Ninh Bình: Kỹ sư thủy lợi bỏ lương cao về quê làm..."địa chủ"
Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, ra trường công việc ổn định với lương tháng cả chục triệu đồng nhưng anh Trần Tuấn Phong (29 tuổi) xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình) quyết định bỏ việc, về quê thuê nhiều đất đai trồng rau và đem lại thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng.
Da đen nhẻm, vui vầy với đất cát và cây rau
Hơn 4 năm trước, anh Trần Tuấn Phong là chàng kỹ sư thủy lợi công việc ổn đinh trên thành phố. Ở quê ai cũng nghĩ, Phong sẽ yên vị làm chàng kỹ sư thủy lợi nhưng anh lại đột ngột quyết định bỏ việc về quê. Ai cũng tưởng anh về quê là có việc nhẹ, lương cao hơn, ai ngờ anh lại đi trồng rau, cả ngày chân tay lấm lem đất cát, vui vầy với rau cỏ...khiến hàng xóm bàn tán xì xầm, hoài nghi về sự thành công của anh.
Chàng kĩ sư trẻ Trần Tuấn Phong mới ngày nào chỉ quen với công việc bàn giấy, ăn mặc bảnh bao nay lại ra đồng nghịch đất trồng rau.
Trò chuyện với chúng tôi, Phong cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật biển (Trường ĐH Thủy lợi), anh tìm được một công việc đúng ngành mình học với mức lương khá cao và tương đối ổn định. Công việc đó sẽ gắn bó cả cuộc đời với anh nếu như anh không tình cờ xem chương trình truyền hình về khởi nghiệp làm giàu ở nông thôn.
“Ngày đó vô tình coi chương trình có nội dung khởi nghiệp làm giàu ở nông thôn, thấy có mô hình nông nghiệp hay quá, cứ xem là mê, sau xem nhiều thấy có khá nhiều mô hình có thể áp dụng ở quê nhà. Sau cứ tính lên tính xuống, đắn đo mãi mới quyết định xin nghỉ việc để về quê trồng rau.”, anh Phong nhớ lại.
Vậy là năm 2014, Phong khăn gói về quê, khiến bạn bè “sốc”, rồi gia đình họ hàng ra sức khuyên ngăn. Chàng kỹ sư thủy lợi ngày nào vốn chỉ quen với công việc bàn giấy, chốn văn phòng, quần áo phẳng phiu, giầy da bóng loáng, da trắng bảnh bao nay lại ra đồng làm bạn với đất cát, rau cỏ.
Thấy da anh ngày một đen xạm với công việc vất vả của nhà nông, nhiều người không khỏi ái ngại, có người còn nói, "sướng không biết hưởng lại đâm đầu về quê làm nông dân cho khổ...".
Từ những kiến thức mà tự mình tìm hiểu được, sau khi về quê Phong quyết định khởi nghiệp với nghề trồng rau. Anh cải tạo 7 sào đất ruộng của gia đình để sao cho phù hợp nhất cho cây rau phát triển, nhưng nhận thấy quy mô quá manh mún làm không thể hiệu quả được. Anh lại chạy ngược, chạy xuôi đi thuê thêm đất để mở rộng quy mô. “Do thiếu đất nên việc xây dựng thành mô hình nông nghiệp bằng đa dạng các loại cây trồng không được như ý muốn. Mấy vụ đầu không cân đối với đầu tư giống, vốn, phân bón bị thua lỗ lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí có vụ đầu tư bị mất trắng hoàn toàn...", anh Phong chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Phong cho hay, hiện nhà anh đang trồng trên dưới 4 loại rau củ quả khác nhau và cả các loại cây ăn quả. Hiện các loại cây này được trồng gối vụ và trái vụ, theo quy trình sản xuất an toàn, sạch bệnh, đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng nên được thương lái bao tiêu thu mua tại ruộng.
Hiện gia đình nhà anh Phong đang trồng hơn 600 gốc ổi lê Đài Loan và đang bắt đầu cho thu hoạch.
Mất gần 2 năm dài đằng đẵng, chàng kỹ sư trẻ cũng chỉ có vỏn vẹn trong tay 2 mẫu đất, anh luôn khát khao có một quỹ đất đủ lớn để thực hiện những dự định mà mình đã tính toán từ trước.
Đi thuê đất mà...mỏi cả mồm
“Ngày đó thuê đất khó lắm chứ không như bây giờ, muốn thuê nhiều cũng không có, đi đến hết nhà này nhà kia nói mỏi cả mồm nể lắm người ta mới cho thuê lại. Vất vả thế mà có thuê lại được nhiều lắm đâu, cả của nhà cũng chỉ vỏn vẹn 2 mẫu nhưng nó lại thành mấy mảnh khác nhau, phải đổi lên dồn xuống cho người ta thì nó mới thành được một mảnh lớn” anh Phong tâm sự.
Cũng theo anh Phong, những năm đó thuê đất khó do bà con chưa có nhiều việc làm như bây giờ nên bà con muốn giữ lại để canh tác kiếm thêm thu nhập. Còn 2 năm gần đây bà con đi làm hết ở các công ty nên thuê dễ lắm, không có sức mà làm thôi. Đặc biệt sau cơ chế dồn điền, đổi thửa và được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình anh đã có hơn 2ha đất chuyên sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả thực phẩm nông nghiệp hàng hóa như ổi, mướp, cà chua, lạc lày, ớt….
Những luống dưa leo xanh mướt trải dài cả một vùng của chàng kĩ sư trẻ Trần Tuấn Phong.
Mỗi tháng, thu nhập bình quân từ mô hình trồng rau, củ, quả thực phẩm mang lại cho gia đình anh Phong trên dưới 20 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động địa phương với mức thu nhập 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và 6-7 lao động thời vụ, mức thu nhập 150 nghìn đồng/người/ngày. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất và đưa thêm một số giống cây trồng mới, lạ, có giá trị kinh tế vào thử nghiệm trên đồng đất quê hương” anh Phong cho biết thêm.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, anh Phong cho hay, trước kia trồng bất kỳ một loại cây nào anh đều thăm dò thị trường và cũng như trao đổi với thương lái, nếu người ta nhận bao tiêu cho mình với số lượng vài tấn chẳng hạn thì mình sẽ trồng đủ để đáp ứng cho người ta. Chính vì lý do này nên anh trồng rất nhiều loại rau, củ, quả khác nhau và các mặt hàng anh làm ra không bao giờ bị ế nên thu nhập luôn ổn định.
Từ những quyết định mà mọi người cho là “khùng”, sau một thời gian kiên trì và phấn đấu, đến nay anh Phong đã phần nào chứng minh cho mọi người thấy con đường mình chọn là đúng. Nhưng có lẽ điều làm cho anh vui nhất đó là được phục vụ người dân với sản phẩm rau sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, tốt cho sức khỏe, trong đó có gia đình của chính anh.