Ô tô khổ sở vì nhập nhằng quy định

Sự kiện: Kinh Doanh

Hiệu lực nhập nhằng, thông tư về nhập khẩu ô tô gây khó cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hàng hóa không thể thông quan vì chờ… chính sách.

“Theo Thông tư 20/2011, Bộ Công Thương yêu cầu các công ty nhập khẩu ô tô phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp mới được thông quan. Thế nhưng Bộ GTVT đã dừng cấp loại giấy này” - đại diện một công ty nhập khẩu ô tô bức xúc.

Vẫn phải chờ các bộ

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô như là một điều kiện để được nhập khẩu, thông quan. Trong đó Bộ Tài chính nêu rõ Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ chín chỗ trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp bổ sung giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.

Ô tô khổ sở vì nhập nhằng quy định - 1

Hiện Thông tư 20 của Bộ Công Thương chưa được bãi bỏ hoặc thay thế nên cơ quan hải quan vẫn căn cứ vào quy định tại thông tư này để thực hiện thủ tục hải quan đối với ô tô từ chín chỗ trở xuống nhập khẩu.

Tuy nhiên, Quyết định số 2257 của Bộ GTVT nêu rõ Thông tư 19 của Bộ GTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu ô tô đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Điều này có nghĩa Bộ GTVT không cấp giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng cho ô tô nhập khẩu từ chín chỗ trở xuống nữa.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn xử lý đối với trường hợp nhập khẩu ô tô từ chín chỗ trở xuống để không gây khó khăn cho DN nhập khẩu ô tô.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, một DN là “nạn nhân” của Thông tư 20 nói: “Chính vì sự nhập nhằng này, các công ty nhập khẩu xe đang gặp rất nhiều vướng mắc. Điều này khiến các công ty nhập khẩu ô tô không chỉ thiệt hại về lợi nhuận mà còn mất thời gian và các chi phí khác”.

Ô tô khổ sở vì nhập nhằng quy định - 2

Các công ty nhập khẩu ô tô thiệt hại lớn vì chờ quy định mới.  Trong ảnh: Ô tô nhập về tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM. Ảnh: KC

Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty Ô tô Đông Hải, cho hay công ty ông may mắn được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện tới giữa năm 2017. Tuy nhiên, công ty vẫn lo lắng vì chưa biết khi nào Bộ GTVT sẽ cấp lại giấy chứng nhận trên. Trong thời gian chờ chính sách mới ban hành thì những DN có giấy chứng nhận hết hạn được hỗ trợ, xử lý như thế nào… vẫn chưa rõ.

Nhiều công ty nhập khẩu ô tô khác tại TP.HCM cũng cho hay đã phản ánh những vướng mắc trên tới các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết và vẫn phải… chờ.

Không nên vương vấn nữa

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói nếu chiếu theo Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và đặc biệt là Hiến pháp thì Thông tư 20 trái luật, vi hiến.

Hơn nữa, dựa vào những cam kết liêm chính và kiến tạo phát triển mà Thủ tướng đã từng tuyên bố, TS Cung cho rằng Chính phủ đã cam kết như thế thì không nên duy trì Thông tư 20. Nếu bỏ Thông tư 20 một cách dứt khoát, đúng luật thì Chính phủ sẽ gửi thông điệp rất tích cực cho môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tạo niềm tin và động lực cho khu vực tư nhân trong nước nếu thông tư này được bãi bỏ.

“Theo tôi, xét cả về mặt pháp lý, thực tiễn và quản lý nhà nước, không còn cơ sở nào để vương vấn với Thông tư 20” - TS Cung nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận định căn cứ theo Luật Đầu tư 2014 và Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì từ ngày 1-7-2016, Thông tư 20 đương nhiên hết hiệu lực.

Theo LS Đức, việc công bố Thông tư 20 hết hiệu lực, theo đúng pháp luật, đã chậm trễ tám tháng. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi của các công ty nhập khẩu ô tô.

“Bộ Công Thương phải tuyên bố Thông tư 20 hết hiệu lực. Nếu chần chừ sẽ còn gây khó khăn cho các cơ quan khác như hải quan chẳng hạn” - LS Đức nhận định.

Xe nằm ở cảng đã lâu

Các DN chúng tôi nhập xe về phải nằm ở cảng càng lâu, chi phí càng tốn kém. Nhiều lô hàng đặt ở nước ngoài và đã thanh toán nhưng không dám mang xe về vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Các DN chịu thiệt hại nhiều bề.

Chúng tôi mong rằng các bộ, ngành trước khi bãi bỏ hoặc ra văn bản, chính sách nào đều phải lấy ý kiến của các bộ, ngành và của DN chịu ảnh hưởng, để khi thông tư hay nghị định đó ra đời đều có sự đồng thuận và thống nhất của các ngành và DN. Còn nếu chính sách mỗi bộ quản lý một kiểu như hiện nay thì các DN cũng không thể lớn được mà chỉ ngày càng bé đi và có nguy cơ giải thể.

Ông NGUYỄN TUẤN, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc

Yêu cầu bãi bỏ

Các DN, hiệp hội DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các cơ quan liên quan hoàn toàn có thể yêu cầu Bộ Công Thương chính thức lên tiếng về việc Thông tư 20 đã hết hiệu lực. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tư pháp cho ý kiến.

Nếu cả hai động thái trên đều không được đáp ứng thì có thể kiến nghị Thủ tướng có ý kiến kết luận.

LS Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy - Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN