Muôn mặt chợ phiên Việt

Các chợ phiên như Flea Market hay Garage Sale đang rất phổ biến nhưng còn tồn tại nhiều bất cập.

Thời nở rộ chợ phiên

Có thể nói các hình thức chợ phiên, chợ trời đang ngày càng phổ biến và thu hút sự chú ý của người yêu thời trang Việt. Có thể điểm qua vài cái tên chợ phiên phổ biến như chợ trời Flea market, chợ đồ cũ Garage sale, chợ đồ thủ công Mintown....

Những khu chợ này được tổ chức ngắn hạn chỉ vài ngày và thường diễn ra vào cuối tuần để thu hút được người mua. Không gian tổ chức cũng không hề cố định mà thường xuyên thay đổi. Các chợ phiên có thể diễn ra trong khuôn viên của các trường học, trong sân của những trung tâm triển lãm hoặc trong những khu đô thị...

Tới đây, khách hàng có thể tậu được những món ưng ý với giá cả phải chăng. Và nếu chịu khó ngụp lặn tìm kiếm thì bạn cũng kiếm được những đồ độc đáo, không đụng hàng. 

Ngoài ra, chợ phiên giúp bạn bổ sung vào sổ tay nhiều địa chỉ mua hàng mới. 

Muôn mặt chợ phiên Việt - 1

Chợ phiên có mặt hàng phong phú, từ quần áo cho tới những món handmade như DreamCatcher

Các chợ phiên như Flea Market hay Garage Sale không chỉ đưa tới cho khách hàng trải nghiệm hình thức mua sắm thú vị mà còn đem lại nhiều lợi ích cho người bán, đặc biệt là những người kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ. 

Đến chợ phiên không chỉ để bán hàng mà còn là cơ hội để giới thiệu các shop một cách dễ dàng và tương đối hiệu quả. Đối với các shop không có nhiều tiền chi cho khoản PR thì việc tham gia vào chợ phiên sẽ giúp họ vừa bán vừa quảng cáo với giá khá hợp lý. Tiền thuê quầy hàng chỉ dao động từ 500 - 1.5 triệu đồng cho ngày bán ở gian thường. Gian Vip có giá cao hơn nhưng cũng không quá 5 triệu đồng/gian/ngày. 

Ban Vũ Thu, quản lý của một shop trang sức cho biết: "Mình từng tham gia vào ba hội chợ được tổ chức theo dạng như thế này và mỗi lần đều cho mình những kinh nghiệm và trải nghiệm riêng. Tại phiên chợ đầu tiên mình quan sát xem các shop khác kinh doanh và học hỏi được nhiều điều. Lần thứ hai, mình thực hành và lần thứ ba, mình đã có những thành công và doanh thu cũng tốt dần nhờ đi đúng hướng."

Muôn mặt chợ phiên Việt - 2

Chợ phiên, chợ trời còn tích hợp cả những hội diễn Cosplay để thu hút các bạn trẻ

Là chủ của một shop mỹ phẩm thiên nhiên, chị Phương Thúy cho biết việc bán hàng tại chợ phiên giúp chị tăng được lượng người quan tâm đáng kể đối với trang bán hàng trên Facebook. Nhờ đó có thêm nhiều khách đã biết đến shop của chị. 

Để shop của mình được chú ý hơn thì người bán tại chợ phiên cũng "tung" nhiều chiêu hay ho. Chẳng hạn như gian hàng cho thuê đồ cosplay thì bổ sung các gói combo thuê đồ kèm trang điểm giá ưu đãi. Việc này nhằm giúp các bạn trẻ ngay lập tức có thể có ngoại hình phù hợp để tham dự vào lễ hội cosplay được tổ chức bên trong khuôn viên của phiên chợ. 

Nhiều chợ phiên còn tích hợp cả nhiều loại hình tạp kỹ như trình diễn cosplay, biểu diễn múa, nhảy, diễn kịch và các hình thức hậu mãi hấp dẫn như đổi hoặc tặng đồ, vẽ hình xăm Henna miễn phí, tặng kèm nước và đồ ăn...để thu hút các khách hàng trẻ tuổi. 

Muôn mặt chợ phiên Việt - 3

Các chương trình múa hát, diễn kịch được biểu diễn gần những quầy hàng 

Và những điều chưa hoàn hảo của chợ phiên Việt 

Do hình thức chợ phiên như Flea market, Garage sale.... mới được phổ biến trong mấy năm gần đây. Bởi vậy nó cũng có nhiều mặt chưa được hoàn thiện. 

Điều đầu tiên gây nản khi đi chợ trời Việt đó là sự tương đồng dẫn tới nhàm chán ở các khu chợ. Chợ phiên, chợ trời có nhiều dạng với các đặc thù khác nhau. Chẳng hạn như có khu chợ chuyên bán đồ đã qua sử dụng với giá "bèo", chợ chuyên bán đồ tự chế handmade... Tuy nhiên, theo nhiều tiêu dùng, các chợ phiên ở Việt Nam không toát lên được đặc thù riêng của các khu chợ mà dường như hao hao giống nhau. Chợ đồ cũ thì bán cả hàng thủ công. Chợ bán hàng thủ công thì bán cả quần áo Trung Quốc và quần áo "sida"....

Là một người từng đi rất nhiều chợ phiên, Thu Vân (19 tuổi) cho biết: "Chợ phiên đầu tiên mình tham dự là Chic & Cheap Flea Market. Lần đó mình rất hài lòng vì được trải nghiệm hình thức mua sắm mới lạ vừa thú vị. Tuy nhiên sau này, khi đi rất nhiều phiên chợ khác thì mình thấy lần nào cũng giống nhau. Thậm chí giống cả ở các loại mặt hàng, shop hàng. Khác chăng chỉ là các tiết mục biểu diễn ca nhạc". 

Muôn mặt chợ phiên Việt - 4

Một quầy bán, cho thuê đồ cosplay đã kết hợp cả dịch vụ làm tóc và trang điểm tại chỗ với giá rẻ để lôi cuốn các khách hàng trẻ tuổi

Bên cạnh đó, nhiều người cũng không còn hứng thú với chợ phiên bởi càng ngày càng khó tìm được hàng đẹp, độc và rẻ.

Nhận xét về yếu tố "rẻ", blogger D.Tran chia sẻ: "Hàng hóa trong chợ tuy đa dạng phong phú, nhưng giá cả đại đa số mặt hàng chưa tốt như cái tên Flea Market".

Theo bạn Hồng Trang, người từng học ở Nhật trong nhiều năm thì ở xứ sở hoa anh đào, việc tổ chức các chợ phiên là rất phổ biến, đặc biệt là chợ đồ cũ. Ở đó, người ta thường bày bán các mặt hàng từ đồ gia dụng cho tới quần áo. Tất cả đều đã qua sử dụng nhưng có chất lượng rất tốt và được bảo quản cẩn thận.

Bản thân Hồng Trang cũng từng tậu được một đôi giày hàng hiệu có giá gốc khoảng 7 triệu đồng (tiền Việt) với số tiền 400 ngàn trong một phiên chợ Flea Market của Nhật. Hồng Trang cho biết, theo quan điểm của người Nhật, nhiều ý nghĩa hơn chuyện bán và mua, việc tham gia vào chợ phiên đồ cũ còn là cách mà bạn bảo vệ môi trường và chống lãng phí. Các món đồ tuy giá rẻ nhưng đều được giữ gìn cẩn thận, sạch sẽ như mới để thể hiện sự tôn trọng với sản phẩm mình bán và với cả khách mua. 

Muôn mặt chợ phiên Việt - 5

Một quầy hàng bán áo thun in hình họa được bày khá vui mắt

Đã quen đi các chợ phiên của Nhật, khi đi chợ phiên Việt, Hồng Trang không khỏi ngạc nhiên bởi các nhiều quầy bán trưng đồ ra theo đúng tính chất là đồ cũ, nghĩa là bày biện cẩu thả và hàng hóa nhăn nheo, không là ủi. 

Bên cạnh đó cũng rất hiếm tìm được đồ "độc" ở các chợ phiên. Nhiều gian hàng bán những sản phẩm có thể tìm thấy ở bất cứ chợ hay shop thời trang bình dân nào. Bạn Thu Thủy, một người từng là tín đồ của chợ phiên chia sẻ: "Mấy năm trước tại các chợ trời, chợ phiên tuy ít gian hàng nhưng đồ khá "chất". Còn bây giờ, quá nhiều chợ được mở ra, hàng hóa nhiều nhưng trùng lặp, không có gì hấp dẫn. Đồ "ngon, bổ, rẻ" thì hiếm, chỉ có cơ man là quần áo "hàng lên", hàng may xưởng".

Muôn mặt chợ phiên Việt - 6

Khách tới chợ phiên thường mong tìm được đồ "độc, ngon, bổ, rẻ"

Không chỉ người mua mà bản thân người bán cũng có nhiều điều không hài lòng sau khi tham gia chợ phiên. Quản lý an ninh và ý thức người mua đều hạn chế dẫn tới việc nhiều quầy hàng bị mất trộm hoặc hàng hóa bị hư hại. Chủ của một shop mỹ phẩm, chị Phương Thúy cho biết mỗi đợt đi chợ phiên, chị phải trừ đi 10 - 20% lãi cho tiền đồ bị hỏng và mất. 

"Ngoài việc mất cắp thì chuyện khách tự ý mở nắp, bôi thử, tháo seal (tem niêm phong) là rất phổ biến dù đã được nhắc nhở trước. Hội chợ thì đông nên chưa kịp bắt đền thì họ đã kịp bỏ đi mất. Những hàng bán quần áo thì bị kẻ gian lấy trộm bằng cách lợi dụng lúc đông khách, rút đồ và nhét vào túi xách." - Chị Thúy than thở. 

Nhiều tiểu thương cũng ngại chợ phiên vì yếu tố thời tiết. "Trong hợp đồng để tham gia chợ phiên đều có ghi ban tổ chức không chịu trách nhiệm về thời tiết. Vì thế, tham dự chợ phiên rất rủi ro. Có hôm mới bán chưa được nửa ngày mà trời đã đổ mưa to tới tận đêm. Mình mong những người quản lý chợ nên lưu tâm hơn tới điều này để đảm bảo công bằng cho các chủ shop. Ví dụ như có điều khoản dời ngày tổ chức chợ nếu có sự cố thời tiết chẳng hạn." - Thanh Vân, kinh doanh quần áo chia sẻ. 

Muôn mặt chợ phiên Việt - 7

Yếu tố thời tiết rất quan trọng khi tổ chức chợ phiên. Nếu nắng quá, sức mua sẽ giảm đáng kể. Nếu mưa to thì chợ sẽ bị hoãn ngay do các quầy hàng thường nằm ngoài trời và không mấy kiên cố

Bên cạnh đó, một "vấn nạn" khá quen thuộc đang diễn ra nhiều chợ phiên đó là sự xuất hiện của các "Chí Phèo hội chợ". Những người này không đóng tiền mua gian hàng nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để vào khu vực, bày hàng ra bán, ngồi lấn sang địa phận của các shop khác. Điều này cũng gây không ít bức xúc đối với những người tham gia hội chợ. 

"Các Chí Phèo hội chợ thể hiện khả năng quản lý chưa tốt của những người điều hành. Nếu ai cũng như thế thì chúng tôi chẳng dại gì bỏ tiền ra thuê quầy." - Chị Vân bức xúc. 

Thêm vào đó, giá cả thuê quầy ở các hội chợ ngày càng có xu hướng tăng cao khiến nhiều người bán cũng không hài lòng. "Có chợ Y. Garage sale mới tổ chức được hai kỳ. Kỳ đầu giá 500 ngàn/gian, thấy thực hiện thành công thì kỳ sau đã tăng lên 1.5 triệu/gian. Cứ đà tăng như thế thì chúng tôi bán lãi chả bù nổi tiền thuê." - Một tiểu thương cho biết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Những mẹo thời trang hữu ích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN