Nghịch lý phá sản vì… sạch

Nhiều dự án sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch lại bị phá sản, lỗ vốn, người kinh doanh phải từ bỏ sự nghiệp mà họ kỳ vọng.

Được sử dụng thực phẩm an toàn là điều mong mỏi của bất cứ ai khi thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất, dư lượng thuốc trừ sâu, chất tạo nạc, thức ăn tăng trọng, bơm kháng sinh vào tôm… đang ở mức báo động. 

Nhưng tại sao nhiều dự án sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch lại bị phá sản, lỗ vốn, người kinh doanh phải từ bỏ sự nghiệp mà họ kỳ vọng. Muốn sản xuất thực phẩm an toàn để phục vụ cho nguyện vọng chính đáng của con người là điều cực kỳ khó khăn trong lúc này.

Phá sản sau nhiều năm đầu tư

Cách đây hơn 10 năm, anh Lê Năng Công (Hà Nội) vốn có công việc ổn định, nhưng đứng trước tình trạng “thực phẩm bẩn” nhức nhối, anh đã nghỉ việc, vay vốn để sản xuất và tiêu thụ rau an toàn mang thương hiệu Hà An dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật theo chương trình VietGap của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội. 

Bạn bè, người thân đều cho anh là “không bình thường” bởi mạo hiểm, đang có công việc đàng hoàng lại bỏ đi làm nông dân khi cuộc cạnh tranh giữa rau thường và rau an toàn diễn ra khốc liệt. 

Khi ấy, rau an toàn đã bị mất thương hiệu bởi sự nhập nhèm “đánh lận con đen” của một số cửa hàng và siêu thị. 

Những ngày đầu bước vào làm ăn cực kỳ khó khăn bởi vốn lớn, lại phải tìm thuê được địa điểm tiêu thụ và quan trọng là làm sao gây dựng được niềm tin với khách hàng. 

Khi tôi tìm gặp anh Công vào thời điểm anh mới lập nghiệp, anh nói rằng, có những lúc tưởng chừng phá sản nhưng anh vẫn gắng gượng vượt qua. Bởi sản xuất theo quy trình rau an toàn khi ra thị trường giá phải gấp đôi, gấp ba bình thường, mà mẫu mã xấu, sâu, dễ bị thối hỏng. 

Thuê một điểm bán rau tại khu Trung Hòa – Nhân Chính với cái giá đắt đỏ, anh Công chỉ mong không lỗ là may, chứ chưa nói đến lãi. Gắng gượng sau 10 năm, duy trì rau an toàn, anh Công đã xây dựng được 2 địa điểm bán rau và thực phẩm an toàn tại Hà Nội. 

Gặp lại anh sau 10 năm, anh cho biết, để duy trì 2 cửa hàng, anh phải kinh doanh thêm cả thực phẩm sạch khác để giảm chi phí, nếu chỉ kinh doanh rau an toàn thì không sống nổi. 

Anh Công lặn lội phối hợp với nông dân ở Mộc Châu (Sơn La) nuôi lợn sạch, rau củ quả sạch để đem về Hà Nội bán. Nhưng giá thuê một cửa hàng khoảng 30m² ở Trung Hòa – Nhân Chính đã hơn 40 triệu đồng, một cửa hàng nhỏ ở Thành Công trên 20 triệu đồng, chưa kể điện nước, nhân công, anh bảo vô cùng chật vật để có lãi duy trì niềm đam mê. 

Một người bỏ ra hơn 10 năm với bao vất vả, nhiều lúc rơi vào lỗ vốn chỉ với niềm đam mê cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng phải thật kiên trì mới chèo chống được.

Rất nhiều người đầu tư vào thực phẩm sạch đã phải gánh nợ và dẫn đến phá sản do thua lỗ. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, những thương hiệu rau an toàn đình đám một thời cũng phải thua lỗ, phá sản như nhãn hiệu Liên Thảo với 60 cửa hàng trải dài Hà Nội đã đóng cửa. 

Ông chủ của Công ty Hương Cảnh bỏ hàng tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền sơ chế rau an toàn hiện đại đóng ở xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã phá sản do thua lỗ. Nhiều người nhiệt huyết muốn xây dựng một thương hiệu sạch, nhưng cuối cùng vẫn không trụ vững phải bán lại với cái giá rẻ. 

Chị Nguyễn Quỳnh Trang, một người đam mê muốn cung cấp thực phẩm sạch cho người thân, bạn bè đã đầu tư vào trang trại ở Hà Nam để sản xuất thực phẩm sạch gồm gia cầm, thịt lợn, cá, trái cây, hoa quả sạch, nuôi trồng hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sau 2 năm vật lộn, chị phải bán lại trang trại và chịu lỗ. 

Chị Trang cho biết, do không có cửa hàng nên chị chủ yếu bán qua mạng xã hội, thực phẩm sản xuất sạch nhưng đầu ra khó khăn, giá cao, dẫn tới lỗ vốn.

Nghịch lý phá sản vì… sạch - 1

Nhiều người nuôi lợn sạch bị phá sản. Ảnh: minh họa

Có sản xuất nhưng không xây dựng được thương hiệu

Vì sao nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch luôn cao mà người sản xuất và kinh doanh lại phải thất bại? Câu hỏi đầy nghịch lý này được lý giải như sau: đó là thiếu cơ chế, chính sách cho thực phẩm sạch phát triển. Do chúng ta chưa liên kết được 3 nhà: nhà sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng. Là do chúng ta chưa xây dựng được sản xuất theo chuỗi. 

Ông Nguyễn Duy Hồng than: “Nếu không có hệ thống bán lẻ, hỗ trợ kênh tiêu thụ thì 20 năm nữa Hà Nội cũng không biết mua rau an toàn ở đâu”. 

Đây là điều vô lý khi Hà Nội đã thực hiện “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2016” lên tới cả trăm tỷ đồng. Lẽ ra người dân Thủ đô phải được hưởng lợi ích từ đề án này, thế mà người tiêu dùng vẫn loay hoay với câu hỏi “mua rau an toàn ở đâu”? 

Vì sao lại như vậy? Đó là một thời gian dài, do công tác quản lý yếu kém dẫn đến hàng loạt đại lý, điểm bán rau an toàn, thậm chí cả siêu thị cũng phát hiện trà trộn bán rau thường thành rau an toàn. 

Sự làm ăn gian dối này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đến không tiêu thụ được, lỗ vốn và phá sản. Ngay cả thương hiệu Sói Biển quảng cáo kinh doanh thực phẩm sạch cũng bị cơ quan chức năng phát hiện không trung thực, ảnh hưởng đến xây dựng thương hiệu, uy tín.

Chính vì điều này đã đánh mất niềm tin nghiêm trọng của người tiêu dùng khiến hàng loạt cửa hàng treo biển rau an toàn phải gỡ xuống. Đến nay, rau an toàn sản xuất ra lại tiêu thụ chủ yếu ở chợ dân sinh, chợ đầu mối với giá như rau thường. 

Hà Nội có 5.100ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn nhưng theo ông Nguyễn Duy Hồng thì chỉ có 5% rau an toàn vào siêu thị; 3-5% thông qua người sản xuất có hợp đồng ký kết - một con số quá ít ỏi.

Đến vùng sản xuất rau Vân Nội – thương hiệu rau an toàn đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội, chúng tôi gặp không ít sự cám cảnh của người nông dân. Vân Nội có 13 HTX, trong đó đều có diện tích rau an toàn. 

Nhưng khi sản xuất ra, bà con tiêu thụ rau an toàn chủ yếu ở chợ đầu mối Vân Trì và số ít là bếp ăn tập thể, chỉ 5-10% vào siêu thị với giá bán như rau thường. 

Anh Nguyễn Quốc Vương, nhân viên trồng trọt của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh cho biết: “Chưa có đơn vị nào ở Vân Nội hoạt động theo chuỗi. 

HTX không tìm được đầu ra cho nông dân và tự nông dân tìm nguồn tiêu thụ. Ủy ban xã cũng không biết rau tiêu thụ đi đâu, nhưng theo thông tin thì bán đi khắp các tỉnh phía Bắc”. Giá bán rau an toàn gần như rau thường, liệu có kích thích nông dân sản xuất?

Đi một vòng ở HTX Ba Chữ (Vân Nội), nơi có 17ha sản xuất rau an toàn, chúng tôi thấy rau sản xuất ra nhưng đều là xuất thô (không có bao bì, tem nhận diện, mã vạch). Chúng tôi đặt câu hỏi: khi ra chợ thì làm sao phân biệt được đây là rau an toàn? 

Bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết, HTX chưa có trụ sở riêng, chưa có nhà xưởng tập kết thu mua nên cũng chưa nghĩ đến việc đóng gói bao bì, dán tem nhận diện. Nhìn mớ rau an toàn của Ba Chữ với rau thường không có gì phân biệt, người tiêu dùng làm sao tin? 

Sản xuất nhưng lại không xây dựng được thương hiệu, đầu ra khó khăn, không bán được với giá trị thực – đây là tồn tại nghịch lý cho các vùng sản xuất rau an toàn ở Hà Nội. 

Bà Huyền thở dài: “Hy vọng 3 nhà phải liên kết: người sản xuất có lương tâm, người kinh doanh không vì lợi nhuận, người tiêu dùng thông thái”.

“Chi phí sản xuất rau an toàn hơn rau thường do sinh trưởng kéo dài hơn, mẫu mã kém, công sức bỏ ra nhiều, năng suất thấp hơn nhưng giá lại bằng rau thường dẫn tới người nông dân không hài lòng. Chúng tôi cũng mong muốn có một cửa hàng bán và giới thiệu rau an toàn của mình ở trong nội thành nhưng không có kinh phí” – bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX rau Ba Chữ, Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Hằng – Nguyễn Hương (CAND)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN