Vụ 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần: Có heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc

Sự kiện: Kinh Doanh

Liên quan đến vụ phát hiện 5.000 con heo bị chích thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), chiều 30/9 Chi cục Thú y TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố thông tin chi tiết về vụ việc.

Heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc cũng "dính"

Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành, ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, từ nguồn tin báo của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NN&PTNN và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49)-Tổng cục Cảnh sát - đã phối hợp trinh sát cơ sở giết mổ Xuyên Á hơn 1 tháng qua.

Vào đêm 28 rạng sáng 29/9, đoàn công tác liên ngành quyết định kiểm tra bất ngờ cơ sở này. Thời điểm đoàn kiểm tra có tất cả 5.021 con heo chờ giết mổ trong đó có 200 con tồn đọng của ngày hôm trước.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành bắt quả tang hai nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho một lô heo chờ giết mổ. Tại nhiều lô heo khác, cơ quan chức năng cũng phát hiện có dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần.

Vụ 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần: Có heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc - 1

Ông Phạm Tiến Dũng thông tin về quá trình đoàn kiểm tra trinh sát và bắt quả tang tiêm thuốc an thần vào heo chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Đoàn công tác đã lấy 140 mẫu nước tiểu của heo nghi vấn và trích mẫu dung dịch màu vàng có trong các chai truyền nước biển tại hiện trường để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy, số mẫu thử của 13/21 thương lái dương tính với chất Acepromazine, đây là hoạt chất có trong thuốc an thần.

Với hành vi vi phạm pháp luật về thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm nói trên, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành tạm giữ số heo nghi vấn và xử phạt hành chính đối với 13 thương lái. Trong đó, 2 thương lái bị phạt 35 triệu đồng/trường hợp và 11 thương lái bị phạt 30 triệu đồng/trường hợp.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, đối với thương lái ký cam kết heo không bị tiêm thuốc an thần và sẽ chịu trách nhiệm nếu kết quả xét nghiệm dương tính, đoàn liên ngành đã giải quyết cho giết mổ, số lượng khoảng 587 con.

Số heo còn lại của các thương lái không ký cam kết, đoàn liên ngành vẫn tạm giữ tại chuồng lưu ở cơ sở giết mổ. Nếu kết quả xét nghiệm vào chiều 30/9 không còn tồn dư chất  Acepromazine thì sẽ cho giết mổ. Số heo bị chết sẽ được mang đi thiêu huỷ theo quy định.

Theo TS. Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, vào đêm 28 rạng sáng 29/9, có hơn 3.730 con heo gắn vòng truy xuất nguồn gốc được nhập về cơ sở giết mổ Xuyên Á. Không ít con trong số đó bị phát hiện có tiêm thuốc an thần.

TS Đào Hà Trung cho rằng, không phải heo nào được truy xuất nguồn gốc cũng an toàn, bằng chứng là qua vụ việc heo bị chích thuốc khi chuẩn bị giết mổ này. Với chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo mà TP.HCM đang triển khai thì chỉ kiểm soát được từ trang trại đến cơ sở giết mổ, còn từ cơ sở giết mổ đến tay người tiêu dùng sẽ được triển khai từ ngày 15/10 tới đây.

“Truy xuất nguồn gốc thịt heo là chương trình lớn của Thành phố và nó sẽ góp phần vào việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với quy trình truy xuất này, chúng ta sẽ biết sản phẩm bị lỗi ở khâu nào? Bị can thiệp như thế nào mà từ đó khoanh vùng để xử lý?”, TS Đào Hà Trung chia sẻ.

Sẽ xử lý cán bộ thú y sai phạm

Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho hay, bình quân mỗi ngày cơ sở Xuyên Á giết mổ khoảng 5.000 con heo, chiếm 50% lượng heo tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM. Vụ phát hiện tiêm thuốc an thần cho heo nói trên là rất nghiêm trọng, chi cục đã yêu cầu các cán bộ thú y làm việc tại cơ sở giết mổ cũng như lãnh đạo có liên quan giải trình, báo cáo sự việc.

Theo ông Phát, từ đầu năm đến nay Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện 7 trường hợp chích thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ. Gần đây, các đối tượng đã có sự thay đổi cách thức, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Như trước đây, heo bị tiêm thuốc trước khi đưa về cơ sở giết mổ thì dễ dàng bị lực lượng thú y phát hiện.

Vụ 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần: Có heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc - 2

Số heo bị tạm giữ tại cơ sở giết mổ sẽ tiếp tục được xét nghiệm hàm lượng Acepromazine. 

Lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM cho hay, từ 19h – 22h hằng đêm là khung giờ có số lượng lớn heo được tập kết về cơ sở giết mổ. Trong khi tại cơ sở giết mổ lớn như Xuyên Á thì lực lượng cán bộ thú y chỉ có 17 người, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đủ quân số thường trực.

“Các đối tượng chích thuốc vào heo lợi dụng lúc cán bộ thú y kiểm tra lâm sàng cho heo trước khi giết mổ để hành sự. Đây là lỗ hổng trong quá trình kiểm tra, giám sát tại cơ sở giết mổ mà chúng tôi sẽ phải thay đổi trong thời gian tới”, ông Phát nói.

Ông Phát còn cho biết, hiện chi cục đang phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu sai phạm của cán bộ thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Nếu phát hiện cán bộ nào nhận tiền để bỏ qua sai phạm hay bảo kê cho thương lái vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Về mức xử phạt 30 – 35 triệu đồng cho hành vi tiêm thuốc an thần vào heo như nói trên, theo ông Phạm Tiến Dũng, mức phạt này vẫn chưa tương xứng. Theo ông, thời gian tới Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nên có chế tài buộc phải tiêu huỷ đối với động vật bị phát hiện có tiêm thuốc an thần bên cạnh việc xử phạt hành chính.

Về hành vi sử dụng thuốc an thần tiêm vào lợn trước khi giết mổ, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, tồn dư chất Acepromazine trong thuốc an thần chủ yếu nhằm mục đích làm cho gia súc ngủ li bì, không đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng và gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra chất cấm trước khi giết mổ. 

Thuốc an thần còn làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật không kêu, không giãy giụa, giảm đau đớn để thương lái dễ dàng vận chuyển, thực hiện hành vi bơm nước vào con vật. 

Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu việc sử dụng sai mục đích này không bị phát hiện, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng do thuốc chưa bài thải hết, gây tồn dư trong thịt. 

Một số nguy hại cho người tiêu dùng có thể kể đến như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hoá, bệnh về thận, thần kinh, gây đãng trí, trầm uất, run chân tay…

Thuốc có chứa hoạt chất Acepromazine có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, giúp an thần, chống căng thẳng, thường được sử dụng gây mê trong phẩu thuật. Cục Thú y khẳng định, thuốc có chứa hoạt chất này không thuộc danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong thú y theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 về việc ban hành Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khẩu tại Việt Nam. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh Linh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN