Quá tiếc: Nông sản xuất khẩu không có tên, mất đi một nửa giá trị

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ tại kì họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề đầu ra cho nông sản hiện nay rất nóng bỏng, cần tập trung khắc phục tình trạng được mùa mất giá để nông dân yên tâm sản xuất.

Trao đổi về vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) cho biết, theo báo cáo năm 2018, công tác xuất khẩu nông sản tăng rất tốt. Năm 2017 xuất khẩu khoảng 36,5 tỷ USD. Năm 2018 dự kiến xuất khẩu khoảng 40 đến 40,5 tỷ USD. Đại biểu nhấn mạnh, điều rất đáng mừng là một số sản phẩm nông sản mới đã có thị trường xuất khẩu.

Quá tiếc: Nông sản xuất khẩu không có tên, mất đi một nửa giá trị - 1

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ). Ảnh: quochoi

"Xuất khẩu nông sản từ lâu nay vẫn luôn đối mặt với nhiều khó khăn, các rào cản về kỹ thuật, thuế quan của các nước nhưng kim ngạch vẫn tăng. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp và của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã rất năng động, cố gắng lớn trong giải quyết các khó khăn, đẩy ngành nông nghiệp trong nước đi lên" - ĐB Phương nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, cái khó nhất của ngành nông nghiệp là thương hiệu nông sản. Hiện nay đến 90% nông sản xuất thô. Nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam như cá tra, cá basa, cà phê… nhưng thương hiệu, tên tuổi đều là của nước ngoài.

Ông Phương cho rằng, nếu có thương hiệu cùng với lượng xuất khẩu đó thì giá trị có thể tăng gấp đôi và nếu cải tiến nông nghiệp công nghệ cao, tăng sản lượng với cùng một diện tích thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.

Dẫn chứng là tại khu vực ĐBSCL hiện nay, sản xuất gạo đang chiếm 50% sản lượng gạo quốc gia, đặc biệt có tới 90% gạo xuất khẩu là từ ĐBSCL; ngoài ra vùng này còn chiếm 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản khai thác và 74% giá trị và sản lượng thủy sản nuôi trồng. Với những con số này, cộng với nỗ lực tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng diện tích, tăng sản lượng nhưng giá trị thực lại không tăng thì là điều rất đáng tiếc.

Quá tiếc: Nông sản xuất khẩu không có tên, mất đi một nửa giá trị - 2

ĐBSCL đang dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thuỷ sản, tuy nhiên sản phẩm chế biến sâu còn chiếm tỉ lệ thấp, vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô. Ảnh minh hoạ: I.T

"Do đó tôi kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này, nếu không cải thiện thì phát triển kinh tế các vùng trọng điểm nông nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cũng cần có báo cáo thêm về tiến trình xây dựng các thương hiệu nông sản chủ lực đến đâu và lộ trình đến bao giờ thực hiện xong?" - ĐB Phương nêu câu hỏi.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thanh Phương cũng đề nghị Chính phủ sau khi sơ kết 3 năm nên có sơ kết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội các vùng trọng điểm, vùng đặc thù để thấy được tình hình cụ thể, chính sách nào đang có tác động phát triển, chính sách nào chưa có cần bổ sung những gì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN