Ở nơi này, dân gắn đời với rừng mà trở thành tỷ phú

Sự kiện: Kinh Doanh

Trồng và chế biến gỗ rừng trồng với quy mô 2,5ha, mỗi năm gia đình ông Toàn thu lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Tận dụng chính lợi thế của địa phương, ông Toàn đã cho những người quanh mình niềm tin, động lực để biến những vùng đất đá sỏi thành cơm gạo.

Về vùng quê nông thôn mới xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, chúng tôi đến thăm gia đình hội viên Nguyễn Đức Toàn - hội viên Chi hội Nông dân thôn Trực Bình I.

Ông Toàn cho biết, từ khi lập gia đình, vợ chồng ông được cha mẹ cho ra ở riêng với 2 ha đất đồi rừng để trồng cây, làm nhà và chút vốn làm ăn. Lúc đó, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hai vợ chồng ông luôn suy nghĩ phải làm cách nào để ổn định cuộc sống lâu dài.

Bởi vậy, được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do các đoàn thể phối hợp tổ chức. Với tinh thần ham học hỏi, ông đã luôn tìm hiểu các loại cây, con giống phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương và có hiệu quả kinh tế cao để phát triển.

Ở nơi này, dân gắn đời với rừng mà trở thành tỷ phú - 1

Ông Nguyễn Đức Toàn (áo trắng) giới thiệu mô hình chế biến gỗ rừng trồng của gia đình. Ảnh: N.Q.

Sống giữa miền sơn cước, nhìn đi nhìn lại cũng không biết làm gì để cuộc sống khá lên. Nhận thấy chỉ có đất rừng là lợi thế của địa phương nên ông Toàn quyết định trồng keo, quế... trên diện tích đất mình có. Đồng thời, ông cũng bắt đầu đi tìm hiểu, thu mua gỗ của bà con trong xã và các vùng lân cận, bán về các tỉnh Hải Phòng, Nam Định.

Ông Toàn chia sẻ: “Buôn bán xuôi ngược vài năm, tôi cứ trăn trở là mình đi bán gỗ, người ta mua về làm có lãi, tại sao mình không làm? Từ lúc trắng tay, vất vả mãi mới tích cóp được số vốn nhỏ nên vợ con cũng phản đối ghê lắm, nhưng tôi vẫn quyết làm. Năm 2007, tôi vay mượn thêm ngân hàng, anh em họ hàng để mở xưởng chế biến gỗ”.

Quy mô xưởng chế biến gỗ của ông Toàn lúc đầu chỉ vỏn vẹn có 1 máy duy nhất. Nhưng với những mối quan hệ đã có và sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh,việc làm ăn kinh doanh nhanh chóng ổn định. Đến năm 2010, khi đã có thêm nguồn vốn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ông đã mua thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, mua 2 ô tô tải để chở các sản phẩm như cốt pha, thanh gỗ bán cho các chủ xây dựng trong tỉnh và doanh nghiệp tại Hải Phòng để xuất khẩu ra nước ngoài.

Bình quân mỗi năm, xưởng chế biến gỗ của ông Toàn sản xuất ra hàng trăm mét khối ván gỗ các loại. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2012 tổng doanh thu của gia đình ông đạt trên 1,1 tỷ đồng thì từ năm 2016 đến nay luôn đạt gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, cơ sở của gia đình ông tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ với mức lương từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ở nơi này, dân gắn đời với rừng mà trở thành tỷ phú - 2

Cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông Toàn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Ảnh: N.Q.

Với suy nghĩ thành công của mình là có sự chung tay góp sức của cả người lao động gắn bó với gia đình, vì vậy, dù có lúc gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng ông Toàn luôn năng động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì việc làm và tiền lương đầy đủ cho người lao động.

Là người đầu tiên tại xã Minh Bảo phát triển mô hình chế biến gỗ rừng trồng, ông Toàn luôn tận tình hướng dẫn cho những hộ nông dân khác về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rừng và kỹ thuật gây dựng xưởng, chế biến gỗ; kỹ thuật vận hành và sửa chữa một số lỗi của máy cưa, máy xẻ… Ngoài ra, ông còn thường xuyên cùng với Hội Chữ thập đỏ xã và các hội, đoàn thể khác hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho trường hợp, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, xây dựng giao thông nông thôn tại thôn, xã.

Những ai đã từng gặp và làm việc với ông Toàn đều yêu mến ông bởi ông không chỉ đem đến cho họ một công việc ổn định, giúp đỡ lúc khó khăn mà còn truyền cảm hứng làm việc, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Dù cho thị trường luôn có nhiều biến động, nhiều xưởng tại địa phương thua lỗ và dừng sản xuất nhưng riêng với xưởng của gia đình ông vẫn duy trì tốt.

Ở nơi này, dân gắn đời với rừng mà trở thành tỷ phú - 3

Ông Toàn vinh dự được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen. Ảnh: N.Q.

Với những thành công đã đạt được, ông Nguyễn Đức Toàn được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; chứng nhận của Hội NDVN: Hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi cấp TƯ giai đoạn 2012-2016. Ông cũng được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.

Khởi nghiệp bằng con số 0 tròn trĩnh, ông Toàn đã chứng minh cho mọi người thấy rằng nếu có sự kiên trì và nghị lực thì ở nơi khó khăn nhất người nông dân cũng có thể làm giàu. Tỷ phú không bắt buộc phải là người có nhiều vốn liếng hay bằng cấp, tỷ phú là người có thể khiến cho đất nở hoa ngay cả trên những rẻo cao đầy đá sỏi.

"Mô hình xưởng chế biến gỗ rừng trồng của gia đình ông Nguyễn Đức Toàn là một trong mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã, thu hút nhiều lao động tại địa phương. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác, cần phải nhân rộng...”, Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Bảo (TP.Yên Bái).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN