Mỹ sẽ sản xuất năng lượng nhiều nhất TG
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nước Mỹ sẽ vượt qua Ả Rập Xê Út và Nga để trở thành quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2015.
IEA cũng cho biết, việc Mỹ "vượt mặt" Ả Rập Xê Út và Nga chủ yếu là nhờ cuộc cách mạng trong việc sản xuất năng lượng từ đá phiến sét sẽ giúp vẽ lại bức tranh ngành năng lượng toàn cầu.
Đến năm 2020, nước Mỹ sẽ sản xuất 11,1 triệu thùng dầu/ngày.
Theo Báo cáo “Triển vọng năng lượng toàn cầu” mà IEA vừa công bố, nước Mỹ sẽ gần như có thể tự đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng trong nước vào năm 2035, đánh dấu một sự đảo ngược đáng kể về xu hướng hiện nay của các quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ nắm giữ vị trí số 1 về sản xuất năng lượng vào năm 2015, vượt qua cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út. Đến năm 2020, nước Mỹ sẽ sản xuất 11,1 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn mức 10,6 triệu thùng dầu/ngày của Ả Rập Xê Út.
Sự gia tăng của ngành sản xuất trong nước và việc thực thi các biện pháp sử dụng nhiên liệu hiệu quả dưới thời chính quyền Tổng thống Obama đã giúp cho lượng dầu thô nhập khẩu của nước Mỹ giảm mạnh và tiếp tục duy trì xu hướng này trong thời gian tới. IEA dự đoán, lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ sẽ giảm từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 4 triệu thùng/ngày trong 10 năm tới.
IEA nhận định, sự hồi sinh của ngành sản xuất dầu mỏ và khí đốt của Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế của nước này bởi "giá khí đốt và điện thấp hơn là một lợi thế cạnh tranh" đối với quốc gia này. Trong đó, yếu tố thúc đẩy Mỹ tiến hành cuộc cách mạng này là kỹ thuật khai thác mới, khởi nguồn từ lĩnh vực khí đốt tự nhiên và đã bắt đầu lan sang lĩnh vực khai thác dầu tại những địa điểm khai khoáng tại Bắc Dakota (gần biên giới Canada) và Nam Texas.
Tuần trước, một nhóm vận động hành lang công nghiệp của Đức cũng đã lên tiếng về việc các công ty Mỹ đang được hưởng lợi nhiều hơn từ chi phí năng lượng.
Tuy nhiên, một số các nhà phân tích với quan điểm đối lập thì cho rằng sự bùng nổ về khai thác dầu mỏ của Mỹ vẫn còn ở trong giai đoạn "trứng nước" và giai đoạn tăng trưởng tiếp theo chưa được đảm bảo. Fatih Birol, kinh tế trưởng của IEA lưu ý rằng sự sụt giảm của giá dầu trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Trong khi đó, giá thành sản xuất ở Ả Rập Xê Út thấp hơn rất nhiều so với Mỹ. Bởi vậy, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ vẫn chọn phương án nhập khẩu nhiên liệu để tiết kiệm chi phí.
Trên thực tế, việc Mỹ có thể sẽ trở thành quốc gia tự chủ về năng lượng và sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới không chỉ có ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực năng lượng mà còn có ý nghĩa quan trọng tới thị trường hàng hóa toàn cầu và có ý nghĩa địa chính trị rộng lớn.