Doanh nghiệp "sốc" vì giá điện tăng

Ngày 1.7, EVN chính thức phát điện cạnh tranh và cũng chính thức tăng giá điện lên 5%. Việc tăng giá điện vào thời điểm kinh tế khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Lập - TGĐ Cty may liên doanh Kyung Viet (Hưng Yên) - thì việc tăng giá điện trong thời điểm này là chưa hợp lý vì suy thoái kinh tế, nhiều DN đang phải sản xuất cầm cự. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu hàng dệt may đang giảm do khủng hoảng nợ công ở Châu Âu. Do vậy, các Cty may đang sản xuất chậm lại và các đơn hàng đang giảm mạnh ở 3 thị trường lớn là EU, Mỹ và Nhật Bản, trong đó có thị trường đã giảm đến hơn 20%.

Ông Lập cho biết, là một DN may nên chi phí của điện chiếm từ 18 - 25% chi phí giá thành. Theo mức giá bán điện bình quân mới 1.369đ/kWh, thì độ chi phí của DN sẽ tăng lên từ 1 - 2%. Đối tác nước ngoài không quan tâm đến các chi phí của mình, họ chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm và giá cả. Hiện nay, trong lúc các thị trường khó khăn họ cũng ép hạ giá. Kyung Viet hiện có hơn 300 máy may, trước đây bình quân mỗi tháng Cty phải trả 160 triệu đồng tiền điện, nhưng nay dự kiến mỗi tháng DN phải trả khoảng 200 triệu đồng, như vậy mỗi tháng chúng tôi phải trả thêm khoảng 35 - 40 triệu đồng.

“Để duy trì sản xuất kinh doanh chúng tôi đã phải đưa ra 2 giải pháp là nâng cao năng suất LĐ, tiết kiệm tối đa điện lãng phí. Ngoài ra, điện phục vụ sản xuất kinh doanh thực tế không thể tiết kiệm được chúng tôi lắp đặt đường dây và công tắc vào từng máy, từng đèn thay cho bật cả giàn trước đây” - ông Lập nói.

Doanh nghiệp "sốc" vì giá điện tăng - 1

Tăng giá điện, doanh nghiệp may khốn đốn. (Ảnh minh họa)

Đại diện Cty môi trường xanh KCN Nam Sách, Hải Dương - ông Nguyễn Văn Sơn - cho biết là Cty chuyên xử lý các chất thải nguy hại trong công nghiệp, do vậy lượng điện dùng trong sản xuất kinh doanh cũng rất lớn, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của Cty, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Vì giá điện tăng đồng nghĩa với việc giá thành sẽ bị đội lên, trong khi đó giá dịch vụ không tăng và còn có chiều hướng giảm.

Năm 2012 là một năm khó khăn với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, nhiều DN đang hoạt động cầm chừng ở mức duy trì, do đầu vào đầu ra đều khó cộng với giá điện sẽ đẩy giá thành sản xuất kinh doanh lên cao. Như vậy, doanh nghiệp sẽ khó tìm đối tác và thị trường trong bối cảnh hiện nay. Điện tăng, giá xăng giảm nhưng cước vận tải không giảm. Do vậy, cần phải nghiên cứu kỹ thời điểm để giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - chủ cửa hàng sản xuất cửa sắt trên đường Đê La Thành - cho biết, năm nay làm ăn khó khăn, ế ẩm, phải nuôi hơn chục thợ. Giá cả thì theo thị trường, không thể tăng giá được, giờ tăng giá điện làm chúng tôi thực sự khó khăn. Việc tăng giá điện, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh là thiệt nhất, vì hàng tồn kho không bán được, nợ ngân hàng, tiền thuê cửa hàng... Cần có lộ trình hợp lý để cân đối thị trường cùng phát triển hài hòa, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.

EVN nên cố gắng giảm thất thoát hơn là tăng giá

"Trong lúc nền kinh tế như thế này thì tăng giá điện là không phù hợp, càng dồn DN vào tình cảnh đã khó khăn càng khó khăn hơn và theo tôi thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Hiện nay, cơ bản EVN liên tục kêu lỗ nhưng tôi cho rằng có nhiều cách để giảm lỗ như giảm thất thoát; tăng cường công tác quản lý…, thay vì chọn giải pháp tăng giá điện như hiện nay. Tất nhiên là cũng phải thấy việc tăng giá điện cũng có mặt tích cực là buộc các DN phải tìm cách cải thiện công nghệ, nhất là các ngành sử dụng nhiều điện để tiết kiệm năng lượng, nếu không muốn giá thành sản phẩm mình làm ra tăng quá cao. Việc tăng giá điện sẽ kéo theo việc tăng giá các loại hàng hóa là khó tránh khỏi".

TS Nguyễn Quang A

Cú sốc lớn với doanh nghiệp ximăng

Chưa tính đợt điều chỉnh lần này, giá bán điện cho ngành ximăng từ năm 2011 đến nay đã tăng 19%, cùng với các nguyên liệu đầu vào như than từ năm 2011 đến nay tăng 170%; dầu tăng 40%; lãi suất ngân hàng quá cao, chênh lệch tỉ giá ngoại tệ thay đổi; tiếp cận nguồn vốn khó... là những nguyên nhân khiến ngành ximăng đang rất khó khăn. Hiện giá ximăng bình quân lò quay rơi vào mức từ 1 - 1,2 triệu đồng/tấn; ximăng lò đứng khoảng 800.000 - 950.000 đồng/tấn. Đấy là giá danh nghĩa không hạ, không tăng nhưng thực chất để bán được hàng, nhiều DN đang áp dụng các hình thức giảm giá, khuyến mãi giảm thêm từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn, vì vậy lợi nhuận càng bị co lại. Trong khi mức tồn kho lên tới khoảng 6 triệu tấn, cung lớn hơn cầu, sức mua trong dân giảm mạnh mà lúc này ngành điện lại tăng giá thì quả là một cú sốc lớn với các DN ximăng chúng tôi. Phần lớn các DN ximăng từ đầu năm đến nay đều thua lỗ, một số nhà máy phải ngừng một phần dây chuyền sản xuất, với việc tăng giá điện lần này càng đẩy các DN rơi vào tình cảnh lâm nguy hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Tiến - Phạm Huệ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN