảo với chúng tôi rằng, học ở Đà Nẵng mà không biết cái đêm chợ Cồn nó như thế nào thì bỏ.

Đà Nẵng sau 0 giờ (2) - 1

Một góc chợ Cồn về đêm

Ngay dưới cột tên đường, một mặt là Hùng Vương, một mặt là Ông Ích Khiêm, vẫn cây xăng lẻ của bà Vượng ngày xưa. Bà giờ chân chim chằng chịt trên khuôn mặt sương gió, không chỉ vì kham khổ, mà như bà nói, là vì hứng sương chợ Cồn. Đêm nào bà cũng nằm trên chiếc giường xếp, bên trụ xăng. Ai kêu thì dậy, còn không cứ nhắm mắt lim dim kệ cuộc sống xung quanh. 9 năm sau, chị Thủy - chủ quán cà-phê ngày xưa tôi ngồi “thực tế” gần cả tháng trời - vẫn giữ cung cách phục vụ vừa đủ thân mật với khách vãng lai vừa xuề xòa với cả các loại anh chị hay dân lao động nơi chợ búa. Kinh doanh ở chợ thì phải có cái gì đó “ghê gớm” một tí, mà ở chợ Cồn thì còn phải hơn thế nữa. Nghe đâu đứa con gái ngày xưa phụ giúp chị hằng đêm giờ đã lấy chồng. Mà được như nó thì mừng lắm. Là bởi ở chợ Cồn, hằng đêm vẫn có nhiều đứa trẻ phải sống với cuộc sống của bố mẹ chúng. Hoặc là chỉ mẹ chúng.

Ở đây, khi hầu hết những người theo nhịp sống bình thường đã đi ngủ thì chợ Cồn mới thức. Có sòng bài phỏm ăn tiền, có quán cà-phê dành cho dân xăm trổ, quán nước cho mấy cô cậu nhìn thì đồng giới mà cứ dính lấy nhau như sam, có quán ăn, có bác xích lô ngủ gật, cả mấy tay thanh niên trần trùng trục chốc chốc lại phóng xe bạt mạng từ đâu tới, nẹt pô, âm côn lướt qua như cơn gió. Có cả mấy chiếc xe hàng bán bao cao su lưu động để phục vụ cho các tay chơi từ các quán bar rã đám. Tiếng loa xập xình lặp đi lặp lại mấy bài nhạc sàn kiểu như “vì đam mê giàu sang em bán đi cuộc sống đời mình. Vì đam mê giàu sang em bước chân vào đường tội lỗi”. Mấy đứa trẻ sống lăn lóc trong không gian như vậy, cười nghịch chán thì chạy qua quán chọc người lớn. Bị chửi hay dọa đưa về nhà nhốt lại, không cho ra đây nữa thì chúng phá lên cười rồi chạy vụt đi. Bất chợt nhớ đến câu chuyện “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Liên và An dù bị lọt thỏm trong đêm tối thì vẫn chờ một ánh đèn, một chuyến tàu, chờ cuộc sống tươi sáng hơn. Còn những đứa trẻ ở đêm chợ Cồn, hình như chúng không chờ gì cả, vì có lẽ chúng rồi cũng gắn bó với nơi này.

Đà Nẵng sau 0 giờ (2) - 2

“Áo mưa OK” – một trong những mặt hàng bán chạy nhất sau khi dân chơi rã đám

Chợ Cồn ngày xưa phức tạp lắm, chỉ mấy chục mét từ ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương đến đường Phạm Ngũ Lão như một lãnh địa riêng mà lần đầu đặt chân đến đây để “sống về đêm”, tôi được cậu bạn dặn là đừng nhìn ngang, ngó dọc. Ai xăm trổ: kệ, ai chửi tục: kệ, ai kéo “hàng” tóe lửa ngoài đường hay ai mặc áo hai dây có con bướm nơi bẹn ngồi ưỡn ẹo cùng nhau cũng kệ. Tốt nhất thì làm được mặt ngầu cho hợp với cách sống của người ta, còn không thì ngồi im, đừng làm khác mà rước họa vào thân. Chợ Cồn giờ không phải là không phức tạp, nhưng cũng đỡ lắm rồi. Và xét về khía cạnh văn hóa, du lịch mà nói, không có đêm chợ Cồn thì cũng chẳng có đêm Đà Nẵng.

Đà Nẵng sau 0 giờ (2) - 3

Dân chơi tỏa ra từ các quán bar, tranh thủ đi ăn trước khi “bay” tiếp

Chỉ cách nhau chưa tới 100m trên cùng một con đường, đi về phía sông Hàn, gần như có một cuộc sống khác với cái lam lũ, chậm chậm của những phận người sương gió. Khoảng 2 giờ sáng, một cuộc sống gấp hình thành khi mà 2 “sàn” thuộc hàng bậc nhất của Đà Nẵng đóng cửa. Dân chơi rã đám túa đi ăn. Nào là cậu ấm cô chiêu, nào là dân múa cột, tiếp viên karaoke, gái bi-a đã đuối sức sau ánh đèn màu và tiếng nhạc chát chúa. Có cả những anh chàng chăn dắt điển trai “vừa lãng tử vừa du côn” rà khắp hết các quán ăn được coi là điểm tập kết của dân bay. Chúng tôi ngồi lọt thỏm giữa một rừng son phấn để ăn tô bún hạng sang. Nói là sang vì đồ ăn ở đây phục vụ cho tay chơi, chứ ngon dở thế nào, phờ phạc hết rồi làm sao mà biết được.

Thực ra, nhiều cô gái ở vũ trường ra không về nhà mà là... đi tiếp. Mà “Về nhà làm gì khi mây đen phủ khắp lối mòn…” như cô gái mặc váy ngắn, dạng chân ra hai bên góc bàn nhựa, vừa ăn vội tô bún giò vừa hát. Dân chơi thường lấy số điện thoại của các em từ trong “sàn”, tàn cuộc chơi ai thích ngủ thì ngủ, ai muốn “thức” thì chỉ cần thông báo số phòng, tên khách sạn và nằm chờ. Sẽ được phục vụ tận nơi chứ không còn mất công tìm kiếm như ngày xửa ngày xưa. Bà chủ của một xe hàng bán “đồ cấp tốc” nói với chúng tôi, dân chơi dù là nam hay nữ muốn duy trì được phong độ thâu đêm suốt sáng đều phải “cắn” 2 lần: một lần trước khi lên sàn, lần còn lại là ở khách sạn. Nam nữ gì cũng thế. Bà nói 4 thứ bán chạy nhất trong xe hàng là thuốc lá, bò húc, trứng vịt lộn và “áo mưa”. Riêng “áo mưa” thì cho dù giá có gấp mấy lần ở hiệu thuốc cũng là mặt hàng hết nhanh nhất trong đêm.

Đêm. Từ chợ Cồn đến Nhà hát Trưng Vương là một bức tranh sáng tối. Chưa đầy một cây số mà hai cuộc sống gần như trái ngược nhau. Đầu chợ Cồn, người ta làm đêm thì ở F3 hay TV Club là những người chơi đêm. Đêm chợ Cồn là cuộc sống của những người kiếm tiền, mưu sinh thì đêm ở giao lộ Hùng Vương với Triệu Nữ Vương, Ngô Gia Tự, Phan Châu Trinh là cuộc sống của những người xài tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh - Lê Hùng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN