Quản lý xăng dầu như “kiến trong chảo”

Cứ Quốc hội họp là giá xăng giảm, phải chăng cơ quan quản lý cũng như Petrolimex đang muốn xoa dịu dư luận?

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, một chuyên gia về Luật Cạnh tranh, cho rằng trong phiên chất vấn liên quan đến thị trường xăng dầu ngày 12-11, hai bộ Tài chính và Công Thương chỉ trả lời chung chung. Ông cho rằng cả hai bộ phải nói rõ trước Quốc hội, người dân rằng hiện cơ chế quản lý xăng dầu hợp lý chỗ nào và chưa hợp lý chỗ nào...

Chưa biết kiểm soát bằng Luật Cạnh tranh

. Ông còn băn khoăn gì từ những chất vấn cũng như trả lời của hai bộ trưởng trên?

+ TS Nguyễn Ngọc Sơn: Ở góc độ điều hành giá, tôi nhận thấy chúng ta đang loay hoay như kiến trong chảo. Trong phiên chất vấn, có đại biểu đặt câu hỏi rất hay: “Cứ Quốc hội họp thì giá xăng giảm?”. Tôi rất tâm đắc với câu hỏi này bởi bản thân tôi cũng có cảm giác Tổ giám sát giá xăng dầu đồng ý giảm giá xăng 500 đồng/lít là để cơ quan quản lý có cớ dễ giải trình trước Quốc hội.

Thực tế hiện nay chúng ta chưa tìm ra cơ chế quản lý phù hợp với điều kiện của thị trường xăng dầu đang tồn tại các mâu thuẫn khá lớn. Thứ nhất, nếu muốn xăng dầu theo giá thế giới thì phải trả nó về với thị trường. Thế nhưng khi trả về thị trường, để doanh nghiệp (DN) tự định giá thì người dân chưa yên tâm bởi vẫn tồn tại “anh cả” Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) quá lớn, ai cũng e ngại DN này độc quyền, chi phối giá cả. Mâu thuẫn thứ hai, Nhà nước kiểm soát giá thì lại xảy ra tình trạng DN kêu lỗ.

Để giải quyết hai mâu thuẫn trên, dưới góc độ người nghiên cứu, tôi cho rằng hãy đặt các DN xăng dầu về đúng thị trường của họ và chìa khóa tốt nhất mà cơ quan quản lý cần dùng để kiểm soát là Luật Cạnh tranh.

. Nhưng thưa ông, nhiều người vẫn lo lắng Luật Cạnh tranh của ta hiện chưa đủ mạnh?

+ Đúng, Luật Cạnh tranh của chúng ta còn yếu vì rất nhiều lý do. Luật này chưa với tay được đến các DN độc quyền lớn của nền kinh tế. Nó mới chỉ với đến được anh nào độc quyền ở thị trường nhỏ. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về Luật Cạnh tranh vẫn còn yếu. Từ đây dẫn đến hệ lụy là cơ quan quản lý chưa sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ pháp lý đã có để kiểm soát giá cả.

Quản lý xăng dầu như “kiến trong chảo” - 1

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, chìa khóa để kiểm soát độc quyền doanh nghiệp xăng dầu tốt nhất chỉ có Luật Cạnh tranh. 

Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã xuất hiện những “ông vua” (tập đoàn), chi phối mạnh mẽ giá cả. Điều đó dẫn đến sự phẫn nộ lớn của người dân. Vì vậy, vào thời điểm đó, người ta đã nhận ra rằng cần phải có một bộ luật khống chế giá, khống chế khả năng quyết định giá của những DN quá lớn muốn độc quyền. Đây là sự khởi đầu để luật cạnh tranh các nước ra đời nhằm kiểm soát những “ông vua” độc quyền. Như vậy, tôi nhắc lại, chìa khóa để kiểm soát độc quyền DN tốt nhất chỉ có Luật Cạnh tranh.

Phải rõ ràng con số lỗ, lãi thường xuyên!

. Trong kết quả Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, Petrolimex chỉ còn chiếm 48% thị trường xăng dầu. Con số này có phản ánh đúng thực tế?

+ Hiện nay, điều mà người dân quan tâm nhất không phải là con số thị phần của Petrolimex bao nhiêu mà là quyền lực thị trường của DN này đến đâu. Xăng dầu là một thị trường lớn. Con số 48% chỉ nói được tỉ trọng của một DN trên tổng tỉ trọng của cả thị trường rộng lớn này. Cơ quan quản lý cần chỉ ra được Petrolimex đang chi phối thị trường ở khâu nào, chi phối mặt hàng xăng hay mặt hàng dầu…? Theo quan điểm của tôi, dường như do bị dư luận chỉ trích con số thị phần 60% của Petrolimex trước đó nên cơ quan quản lý liền xoa dịu bằng cách nói thị phần của DN này chỉ còn 48%? Không thể nói chung chung như vậy được. Người dân cần được thông tin rõ ràng, minh bạch và tất nhiên là phải thường xuyên.

. Kết quả kiểm toán trên là của năm 2011 trong khi lúc này đã gần cuối năm 2012. Ông nhận định gì về điều này?

+ Việc kiểm toán công bố vào thời điểm này, theo quy định thì họ không sai. Tuy nhiên, tôi băn khoăn một điều rằng phải đến gần hết một năm sau thì người dân mới được biết đến các con số kinh doanh của Petrolimex từ năm trước đó (2011). Và nếu cứ để như vậy thì đến cuối năm 2013, người dân lại tiếp tục được nghe số lỗ của Petrolimex trong năm 2012? Làm như vậy rất khó để người dân giám sát, nhất là giám sát các DN xăng dầu.

Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng hướng đến một cơ chế quản lý minh bạch. Ở đó, tất cả các con số lỗ, lãi của DN nhà nước được công khai thường xuyên. Người đứng đầu phải giải thích thấu đáo nguyên nhân vì sao lỗ hoặc lãi? Khi cơ quan quản lý nhận trách nhiệm thay người dân giám sát thì họ phải thông qua website của mình công khai các con số đó, chứ không thể chờ DN làm.

. Xin cảm ơn ông.

Đã lấy tiền của dân để đầu tư là phải công khai!

Kiểm toán là để minh bạch hóa và báo cáo với cổ đông. Tùy vào đặc thù từng DN hay ngành hàng, thời gian kiểm toán có thể kéo dài. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, tháng nào cơ quan này cũng nắm được con số tài chính của DN trực thuộc. Như vậy, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể công bố báo cáo của DN đó thường xuyên kèm yêu cầu kiểm toán để người dân được biết. Cá nhân tôi cho rằng cái gì đã lấy tiền của dân là phải công khai. Con số lỗ, lãi của Petrolimex cũng là tiền từ ngân sách nhà nước đầu tư, vậy thì chuyện công khai là bình thường. Và chúng ta phải để người dân giám sát thường xuyên việc này.

Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN