Kiến nghị tăng giá điện không minh bạch

Các chuyên gia cho rằng, kiến nghị tăng giá điện thêm tới 9,5% của EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) là quá cao trong bối cảnh đầu vào cùa ngành điện là giá dầu, than liên tục giảm mạnh và thủy điện năm nay dồi dào…

Tập đoàn điện lực đã có phương án xin điều chỉnh giá điện tăng tới 9,5%. Nếu được thông qua thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá điện bình quân mới, theo phương án này dự kiến sẽ là 1.652,19 đồng/kWh, tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với hiện nay.

Kiến nghị tăng giá điện không minh bạch - 1

Các chuyên gia cho rằng, kiến nghị tăng giá điện thêm tới 9,5% của EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) là quá cao.

Lỗ của EVN phải tính lại…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, ông đã liên tục theo dõi đường tăng của giá điện những năm gần đây và thấy, giá điện tăng lần nào cũng khó thuyết phục. “EVN đã xin tăng giá điện trong năm nay tới 14% nhưng cả năm 2014, giá điện vẫn được giữ nguyên” - ông Doanh cho biết.

“Hiện tập đoàn này kiến nghị tăng giá điện 9,5% vẫn là một tỉ lệ tăng quá cao, không thể chấp nhận được bởi tăng một lần như vậy là quá cao xét về độ tăng”-vị chuyên gia này bày tỏ.

Theo ông Doanh, hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi sức sản xuất, tỉ lệ doanh nghiệp khó khăn, phá sản vẫn còn rất lớn. Họ mới chỉ đang xốc lại kinh doanh mà giá điện tăng cao như vậy đúng vào thời điểm cuối năm thì họ chỉ có nước “chết”. Doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được với đầu vào là điện tăng mạnh như đề xuất hiện nay.

Ông Doanh kiến nghị, giá điện đã có khung theo lộ trình thì nên tăng vừa phải và theo đúng lộ trình để tránh gây “sốc” cho người dân và doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho biết, trước đây EVN thường kêu lỗ nặng để tăng giá điện. Lỗ của EVN lúc đó dựa trên giá dầu, than cao nhưng hiện nay giá dầu, than đã giảm mạnh theo thị trường thì lỗ của EVN cũng phải tính lại để có căn cứ tăng giá điện hiện nay là bao nhiều thì vừa.

Thực tế năm 2014 cho thấy, EVN đã gặp nhiều thuận lợi với các yếu tố đầu vào giảm. Đầu tiên là việc giá dầu sụt giảm tới 30%, thấp hơn nhiều so với năm 2013 giúp chi phí sản xuất điện từ dầu chắc chắn thấp hơn nhiều so với căn cứ tính giá điện hiện nay. Giá than bán cho điện đã theo thị trường, đồng nghĩa với xu hướng giảm chứ không tăng. Năm nay, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc theo dự báo của Bộ Công Thương cũng chỉ khoảng 2.460 triệu kWh, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2013. “Những yếu tố này cần được đề cập rõ ràng trung thực trước khi xin tăng giá điện”-bà Lan nói.

Đừng để tăng giá điện thái quá

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - một trong những người ủng hộ khá nhiệt tình trong việc tăng giá điện cũng băn khoăn: Đầu năm nay đúng là nhiều hồ thủy điện cạn như hồ ở miền Trung, Sơn La nên EVN phải chạy điện dầu nhiều, nhất là khu vực miền Nam như Cà Mau, Nhơn Trạch, Phú Mỹ… Song nguồn thủy điện năm nay vẫn được đánh giá là tốt so với mọi năm. Than cũng phải nhập khẩu nên giá than điều chỉnh tăng. Đầu vào của sản xuất điện tăng nên đầu ra cũng phải tăng tương ứng.

“Tuy nhiên, EVN đừng để tăng giá điện thái quá. Tăng lên khoảng 100 đồng/KWh là hợp lý. Mức tăng này Chính phủ duyệt thì Bộ Công Thương mới được quyết có tăng hay không, nhưng chắc phải trong năm 2015 mới tăng được”-ông Ngãi nói.

Ông Vương Ngọc Tuấn - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng đánh giá: “Giá xăng dầu và nguyên vật liệu đang giảm sâu như vậy mà giá điện lại đề xuất tăng thì đây rõ ràng mối quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp dịp cuối năm”.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, bất kỳ thông tin tăng giá nào cũng đều “nhạy cảm” và không được chào đón, đặc biệt là dịp cuối năm khi mọi chi tiêu đều dồn vào túi tiền có hạn của người dân. “Vì vậy, ngành điện phải lý giải được nguyên nhân tăng giá, khoản giá tăng thêm là bao nhiêu, sẽ được sử dụng như thế nào thì người dân mới ủng hộ”- ông Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế- Tài chính) cũng chia sẻ rằng, EVN phải giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống nữa, tiết giảm chi phí một cách hợp lý. Ngoài ra, cần xem xét phương án cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện chứ không nên chỉ tính đến việc tăng giá điện.

 “Giá điện tăng bao nhiêu cũng không đủ để EVN cải thiện đầu tư và là đủ với ngành điện, trong khi tác động tới xã hội, đời sống người dân là rất lớn”-ông Thụy nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN