Nuôi loài “ốc phá sản”, lão nông vẫn thu tiền tỷ mỗi năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Mặc nhiều người nuôi ốc hương kỳ cựu (còn gọi vui là “ốc phá sản”) khuyến cáo môi trường nước ở Cần Giờ - vùng duyên hải của TP.HCM, không thích hợp nuôi ốc hương, nhưng lão nông Ba Mãnh (Huỳnh Văn Mãnh) vẫn thu tiền tỷ mỗi năm từ loài “ốc phá sản” này.

Dưới tán rừng đước cạnh Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Ba Mãnh dẫn chúng tôi đi xem khu nuôi ốc hương. 6 năm trước, khởi nghiệp nơi đây chỉ với mỗi ao ốc hương 120m2, giờ ông nâng lên 13 ao với 1ha diện tích mặt nước.

Mua ốc giống kèm theo can… nước biển

Trước khi ra ao, lão nông Ba Mãnh không quên cầm theo nắm cá tạp khô. Ngang ao ốc hương nuôi được 3 tháng, ông ném mớ cá khô trong tay xuống ao. Thức ăn vừa chìm xuống đáy ao lập tức ốc hương từ dưới cát ngúc ngắc chui lên dày đặc “đánh chén”.

“Nếu ném thức ăn xuống ao mà đám ốc không chui lên ăn thì người nuôi nguy to, chứng tỏ ốc đang bị bệnh”, ông cảnh báo.

Nuôi loài “ốc phá sản”, lão nông vẫn thu tiền tỷ mỗi năm - 1

Ông Ba Mãnh kiểm tra ốc hương tăng trưởng tại trại nuôi.

Theo ông, nếu đúng lý thuyết thì môi trường nước ở Cần Giờ không cho phép nuôi ốc hương. Theo khuyến cáo, để nuôi ốc hương, độ mặn của nước phải ổn định ở mức 30‰ và độ trong phải tốt. Trong khi đó, tại khu vực nuôi ốc hương của lão nông Ba Mãnh, độ mặn của nước chỉ trong khoảng 20‰ và nước khá nhiều phù sa.

Vậy mà 6 năm trước, sau khi Nhà máy bột cá (thuộc Công ty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang) phá sản trên đất Cần Giờ, người công nhân cơ khí này đã nhảy sang nuôi “ốc phá sản”.

“Vừa làm công nhân cho nhà máy tui vừa nuôi cua, nuôi heo. Khi nhà máy phá sản tui chao đảo vì nuôi cua, nuôi heo cũng chẳng đảm bảo kinh tế ổn định. Tìm hiểu mãi tui đánh bạc với ốc hương vì nuôi ốc hương một vốn bốn lời, và đầu ra khá tốt”, ông chia sẻ.

Dọn sạch cây đước trên mảnh đất 120m2, ông cho đào ao sâu 1m, rồi lót đáy ao 1cm cát, trang bị thêm hệ thống sục ôxy cho ao, quyết tâm khởi nghiệp với con… “ốc phá sản”. Nhiều đêm ông ôm chiếu ra ao tôm ngủ để canh nước, canh  độ mặn trong ao, đề phòng ốc hương đổ bệnh.

“Lúc bấy giờ, ở huyện Cần Giờ, tui là một trong những người hiếm hoi đầu tiên tập tành nuôi ốc hương. Nhiều người thấy tui đào ao nuôi ốc hương còn bảo tui khùng. Tui nấu rượu lấy hèm nuôi heo, đem rượu đi bán gom góp đồng lời ra tận Nha Trang mua ốc giống về nuôi. Lúc ấy, ở đây không có điện. Để cho giàn sục ôxy trong ao chạy, tui phải đi mua từng lít dầu chạy máy phát điện cho giàn sục ôxy vì không có tiền mua dầu nhiều. Cái cảnh rơi nước mắt chứng kiến mớ ốc giống giá trị chục triệu đồng thả xuống ao chỉ sau một đêm mất trắng tui đã trải qua”, ông thổ lộ.

Những lần thất bại khi thả giống, giúp lão nông Ba Mãnh nhận ra môi trường nước khác biệt giữa Nha Trang và Cần Giờ nếu lấy về thả ngay giống xuống ao là cầm chắc… phá sản. Thế là cứ mỗi lần gom tiền ra Nha Trang mua ốc giống, ông nán lại cả tuần để xem kỹ thuật nông dân nuôi ốc hương ở đấy ra sao? Ông yêu cầu trại ương thuần giống ốc hương theo độ mặn khoảng 20‰ như điều kiện nước tại Cần Giờ. Thậm chí, chưa yên tâm, khi mang giống về, ông còn ôm theo can nước biển lấy từ Nha Trang để thuần giống trước khi thả xuồng ao.

Kiên nhẫn với con “ốc phá sản”, cuối cùng ông cũng thành công. Vụ ốc hương thành công đầu tiên đem về cho ông lợi nhuận 100 triệu đồng – một động lực lớn khiến ông gia tăng diện tích nuôi ốc hương ngay sau đó.

Để tăng độ trong cho nước, ông thiết kế hệ thống sục ôxy “không giống ai”. Theo đó, thay vì dùng hệ thống cánh quạt, trong mỗi ao ông đưa khá nhiều ống đẩy ôxy xuống gần đáy ao. Theo ông, bằng cách này, ôxy sẽ đẩy hết cận bả thức ăn thừa ở đáy ao ra để tiện tẩy rửa ao. Không những thế, ông còn sử dụng rong để làm sạch đáy ao.

Nhằm ổn định độ mặn trong ao, ông “châm” thường xuyên nước mặn từ sông vào ao, nhất là khi trời đổ mưa khiến độ mặn nước trong ao giảm nhanh. Chính vì chăm chút ao ốc hương mà tỷ lệ con đạt lên đến 80%.

“Càng làm càng mê. Ốc hương tương đối khó nuôi, đầu tư tốn kém nhưng cũng cho lợi nhuận rất lớn”, ông nhận xét.

Sưng vòi, thoát xác… chuyện nhỏ!

Tuy nghề nuôi ốc hương “một vốn bốn lời”, nhưng ông Ba Mãnh cho rằng đây là nghề mạo hiểm, không chỉ do rủi ro bệnh tật trong quá trình nuôi, mà còn về giá cả thị trường.

Nhiều người kỳ cựu nuôi ốc hương ở Nha Trang, Phú Quốc… thừa nhận, đang nuôi ốc hương mà gặp bệnh sưng vòi, thoát xác là vô phương cứu chữa và cầm chắc… phá sản. Hôm chúng tôi về Cần Giờ xem lão nông Ba Mãnh nuôi ốc hương, cũng là lúc dịch bệnh sưng vòi, thoát xác đang hoành hành tại đây.  Có người đang chuẩn bị bán ao ốc trị giá 2 tỷ đồng, “sau một đêm” ao ốc chỉ còn… vỏ. Một số nông dân nuôi ốc hương bí bách đã rải muối nhằm tăng độ mặn nước trong ao, hy vọng cứu vãn tình thế.

Nuôi loài “ốc phá sản”, lão nông vẫn thu tiền tỷ mỗi năm - 2

Trang trại nuôi ốc hương ở Cần Giờ

Tuy nhiên, ông khẳng định sau bao phen “sóng gió” với ốc hương, giờ bệnh sưng vòi, thoát xác với ông đã là… chuyện nhỏ. Theo ông, người nuôi phải thường xuyên thăm ao. Khi phát hiện ốc kém ăn, màu ốc xấu đi, nhất là đuôi ốc bị cụt… là khả năng lớn ốc đang đổ bệnh.

“Khi phát hiện ốc hương mắc bệnh dứt khoát phải dùng kháng sinh, tăng cường sức đề kháng cho ốc bằng khoáng, vệ sinh ao, sau đó ngưng cho ăn vài ba hôm để kiểm tra. Lúc này, càng đổ thức ăn xuống ao bệnh sưng vòi, thoát xác càng nặng hơn”, ông chia sẻ.

Theo ông, ốc hương thường đổ bệnh khi thời tiết trở lạnh, khi nhiệt độ hạ thấp dưới 20 độ C.

Nhiều người nuôi ốc hiện nay cho biết, nghề nuôi ốc hương hiện không chỉ đối diện rủi ro dịch bệnh cao mà giá cả ngày càng bấp bênh. Ông cho biết, thị trường tiêu thụ ốc hương trong nước chủ yếu qua các đầu mối để vào nhà hàng ở các thành phố lớn, khu du lịch. Người nuôi không thể tiêu thụ ốc hương đại trà trên thị trường vì giá quá cao. Nếu thu hoạch đồng loạt, khó mà tiêu thụ.

Để có lợi nhuận tốt, nông dân phải cắt giảm nhiều khâu đầu tư, như: giảm nhân công, cắt giảm thức ăn, tiền mua giống… Thức ăn cho ốc hương chủ yếu là cá tạp. “Mỗi ngày tui tốn khoảng 2 triệu đồng tiền mua cá tạp cho ốc hương. Mỗi khi giá ốc hương xuống thấp, vài ba ngày tui mới cho ốc ăn”, ông cho biết.

Cũng theo ông, mỗi năm ông tốn gần nửa tỷ đồng tiền mua giống. Để tiết kiệm tiền mua giống, hiện ông đang lên kế hoạch ương giống ốc hương tại trang trại.

Vừa rồi, bắt gặp ông và vài nông dân nuôi ốc hương ở Cần Giờ tại trại ương giống ốc hương ở Khánh Hòa, ông cho biết đang học hỏi kinh nghiệm ương giống ốc hương, cũng như nhân nuôi tảo. “Tui đang học hỏi quy trình ương giống ốc hương nhằm tự tạo giống, cắt giảm chi phí. Thời gian qua tui thử ương giống và đạt được kết quả khá tốt. Tui tính nếu ương thành công, sẽ vừa có giống nuôi, vừa bán giống cho bà con nuôi ốc hương tại địa phương”, ông hồ hởi.

Không những thế, ông còn cho biết sẽ mở rộng diện tích nuôi ốc hương hơn nữa. “Khu nông nghiệp công nghệ cao về thủy sản đang được xây dựng tại Cần Giờ. Tui đang liên hệ Ban quản lý để đầu tư khoảng 1ha ốc hương tại đây”, ông chia sẻ.

Với số lãi 2tỷ đồng/năm từ nghề nuôi ốc hương, việc lão nông Ba Mãnh mở rộng diện tích trong Khu nông nghiệp công nghệ cao không làm tôi ngạc nhiên. Nó là bước đột phá còn mãnh liệt hơn thời kỳ đầu nuôi ốc hương của ông - thời kỳ mà nhiều người cho ông là “khùng”.

Theo ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, việc lão nông Huỳnh Văn Mãnh thành công với nghề nuôi ốc hương tại Cần Giờ rất đáng trân trọng bởi sự cần cù, sáng tạo. Đây còn chứng minh tiềm năng nuôi ốc hương ở Cần Giờ - nơi mà điều kiện môi trường được cho là không thích hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Đáng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN