Xuất khẩu bấp bênh

Thị trường giảm sút buộc các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải “ăn đong” đơn hàng, lãi suất cao kéo dài khiến doanh nghiệp cạnh tranh không lại đối thủ nước ngoài.

Ngày 17-7, tại TPHCM, Bộ Công Thương đã tổ chức họp giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm và bàn hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu.

Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 53,33 tỉ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước chỉ đạt 20,5 tỉ USD, tăng chỉ 4,1%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 32,83 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ.

Chồng chất khó khăn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Trong cơ cấu xuất khẩu 6 tháng, nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt mức 10,44 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này không cao, nếu trừ mặt hàng tiêu hạt tăng giá suốt từ năm 2008 đến nay; các mặt hàng còn lại như gạo, cà phê, cao su… có xu hướng tăng trưởng chậm và đang bị cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm nay, đạt 33,54 tỉ USD và tăng 31,8% so với cùng kỳ nhưng “công lớn” lại thuộc về các DN FDI.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là thị trường. Cầu tại các nước nhập khẩu suy giảm, khả năng thanh toán của khách hàng giảm sút... đang làm nhiều DN phải “ăn đong” đơn hàng, rất bấp bênh. Ngay một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp, nông lâm thủy sản cũng sụt giảm đơn hàng” - ông Biên cho hay.

Cũng theo Bộ Công Thương, nhiều hàng xuất khẩu hiện đang đối mặt với các hàng rào kỹ thuật từ nước nhập khẩu. Nhật Bản vừa áp dụng tiêu chuẩn về Ethoxiqin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Một số lô hàng thủy sản cũng bị cảnh báo từ các nước nhập khẩu do chất lượng chưa bảo đảm, đặt các DN vào nguy cơ mất nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU… Mới đây, hàng rau quả có nguồn gốc từ Việt Nam tiếp tục bị EU cảnh báo nhiễm các loại dịch hại, khu vực này tuyên bố nếu phát hiện thêm lô hàng nào vi phạm sẽ cấm xuất khẩu mặt hàng đó qua EU...

Xuất khẩu bấp bênh - 1

Thủy sản, ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, hiện đang gặp khó khăn

Lãi suất 15%/năm: Doanh nghiệp vẫn “chết”!

Đại diện các hiệp hội ngành hàng cho rằng cái khó của DN hiện nay còn là lãi suất, dù giảm nhiều so với trước đây nhưng mức 15%/năm cũng rất cao và DN nội địa không thể cạnh tranh với DN nước ngoài.

Ông Điền Quang Hiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM, cho rằng DN xuất khẩu muốn tăng giá bán phải đề xuất với đối tác nước ngoài trước 3-9 tháng. Ngược lại, các DN cung ứng nguyên nhiên liệu nội địa chỉ trong một đêm đã báo tăng giá 10%-15% nhưng DN xuất khẩu vẫn phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn. “Đầu ra không tăng được, đầu vào tăng vô tội vạ làm DN xuất khẩu “chết mòn” - ông Hiệp lo lắng.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, than thở: Lãi suất ngân hàng (NH) quá cao suốt một thời gian dài đã khiến hàng loạt DN phá sản. Gần đây, NH Nhà nước nhiều lần yêu cầu các NH thương mại giảm lãi suất, cho vay ưu đãi nhưng DN tiếp cận vốn vẫn rất khó. Đôi lúc, DN phải dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn bởi không thể vay vốn NH.

Vì vậy, ông Nam cho rằng Nhà nước cần kiểm tra, rà soát xem các NH thương mại tuyên bố hạ lãi suất, ưu đãi tín dụng nhưng thực chất có bao nhiêu DN tiếp cận được? “Ngay công ty tôi vừa đầu tư 100 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất gạo nhưng chỉ vay NH được 50 tỉ đồng” - ông Nam bức xúc.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết cho biết: Sau vụ vỡ nợ của Bianfishco (Cần Thơ), người nuôi cá tra không bán chịu cho DN, các NH thương mại xem DN thủy sản là đối tượng rủi ro nên không tăng hạn mức cho vay mà còn “đóng cửa”, chờ đến hạn là đòi nợ, đẩy DN vào chỗ điêu đứng...

Từ ngày 15-7, các NH thương mại phải rà soát đưa các khoản vay vốn cũ của DN về mức 15%/năm theo yêu cầu của NH Nhà nước nhưng nhiều DN tại hội thảo cho biết chưa nhận được thông báo giảm lãi suất của NH. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng ngay cả khi lãi suất cho vay về mức 15%/năm, DN vẫn “chết”như thường! Theo ông, hạ lãi suất về 15%/năm mới là động thái ban đầu, còn suốt 2 năm qua, DN phải chịu mức lãi suất trên 20% nên không sống nổi...

Phập phù thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đạt hơn 6 tỉ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, thị trường Trung Quốc có lúc là cứu cánh cho ngành nông sản nhưng cũng là tai họa! Khi Trung Quốc mở cửa, thị trường đẩy giá lên, DN xuất khẩu trong nước bán hàng được giá nhưng khi họ đóng cửa, mặt hàng này cũng sụp đổ vì giá rớt thê thảm.

Ví dụ, mặt hàng sắn lát, 50% sản lượng xuất khẩu qua Trung Quốc, giá cao nên nhà nhà rủ nhau trồng sắn. Sau đó, Trung Quốc ngừng thu mua khiến người dân khốn đốn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN