Rập rình giá điện

Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến kỳ hạn ngành điện được phép điều chỉnh tăng hay giảm giá điện theo đúng tinh thần Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá điện nếu cơ cấu đầu vào có sự thay đổi.

Có nhiều dấu hiệu bề nổi cho thấy kỳ vọng giá điện có lên có xuống như những gì mà ngành điện và Bộ Công Thương đưa ra trước đó là có cơ sở do thời tiết mát mẻ kéo dài trong các tháng vừa qua, nước về hồ thủy điện nhiều, giá mua điện của EVN từ các nhà máy tham gia thị trường điện cạnh tranh có giảm…
Ngay các thông tin từ chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra cho thấy ngành điện đang triệt để khai thác lợi thế thủy điện. Cụ thể, trong tháng 8, các nhà máy thủy điện được tập trung huy động ở mức cao nhất từ đầu năm. Các nhà máy thủy điện Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải xả lũ dù đã chạy hết công suất.

Số liệu thống kê cho thấy tháng 8, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 10,5 tỷ kWh. Điện do EVN và các đơn vị thành viên sản xuất chiếm tới 5,914 tỷ kWh (tương đương 56,3%), trong đó điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện đã chiếm hơn 50%.

Hơn 40% lượng điện còn lại được EVN mua lại từ các nguồn bên ngoài, trong đó các nguồn điện giá cao nhất là nhiệt điện dầu và nhà máy tuabin khí chạy dầu không được EVN huy động.

Rập rình giá điện - 1
Kiểm tra an toàn đường điện vào nhà dân.

Các nguồn điện khác như than chỉ được huy động ở mức thấp, chiếm 8,2% sản lượng, nhà máy điện nhỏ đóng góp 4,9% và mua điện Trung Quốc chỉ chiếm 2%. Chỉ nhìn các cơ cấu phát điện cũng có thể thấy chắc chắn EVN đang hưởng lãi từ sản xuất, kinh doanh điện.

Bản thân EVN cũng không giấu dếm mục tiêu vận hành hệ thống điện trong tháng 9 là sẽ tiếp tục là khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện để tận dụng các đợt nước về cuối mùa lũ chính vụ và đảm bảo mục tiêu tích nước cuối năm.

Câu chuyện ngành điện tính toán thế nào với giá điện khi đến hạn cho phép được điều chỉnh giá đang là câu hỏi ngỏ. Trong khi trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, Đặng Huy Cường cũng xác nhận việc điều chỉnh giá điện trong những tháng tới của năm 2012 vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Lý do là việc điều chỉnh giá điện phải căn cứ trên giá thành của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh bán lẻ của cả năm. Do vậy, dù có yếu tố thủy điện được huy động tối đa do lũ về nhiều trong những tháng qua không có nghĩa là giá điện sẽ tăng hay giảm.

Việc điều chỉnh phải căn cứ theo chi phí phát điện thực tế và chi phí phát điện theo kế hoạch theo phương án giá điện năm 2012.

Theo ông Cường, trước 1-10, EVN sẽ phải tính tổng chi phí giá thành sản xuất 1 kWh xem có tăng hay giảm.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá còn phải tính tới việc phân bổ chi phí lỗ của các năm trước chưa được phân bổ vào giá điện trước khi trình lên liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Căn cứ tình hình thực tế Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ trả lời hoặc trình Thủ tướng quyết định. Với việc phát thủy điện nhiều trong tháng 7 và 8 thì cũng chưa đủ căn cứ nói điều chỉnh giá điện mà phải cộng dồn 3 tháng lại.

Cũng theo tuyên bố cách đây vài tháng của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN về việc ngành điện sẽ phải tính toán, phân bổ số lỗ tích lũy lên tới 26.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá vào giá điện.

Tính bình quân trong 4 năm từ nay đến 2015, lỗ chênh lệch tỷ giá được phân bổ vào giá điện bình quân là 6.600 tỷ đồng/năm nên dù cơ cấu đầu vào của giá điện có giảm nhưng sẽ khó có chuyện giảm giá vì EVN sẽ lấy lý do phải bù lỗ để đưa vào giá điện, thậm chí không loại trừ chuyện giá điện có thể sẽ còn tiếp tục tăng và người dân phải chờ xem động thái tính toán của ngành điện trong những ngày sắp tới. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên (báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN