Thịt nội có “đối thủ” trên sân nhà

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong lúc ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn chưa chặn được tình trạng tồn dư chất cấm, kháng sinh thì thịt ngoại chất lượng cao tràn về

Nếu như trước đây, thịt ngoại từ các nước Âu, Mỹ vào Việt Nam với số lượng còn khiêm tốn, thuế cao nên giá thành cũng đội lên thì tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, người tiêu dùng Việt sẽ có thêm nhiều lựa chọn với các loại thịt gia súc, gia cầm ngoại giá rẻ hơn, còn người chăn nuôi và doanh nghiệp (DN) trong nước phải chịu sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.

Mở toang thị trường

Theo bà Carlotta Colli, Tổng Lãnh sự Ý tại TP HCM, ẩm thực Ý khác biệt so với Việt Nam nên kích thích người Việt dùng thử. Đối với các sản phẩm chế biến từ thịt (thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, thịt muối…), năm 2015, kim ngạch xuất khẩu từ Ý sang Việt Nam đạt 24 triệu euro, tăng 10% so với năm 2014. Đã có nhiều DN Việt Nam nhập thịt chế biến từ Ý về thái nhỏ, đóng gói và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sau thịt chế biến, Ý đang nỗ lực đưa thịt bò (dạng tươi và đông lạnh) sang Việt Nam. Bà Carlotta Colli cũng lưu ý các sản phẩm này sản xuất từ Ý, xa thị trường Việt Nam nên cần hạ tầng kỹ thuật nhất định để bảo quản, bảo đảm sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam vẫn ngon như ở Ý.

Thịt nội có “đối thủ” trên sân nhà - 1

Thịt chế biến từ Ý đang được ưa chuộng tại Việt Nam

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí đầu tháng 11 vừa qua tại TP HCM, đại diện các DN EU tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ về việc tìm kiếm đối tác xuất khẩu thịt bò, thịt heo và phụ phẩm gà. Theo ông Knud Buhl, đại diện Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch, qua nghiên cứu thị trường thì người Việt Nam rất thích ăn thịt heo (chiếm hơn 60% trong cơ cấu tiêu thụ thịt). Ở những thời điểm Việt Nam cung cấp không đủ, đặc biệt là thịt sạch, Đan Mạch sẽ tham gia cung cấp hàng.

Không chỉ EU, trong tháng 11, Canada cũng đang quảng bá “hương vị” thực phẩm của nước này tại Việt Nam, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là thịt bò và thịt heo. Theo Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, từ tháng 12 -2016 đến cuối tháng 1-2017, thịt bò Canada sẽ được phục vụ tại Yakiniku Buffet, các nhà hàng SumoBBQ của Tập đoàn Golden Gate tại Hà Nội và TP HCM.

Thịt nội sẽ... lép vế!

Ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ THO chuyên nhập khẩu thịt, cho biết những năm gần đây, tốc độ nhập khẩu thịt bò luôn tăng 100%. Nguồn thịt nhập chủ yếu từ Mỹ, Canada (đông lạnh) và bò sống nguyên con từ Úc. Từ năm ngoái đến nay, xuất hiện thêm nguồn thịt từ các nước EU sau khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm.

“Dự báo thời gian tới, nguồn thịt từ EU sẽ tăng mạnh khi người tiêu dùng bắt đầu quen và các chuyến đi xúc tiến thương mại của DN EU chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam vừa hoàn tất quá trình đàm phán. Hiện tại, thuế nhập khẩu thịt từ EU là 14%-30% (tùy loại) và có khả năng giảm còn 5% vào năm 2018. Nguồn thịt từ EU nổi tiếng ngon số 1 thế giới nên sẽ không khó chinh phục người tiêu dùng Việt với giá cạnh tranh nhờ thuế giảm” - ông Thơ dự báo.

Theo đại diện hệ thống siêu thị US. Mart tại TP HCM, trước nhu cầu của người tiêu dùng, US. Mart xúc tiến nhập khẩu các loại thịt thượng hạng từ Mỹ, bổ sung cho thị trường trước giờ phần lớn chỉ nhập loại trung bình.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho rằng việc các DN EU mở thị trường Việt Nam để đón đầu hiệp định thương mại tự do là điều tất yếu cũng như DN Việt ra thị trường nước ngoài. Họ sang Việt Nam phải tuân thủ luật và DN Việt phải chấp nhận cạnh tranh. Ông Mười đánh giá các DN EU mạnh về tài chính, quản trị, thị trường và DN Việt phải chủ động tìm hiểu đối thủ để tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình vì nếu ngồi một chỗ mà lo âu sẽ không được gì.

Theo TS Nguyễn Đức Lộc, Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, ngành chăn nuôi Việt Nam chủ yếu cung cấp nội địa và một phần xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc nhưng khá bấp bênh. Khảo sát nhanh của trung tâm cũng cho thấy khi có những thông tin về sản phẩm chăn nuôi mất an toàn thực phẩm, có 8,3% người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt nhập khẩu.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ mẫu thịt không bảo đảm an toàn vẫn cao, khoảng 11%; trong đó tỉ lệ mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng là 1,3%. Điều này ảnh hướng rất lớn đến tính cạnh tranh của thịt nội với thịt nhập khẩu.

Ý KIẾN

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

Tăng sức cạnh tranh

Từ ngày 10-12, TP HCM sẽ bắt đầu triển khai thí điểm việc quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn

TP HCM. Theo đó, việc quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, siêu thị và chợ lẻ. Với việc ứng dụng công nghệ để nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, người tiêu dùng có thể kiểm tra các thông tin liên quan các quy trình từ trang trại đến quầy bán lẻ ở siêu thị/chợ; bao gồm cả tên trang trại/lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, nhập vào quầy sạp nào…

Đề án này nhận được sự tham gia của khá nhiều trang trại, lò giết mổ, kênh phân phối sỉ/lẻ và cả người tiêu dùng…; tất cả chủ thể đều hướng tới mong muốn thông qua đề án sẽ chấn chỉnh lại thị trường, quản lý được nguồn gốc thịt heo, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Đến giờ phút này, ban đề án nhận được sự hợp tác tốt của các chủ thể và cơ quan chức năng các tỉnh Đông Tây Nam Bộ (vì 80% lượng thịt heo tiêu thụ ở TP HCM mua từ các tỉnh) trong việc phối hợp thực hiện, giám sát chương trình.

Dự kiến, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đề án sẽ bước sang giai đoạn 2 quản lý quy trình khép kín từ khi heo con mới sinh ra cho đến giết mổ, phân phối. Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thịt heo sẽ giúp thay đổi dần tập quán chăn nuôi, sản xuất; hướng đến chăn nuôi lớn, đầu tư bài bản, hiện đại… để nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường và tăng sức cạnh tranh của mặt hàng thịt heo trên thị trường nội địa. Trên cơ sở đó, xây dựng ngành nông nghiệp chăn nuôi phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi tại sân nhà.

Ông BẠCH ĐĂNG QUANG, Giám đốc HTX Tân Hiệp - chủ đầu tư Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP HCM):

Hướng đến gia công xuất khẩu

Theo kế hoạch, nhà máy giết mổ heo công nghiệp hiện đại theo chuẩn HACCP của HTX sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 với công suất 2.000 con/ngày. Nhà máy sử dụng công nghệ giết mổ của Đức với kinh phí đầu tư dây chuyền giai đoạn 1 từ 300-500 tỉ đồng nên bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm và đạt chuẩn quốc tế.

Nhằm mục tiêu phục vụ thịt chất lượng cao cho người tiêu dùng, HTX đang kết nối với vùng nguyên liệu để kiểm soát từ khâu chăn nuôi. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư quá lớn nên giá thành thịt có thể sẽ tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với thịt heo mổ thủ công hiện nay. Nếu như các lò mổ thủ công vẫn tồn tại khi nhà máy công nghiệp ra đời thì chúng tôi cạnh tranh rất khó. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho dự án, chúng tôi phải tính đến việc gia công xuất khẩu. Hiện một tập đoàn thực phẩm của Brazil có kế hoạch phát triển thị trường ở châu Á đã “đánh tiếng” để đưa nhà máy Tân Hiệp thành vệ tinh, gia công thịt theo yêu cầu của họ để giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, cũng có một số DN Nhật có kế hoạch mở trại heo tại Việt Nam và thuê nhà máy giết mổ để xuất khẩu về Nhật.

Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:

Cạnh tranh phải lành mạnh

Là người chăn nuôi, chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh nhưng phải lành mạnh. Tôi đã sang các nước Mỹ, Canada… và thấy người tiêu dùng mua thịt với giá tương đương Việt Nam. Vậy tại sao giá thịt nhập khẩu tại Việt Nam lại rẻ?

Hiện nay, nhà nước muốn người chăn nuôi sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thì DN nhập khẩu cũng phải thực hiện điều này. Thịt nhập khẩu cũng cần có thông tin về đường đi từ nơi nuôi, giết mổ, ngày giết mổ, vận chuyển… để tránh tình trạng thịt heo ngoại kém chất lượng tràn về. 

Ng.Ánh - Th.Nhân ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN