Nhiều doanh nghiệp tố bị cán bộ ‘xin đểu’

Sự kiện: Tin ngắn

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: “Công việc quản lý nhà nước không được thực hiện tốt thì số lượng CBCC đông đúc để làm gì?”.

“Chính phủ quyết liệt là vậy nhưng tại sao vẫn còn nhiều vấn đề khiến xã hội bức xúc và nguyên nhân của nó là gì?” - ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ninh Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, đặt câu hỏi tại diễn đàn QH ngày 2-11.

Trong cả ngày hôm qua, QH thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

“Thăm hỏi” doanh nghiệp thường xuyên

Ông Cương cho rằng những vấn đề gây bức xúc xã hội đa phần đều có chung nguyên nhân, đó là sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) và viên chức. Khi xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, câu giải thích thường là “do buông lỏng quản lý” và theo ông Cương, “sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng”.

“Quản lý nhà nước lâu nay luôn chạy theo mọi vấn đề cần được quản lý trong khi lẽ ra phải đi trước một bước. Chúng ta cứ thấy sập mỏ khai thác đá vài chục người chết, sạt lở bãi thải vài gia đình bị chôn vùi, lật thuyền du lịch trái phép nhiều người chết, hay như cháy nhiều cơ sở karaoke chết nhiều người mới ngày hôm qua thôi… Cứ khi xảy ra rồi chính quyền mới lập cập đến rồi tuyên bố “sẽ rà soát và xử lý nghiêm vi phạm”. Lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không phải xảy ra mới làm” - ông Cương bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp tố bị cán bộ ‘xin đểu’ - 1

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 2-11. Ảnh: QH

Ông Cương cũng nêu một thực tế khác, hiện nay đội ngũ CBCC đông như thế nhưng việc tinh giản biên chế gần như giậm chân tại chỗ.

“Công việc quản lý nhà nước không được thực hiện tốt thì số lượng CBCC đông đúc để làm gì?”- ông Cương tiếp tục đặt câu hỏi.

Vị phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng tiết lộ nhiều doanh nghiệp nhỏ nói với ông: Chính quyền, kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn giỏi lắm. Việc gì có thể không biết chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt và xuống thăm hỏi thường xuyên. Thăm hỏi không phải là để kiểm tra, xem xét gì mà chỉ để xin kinh phí hỗ trợ. Một số người uất ức đã gọi hành vi này là xin đểu.

“Trước thì chỉ xin dịp tết Nguyên đán, nay thì dịp lễ cũng xin, dịp nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị gì cũng xin. Việc cho là tùy tâm nhưng không cho thì có thể bị làm khó dễ. Vì thế các doanh nghiệp đành chấp nhận” - ông Cương phát biểu.

Theo ông Cương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn. Nhưng chính sự nhũng nhiễu của một số nơi như vậy khiến hiệu quả chỉ đạo giảm rất nhiều.

Phải đuổi việc mới đủ sức răn đe

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng bộ máy thực thi công vụ, kể cả ở trung ương và địa phương, chuyển động còn chậm chạp, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

“Cần ban hành quy chế xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh nhằm chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm cả năm không xử lý được. Mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Như vậy mới nâng cao chỉ số niềm tin, làm yên lòng người dân cả nước” - ông Cầu đề xuất.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân (ĐBQH Cà Mau) đề nghị rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước các cấp để phân cấp, phân công, phân quyền một cách mạch lạc, gắn với cải cách hành chính. Trong đó, chú trọng đến phân quyền về đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật.

“Cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, theo đó lấy quyền lực, đạo đức, lòng dân và thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực. Cạnh đó là việc tăng cường tính minh bạch, giải trình trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong quan hệ với nhân dân” - ông Vân đề xuất.

Đề nghị khởi xướng văn hóa từ chức

“Nên khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn đức mọn thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người giỏi. Chính phủ nên sớm trình QH ban hành luật trọng dụng nhân tài, coi đó là chiếu cầu hiền của Nhà nước trong giai đoạn mới” - sáng 2-11, phát biểu tại QH, ĐB Lê Thanh Vân đề xuất.

Bên hành lang QH, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thêm với ĐB Lê Thanh Vân về đề xuất này.

. Phóng viên: Theo ông, những trường hợp nào nên từ chức?

+ ĐB Lê Thanh Vân: Có ba trường hợp. Một là khi người đứng đầu thấy mình “tài hèn, đức mỏng” thì nên từ chức, đó là thể hiện lòng tự trọng. Thứ hai, khi không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao, làm việc không có chiến lược, không có tầm nhìn, không có phương pháp điều hành, quản lý… thì cá nhân đó cũng nên từ chức.

Trường hợp thứ ba nên từ chức là cá nhân đó có hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí khi đơn vị của mình ban hành văn bản trái pháp luật vì lợi ích cục bộ, người đứng đầu cũng nên từ chức. Hay khi cấp dưới trực tiếp vi phạm pháp luật, người đứng đầu cũng phải từ chức.

. Theo ông, cần làm gì để đề xuất của ông trở thành hiện thực?

+ Tôi đề nghị Chính phủ nên khởi xướng văn hóa từ chức. Phải là văn hóa chứ không phải là trào lưu. Bởi trào lưu từ chức thường là việc phản ứng của những người bế tắc trước khó khăn công việc. Còn văn hóa từ chức chính là một sinh hoạt bình thường trong đời sống công vụ và là biểu hiện của lòng tự trọng.

Ở các nước phương Tây hay như Nhật Bản, các quan chức sẵn sàng từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Nét văn hóa của họ là thế. Nền giáo dục luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa từ chức của cá nhân.

. Xin cám ơn ông.

CHÂN LUẬN thực hiện

________________________________

Vụ Formosa: Ai chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước?

Vấn đề ô nhiễm do Formosa Hà Tĩnh gây ra, nhân dân tới nay vẫn rất tâm tư. Thứ nhất, Formosa chỉ bị xem xét ở mức vi phạm hành chính và bồi thường kinh tế. Thứ hai, đến nay chưa chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trong vụ việc này…

Cử tri mong muốn khi chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được vi phạm thì kiên quyết không cho Formosa hoạt động. Tâm tư, nguyện vọng của cử tri là rất đáng quan tâm, chúng ta không thể làm ngơ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình TRẦN CÔNG THUẬT(ĐBQH Quảng Bình)

Sẽ có quy định về bổ nhiệm chức danh hàm

Bộ Nội vụ đã hoàn thành nghiên cứu về cấp hàm trong hệ thống các chức danh, chức vụ ở cơ quan hành chính nhà nước và báo cáo Thủ tướng. Sau đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ tiếp tục hoàn thiện đề án theo hướng phải xác định rõ quy định chế độ bổ nhiệm hàm được thực hiện dưới hình thức nghị định hay quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay chức danh thư ký của bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư các tỉnh ủy không có trong Luật CBCC nên sẽ được bổ sung cùng với đề án trên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN

Môi trường đã đến ngưỡng

Sau hàng loạt sự cố môi trường, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa và cần phải có sự thay đổi. Trước đây môi trường thường đi sau phát triển nhưng nay phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình phát triển. Bảo vệ môi trường phải là yếu tố quan trọng, có mặt trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược quy hoạch…

Bộ trưởng Bộ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp luật TPHCM)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN