Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin

Sự kiện: Kinh Doanh

Không chỉ giúp bà con từ hộ nghèo phất lên thành hộ giàu mà cây sa nhân ở bản Lồng, xã Tỏa Tình (Tuần Giáo – Điện Biên) còn giúp người dân giữ và bảo vệ được những cánh rừng phòng hộ xanh bạt ngàn dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại.

Cây sa nhân bén duyên với vùng đất bản Lồng, xã Tỏa Tình từ những năm 1990. Nhưng phải từ năm 2010 đến nay, lợi thế hàng hóa của cây sa nhân mới được đồng bào Mông ở bản đây “đánh thức”.

Bản Lồng được thiên nhiên ban tặng điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng cây sa nhân.

Hộ anh Mùa Sáy Tòng là một trong những hộ có diện tích cây sa nhân lớn nhất bản với 4 ha, trồng dưới tán rừng và cây sơn tra. Hàng năm gia đình thu về từ cây sa nhân ngót nghét 100 triệu đồng.

Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin - 1

Anh Mùa Sáy Tòng - bản Lồng, xã Tỏa Tình tậu được nhà bạc tỷ từ 4ha cây sa nhân

Chia sẻ về bí quyết trồng sa nhân, anh Tòng bảo: “Lúc mới trồng sa nhân cũng khó khăn lắm, nào là tưới nước, nào là nhổ cỏ, trông nom... Đối với vùng đất thích hợp như bản Lồng, cây sa nhân trồng rất dễ, chi phí bỏ ra ít, không tốn nhiều như trồng ngô, chỉ mất 2 – 3 năm đầu làm cỏ. Khi cây đã lớn thì mọc kín và lan ra khắp các tán rừng nên hầu như hằng năm chỉ nhổ cỏ từ 1 đến 2 lần. Đợi đến tháng 7 – 8 chỉ việc đi thu quả và tư thương đến tận nơi thu mua”.

Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin - 2

Cây sa nhân bắt đầu ra hoa từ từ tháng 4 đến tháng 7 - 8 cho thu quả

Còn hộ anh Mùa Chù Tú thì phấn khởi, bảo: “Quả sa nhân có giá thành cao, cứ đến mùa là thương lái khắp nơi lại đánh xe về tận nơi thu mua. Nếu không trồng sa nhân chắc giờ gia đình tôi vẫn chưa thoát nghèo đâu.

Sa nhân là cây xóa đói giảm nghèo ở bản chúng tôi. Từ khi cây sa nhân về với bản đây, không ít hộ nghèo đã bứt phá lên thành hộ khá giả. Nhiều hộ gia đình đã sắm được các vật dụng sinh hoạt hiện đại như: Tivi, tủ lạnh, xe máy... dựng được ngôi nhà khang trang. Điển hình như hộ: Anh Mùa Sáy Tòng, Mùa Chống Và, Mùa Chứ Vừ…”

Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin - 3

Để cây sa nhân cho sai quả nên trồng ở những vùng đất núi đá, đất pha cát, dễ thoát nước, nơi có sương mù dày đặc vào buổi sáng và ban đêm

Có thể nói, hiện nay trồng sa nhân đang là một trong những hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Nhất là ở các bản, xã vùng cao quanh năm bà con chỉ biết gắn bó với nương ngô, nương sắn...

Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao, trồng sa nhân còn giúp bà con có trách nhiệm bảo vệ rừng rất tốt. Cây sa nhân chỉ phát triển tốt và đậu nhiều quả ở những vùng có độ ẩm cao, dưới tán rừng, có sương mù bao phủ vào buổi sáng và ban đêm. Vì vậy chỉ còn cách trồng sa nhân ở các triền đồi dốc dưới tán rừng.

Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin - 4

Lán tạm được bà con dựng ngay tại rừng sa nhân để trông "miếng cơm" và bảo vệ rừng

Ông Mùa A Và – Già bản Lồng, bảo: “Theo tôi, trồng sa nhân dưới tán rừng là phương cách tốt nhất để người dân quản lý và bảo vệ rừng. Năm 2017 vừa rồi, mặc dù mất mùa nhưng giá quả sa nhân khô vẫn dao động từ 600 – 700 nghìn đồng/kg. Sa nhân mang lợi ích quá lớn so với cây trồng khác. Muốn giữ “miếng cơm, manh áo” thì người dân phải gắn chặt với rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng để giữ cây sa nhân của mình. Trồng sa nhân dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, bảo vệ tài nguyên rừng, tăng độ phì nhiêu cho đất...”.

Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin - 5

Việc tuần tra rừng được một số thanh niên trong bản thực hiện thường xuyên

Được biết bản Lồng, xã Tỏa Tình là nơi có diện tích sa nhân lớn nhất huyện Tuần Giáo với trên 30 ha. Bây giờ cả bản nhà nhà đều trồng sa nhân. Cứ vào dịp mùa khô và mùa đậu quả, mỗi hộ gia đình đều có từ 1 – 2 người thường trực 24/24h và ăn ngủ ngay tại diện tích sa nhân dưới tán rừng để bảo vệ sinh kế của mình.

Trồng sa nhân vừa có tiền lại giữ rừng phòng hộ dưới chân đèo Pha Đin - 6

"Hằng năm, bà con có 2 nguồn thu chính trên một đơn vị diện tích rừng: Từ cây sa nhân và Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi cây sa nhân cho "trái ngọt", khu rừng sa nhân của bản chúng tôi chưa xảy ra bất kỳ vụ cháy nào" - ông Mùa A Và hồ hởi, bảo vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuệ Linh (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN