Cảnh giác với thức ăn đường phố

Đến hẹn lại lên, khi tiết trời nóng nực, oi bức là thời điểm các quán giải khát vỉa hè đua nhau mọc lên như nấm để đáp ứng cơn khát cho thực khách. Sẽ không có gì đáng lên án, nếu những người buôn bán hàng rong có ý thức sử dụng thực phẩm an toàn và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, tại các quán nước vỉa hè này, nỗi lo tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn hiện hữu do thường không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thực phẩm.

Bài 1: Nước uống vỉa hè - tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật

Hằng ngày, không ít thực khách vẫn vô tư dùng các loại nước uống tự chế không rõ nguồn gốc.

Tạo một vòng qua những tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hàng loạt quán giải khát mọc lên khắp các vỉa hè, hoặc di động trên các tuyến đường. Các mặt hàng nước giải khát rất đa dạng, từ các loại thức uống đóng chai đến các đồ uống tự pha chế như: trà đá, nước sâm, dâu, rau má, chanh dây, chanh tươi... Thế nhưng cách thức bảo quản, pha chế các thực phẩm này thì khó có bảo đảm vệ sinh. Theo quan sát, trong vòng chưa đầy 30 phút đã có hàng chục thực khách ghé vào quán nước di động đang “đậu” trên đường Ông Ích Khiêm (cạnh chợ Cồn) để “làm nhanh” một ly nước trà, chanh dây, chanh tươi, sâm, dâu, rau má... giải khát. Số  khác thì mua vài bịch mang về cho người nhà. Tất cả các loại nước giải khát được bày bán tại quán di động này đều được người bán tự tay chế biến sẵn trước đó, và chẳng vị khách nào quan tâm đến việc nó được chế biến từ loại thực phẩm gì... Nghe   chúng tôi gọi nước rau má, bà chủ vội nhặt đá bỏ vào ly rồi rót nước rau má đã được pha chế sẵn vào. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại chưa uống vội, bà chủ trấn an: “Tất cả các loại nước ở đây đều nguyên chất. Tuy nhiên, do ngoài đường không có điều kiện để chế biến nên cô phải làm trước ở nhà thôi”.

Vì mục đích tinh giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận nên nhiều hàng quán kinh doanh giải khát, nhất là những hàng quán vỉa hè, đường phố đã không quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm; thậm chí còn sử dụng nhiều phương thức, “thủ đoạn” để che giấu, “qua mặt” cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng để đưa vào lưu thông trên thị trường các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm... Số lượng và mức độ tinh vi của các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, VSATTP ngày càng tăng. Trong khi đó ý thức của một bộ phận người tiêu dùng về vấn đề ATTP chưa cao do tâm lý “muốn” mua hàng giá rẻ, tiện lợi nên đã tạo cơ hội cho các thực phẩm không đảm bảo thâm nhập, “len lỏi” vào thị trường...

Bà Nguyễn Thị T. (trú Q. Sơn Trà),- người từng kinh doanh nước uống vỉa hè cho biết: “Không những mất vệ sinh mà với các loại nước giải khát vỉa hè, với mục đích làm tăng lợi nhuận, người bán thường dùng các loại đường hóa học để pha chế, bất chấp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Bởi loại đường này giúp tạo độ ngọt gấp hàng trăm lần trong khi giá thành so với đường mía thấp hơn nhiều. Ngoài ra, hầu hết đại đa số các loại nước giải khát kiểu này là những loại nước được người bán tự pha chế. Nguyên liệu và công thức chủ yếu là: đường hóa học và nước  cộng với chất tạo màu. Những nguyên liệu này có thể mua ở các điểm bán phụ gia thực phẩm ở chợ và hầu hết là không rõ nguồn gốc. Tất cả các loại hóa chất tạo mùi: chanh dây, tắc, dâu tây, nho, dâu tằm... đều được bán giá rẻ. Theo đó, để có màu giống nước sâm thì lấy màu nâu, còn màu đỏ, tím làm nước dâu và nho, màu vàng làm nước cam, chanh dây... Còn pha chế thì tùy, muốn lời nhiều thì pha loãng khoảng với 3 món: hương liệu, màu và đường hóa học...”.

Cảnh giác với thức ăn đường phố - 1

Thức ăn và nước uống trên đường phố

Chúng tôi ghé vào một quán nước mía nằm trên đường Tôn Đức Thắng. Bà chủ hàng nước nhanh nhẹn lấy từng cây mía bỏ vào máy ép đã hoen gỉ, ruồi nhặng bu đầy. Nước mía ép chảy xuống chiếc ca nhựa cáu bẩn. Một lát sau đã có hai ly nhựa nước mía "ngon lành, mát rượi" mang ra cho khách. Trời nắng nóng nên quán mỗi lúc một đông khách. Mỗi ly nước dùng xong, chủ quán lại thả vào chiếc xô nhựa cũ đựng nước tráng qua. Xung quanh xe ép, mía bóc vỏ đựng trong các xô nhựa đặt dưới đất, không che đậy, vô tư hứng bụi. Còn đá lạnh để uống nước mía hầu hết là đá cây chỉ được dùng ướp thực phẩm.Bà chủ quán cũng trấn an: “Các em cứ yên tâm thưởng thức đi, tôi bán nước mía ở đây gần chục năm rồi nhưng có thấy ai kêu đau bụng hay bệnh tật gì đâu”.

Hiện tại chưa thể thống kê trên địa bàn TP Đà Nẵng có bao nhiêu quán nước giải khát vỉa hè và chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm từ các loại nước uống này do khó kiểm soát. Vậy nhưng, để an toàn cho sức khỏe của bản thân, mỗi thực khách hãy là những người tiêu dùng thông thái... Theo khuyến cáo của ngành Y tế, nước giải khát đường phố có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, đặc biệt là nhiễm khuẩn E-coli, một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lỵ, tiêu chảy thậm chí bị ung thư. Vậy nhưng, hằng ngày, nhiều người vẫn vô tư thưởng thức các loại nước giải khát vỉa hè, đường phố. Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố thì các quán nước vỉa hè hầu hết được mở tự phát, nhỏ lẻ, khó có thể thống kê được hết số lượng. Bên cạnh đó, thời gian và địa điểm kinh doanh của người bán hàng thường không cố định nên gây không ít khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN