Công nhân xa quê ngóng ngày vào ca

Trong khi đông đảo công nhân được về quê ăn tết đã lục đục chuẩn bị hành lý để trở lại phân xưởng, xí nghiệp thì nhiều người khác phải đón xuân nơi đất khách cũng đang đếm ngược từng ngày để vào ca đầu năm mới.

Thực tế, dù có nhớ nhà nhưng tết tha hương của họ cũng ấm áp và ý nghĩa. Sau một năm đầy khó khăn, bây giờ họ càng mong muốn được sớm làm việc để có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày và tích lũy.

Tết ấm lòng nơi đất khách

Có rất nhiều lý do khiến công nhân ngoại tỉnh quyết định ở lại Đà Nẵng ăn Tết. Vì đường sá xa xôi, vì đã có gia đình tại nơi làm việc, vì muốn biết cảm giác xuân Đà Nẵng sau nhiều năm chật vật về ăn tết quê... Nhưng lý giải cách nào, họ cũng đưa về một mẫu số chung: đó là chuyện tiền nong, chuyện tốn kém với vô số chi phí khi về Tết.

Theo nhiều người, sơ bộ, nếu quê hương cách xa Đà Nẵng từ 500km trở lên thì riêng vé tàu xe cho chuyện về quê và trở lại làm việc đã nuốt mất tiền triệu. Mà ở thành phố về quê ăn tết, không thể vác cái va li đựng quần áo không. Phải có một ít quà, một ít tiền mới để mừng tuổi, thăm thú bạn bè, người thân và nhiều khoản chi không tên khác. Nếu không kìm được tay, có khi không còn tiền xe trở lại làm việc! Chi bằng trích một phần lương tháng 13 gửi về cho gia đình, số còn lại mua mấy gói mứt, cặp bánh chưng, đĩa hạt dưa rồi rủ nhau đón tết tại phòng trọ và đi du xuân ở những địa điểm... xã hội hóa.

Công nhân xa quê ngóng ngày vào ca - 1

Dù đón tết xa quê nhưng công nhân vẫn ấm áp với tình cảm của hàng xóm láng giềng. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Dũng thăm hỏi, chúc tết công nhân tại khu nhà trọ tự quản Quang Thành 4A)

Đây là cái tết xa nhà đầu tiên sau nhiều năm làm công nhân tại KCN Hòa Khánh của gia đình anh Hồ Phi Bình và chị Dương Thị Mai (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh). Anh Bình là công nhân Cty CP Xi-măng Cosevco, còn chị Mai đã 4 năm làm việc tại Cty Điện tử Việt Hoa. Với khoản lương tháng 13 tương đối khiêm tốn, sau nhiều lần hạch toán, anh chị và đứa con nhỏ đã quyết định ở lại ăn tết trong căn nhà trọ tại tổ tự quản số 1, Quang Thành 4A (Q. Liên Chiểu).

Cạnh đó, vợ chồng anh Nguyễn Quang Trung và chị Phan Thị Thiển (Yên Thành, Nghệ An) cùng 2 cậu con sắm bánh chưng, chả giò, một ít bánh kẹo để lần đầu ăn tết trong căn phòng trọ nơi đất khách. "Quê hương, gia đình có ai không nhớ hả anh. Nhưng hoàn cảnh vậy, gia đình cũng chẳng ai trách móc. Đành chịu, rồi dành dụm cho tết năm sau vậy", chị Mai tâm sự. Hỏi có buồn lắm không? Anh Nguyễn Quang Trung kể rằng, lãnh đạo Liên đoàn lao động  có tới thăm và tặng quà tết, rồi chính quyền địa phương cũng quan tâm, qua lại chơi thường xuyên nên cũng không khác mấy ở nhà.

Đang trò chuyện, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng tổ 32C P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu trên đường đi chúc tết về. Ông Dũng vui vẻ: "Tết ở khu tự quản công nhân này thì trên cả an toàn. Tôi đi từng nhà một, bật lon bia, lì xì cho mấy đứa trẻ con công nhân. Tất niên tôi cũng gọi, tân niên tôi cũng ới vài tiếng là chạy qua chạy về vui như ở quê".

Trong khi đó, bà Vũ Thị Nhu, chủ của 58 phòng trọ mà đa số là sinh viên và công nhân thì cho biết, gần tết, bà thống kê số người không về quê, đến ngày tất niên hay đêm giao thừa là gia đình bà trở thành đơn vị "tổ chức sự kiện" để làm cho họ vơi nỗi nhớ nhà. Năm nay nhà trọ của bà Nhu có 10 người ở lại, 3 gia đình và 4 người độc thân. Dù chẳng máu mủ ruột rà gì nhưng hiểu và cảm thông, bà luôn coi họ như một gia đình nhỏ của mình. "Mấy năm trước tui tự tay gói bánh chưng tặng chúng. Năm ni không gói được nhưng cũng không thể thiếu quà, không thể vắng chúng trong những cuộc vui của gia đình", bà Nhu tâm sự.

Công nhân xa quê ngóng ngày vào ca - 2

Gia đình anh Trung, chị Thiển quây quần ấm áp trong căn phòng nhỏ

Theo bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, năm nay có hơn 100 công nhân ngoại tỉnh của các khu công nghiệp không có điều kiện về quê ăn tết. Trước đêm giao thừa, lãnh đạo Liên đoàn và Công đoàn các khu công nghiệp& chế xuất đã đến các khu nhà trọ tự quản trao tiền hỗ trợ, tặng quà tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức nhiều chương trình vui xuân để cho họ vơi đi nỗi nhớ nhà.

Công nhân xa quê ngóng ngày vào ca - 3

Công nhân khu nhà trọ tự quản số 1, Q. Liên Chiểu liên hoan sau buổi làm việc lấy ngày

Ngóng chờ ngày vào ca

Chưa bao giờ công nhân lại mong ngóng được trở lại nhà xưởng, trở lại Cty như lúc này. Và theo dự báo, điệp khúc nhảy việc một cách "nhộn nhịp" như cách đây vài ba năm sẽ không còn. Đơn giản là vào thời điểm này, để có được một công việc ổn định, cho dù thu nhập có thấp đi chăng nữa, cũng là mơ ước của người lao động.

Khó khăn của nền kinh tế đã "rèn" cho người lao động biết quý trọng công việc, tìm mọi cách để kiếm và tích lũy đồng tiền mồ hôi nước mắt. Thậm chí, đã có thời đông đảo công nhân liên tục phản đối việc tăng ca (tất nhiên, nguyên nhân chính vẫn là quyền lợi đi kèm) thì bây giờ họ mong muốn được làm thêm giờ, nhận thêm sản phẩm để tích cóp. Nhưng vì đơn đặt hàng cầm chừng, thiếu nguyên liệu, ít hợp đồng, có muốn làm ráng cũng không phải là dễ. Nếu như những năm trước, thời gian nghỉ tết eo hẹp, công nhân phát khóc với chuyện về - đi, thì năm nay, người về đã bắt đầu có cảm giác nhớ Cty, người ở lại cũng đã "hết mùi bánh chưng". Ai nấy đều mong ngày nhận tiền lì xì đầu năm và lao vào làm việc.

Dù theo lịch thì ngày 9 Âm lịch, các doanh nghiệp mới mở cửa trở lại nhưng vào ngày Mồng 6, một số cửa xưởng đã được mở để công nhân làm lấy ngày. Anh Hồ Phi Bình cùng các đồng nghiệp tại Cty Xi- măng Cosevco hào hứng: "Sáng 15/2 (mồng 6) Cty đã khai xưởng. Chúng tôi làm "lấy ngày" rồi nghỉ ngơi chờ mồng 9 là đồng loạt vào ca. Được trúng ngày lộc (mồng 6), hy vọng năm nay công việc ổn định, thu nhập đều đều", anh Bình nói, tốp công nhân trong khu nhà trọ tự quản cười ran.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN