Khóc ròng với bí, chanh dây

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều hộ dân ở tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh khốn đốn vì trồng bí đao không bán được, trồng chanh dây không cho quả trong khi 2 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm "bỏ của chạy lấy người".

Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai xác nhận đã có 2 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền các huyện Chư Sê, Chư Pứh nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin người dân bị doanh nghiệp lừa trồng bí đao, chanh dây.

Bí đao thành trái đắng

Theo tìm hiểu, rất nhiều hộ dân tại huyện Chư Sê ký hợp đồng "hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh (bí đao) giống Đài Loan" với Công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Đáng nói là dù đầu tư tiền của, công sức trồng bí nhưng đến kỳ thu hoạch thì phía công ty không chịu mua.

Khóc ròng với bí, chanh dây - 1

Nhiều hộ dân ở huyện Chư Sê rầu rĩ vì bí đao chất đống bỏ thối

Hậu quả là phần lớn bí thu hoạch của các hộ bị bỏ thối ngay tại vườn. Để vớt vát, một số gia đình mang ra Quốc lộ 14 bán, những mong được đồng nào hay đồng nấy. "Gia đình tôi ký hợp đồng trồng 2 ha bí. Họ cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg bí bò dưới đất, 5.500 đồng/kg bí leo giàn. Gia đình tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, giờ họ trốn biệt, không thu mua thì biết làm sao đây!" - chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ thôn Hương Phú, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) lo lắng.

Khóc ròng với bí, chanh dây - 2

Một nông dân ở huyện Chư Pứh chặt bỏ vườn chanh dây do không cho quả

Anh Nguyễn Văn Hào (thôn Nông Trường, xã Ia Glai) cũng ký hợp đồng trồng 6 ha bí đao với Công ty Phú An Khang Tây Nguyên. Anh mạnh dạn vay tiền làm hệ thống tưới trị giá 300 triệu đồng. "Nếu thu hoạch hết thì giờ phải cỡ hơn 350 tấn, theo giá hợp đồng, tôi thu khoảng 2 tỉ đồng. Nhưng nay đành bỏ thối vì công ty khất lần rồi giờ cắt đứt liên lạc" - anh Hào bất bình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại mỗi nhà vườn trồng bí đao, hàng ngàn quả bí từ 5-10 kg được các gia đình chất đống, bị hư do để lâu. Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, cho biết đến giờ vẫn chưa có cách gì hỗ trợ nông dân tiêu thụ bí đao. Đơn vị có liên hệ với công ty, mời lên làm việc nhưng chưa được.

Khóc ròng vì chanh không quả

Trong khi đó, tại huyện Chư Pứh, Công ty TNHH Tuấn Đại An (TP Pleiku) cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống chanh dây (36.000 đồng/cây) và vật tư cho nông dân. Theo hợp đồng, người dân trả trước 50% tiền mua giống và vật tư, khi thu hoạch sẽ thanh toán hết số tiền còn lại. Ngược lại, người dân bán sản phẩm cho công ty với giá thấp nhất 6.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tất cả các hộ ký hợp đồng đều bị thiệt hại nặng vì giống chanh dây cho rất ít quả, thậm chí nhiều vườn không ra quả. Nhiều hộ đã bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng chanh dây và gần như mất trắng.

Một trong số đó là gia đình ông Trần Đình Sơn (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh). Sau khi ký hợp đồng với Công ty Tuấn Đại An, gia đình ông đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để trồng 2 ha chanh dây nhưng tất thảy không cho quả. Vừa thiệt hại 2.000 trụ tiêu nay lại đến chanh dây, vợ ông suy sụp tinh thần, ngã bệnh. Ông Sơn than thở: "Vườn chanh chỉ toàn dây với lá. Gọi điện báo cho công ty thì họ hứa đổi giống khác rồi cắt liên lạc luôn".

Ông Đinh Văn Cường (làng Mông, xã Ia Hla, huyện Chư Pứh) vay ngân hàng gần 1 tỉ đồng để trồng 3 ha chanh dây. Ông không ngại đầu tư số tiền lớn vì được phía công ty bao tiêu sản phẩm. Việc công ty 2 lần tổ chức đưa người dân đi tham quan và tham dự hội thảo tại TP Pleiku càng khiến ông yên tâm. "Giờ chỉ còn cách chặt bỏ hết để trồng cây khác" - ông Cường ngậm ngùi. Lão nông này cũng như các hộ trồng chanh dây nghi ngờ Công ty Tuấn Đại An cung ứng giống dỏm dẫn đến kết cục bi đát. Cùng với đó là mối nghi bị bán phân, thuốc không rõ nguồn gốc với giá cao. "Họ giao phân, thuốc vào ban đêm, nhãn mác đều bị bóc ra hết. Mỗi bao phân ngoại hiệu Humic giá 3 triệu đồng, sau này tôi tìm hiểu mới biết giá bán ở các đại lý chỉ 400.000 đồng/bao. Chúng tôi nghi ngờ công ty này lừa đảo nên mong chính quyền can thiệp, sớm làm sáng tỏ" - ông Cường đề nghị.

Dù vậy, ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Blứ, lại nói việc Công ty Tuấn Đại An ký hợp đồng với người dân là hợp đồng tự phát nên chính quyền không can thiệp được…

Trong những ngày qua, chúng tôi cố gắng liên lạc với Công ty Phú An Khang Tây Nguyên và Công ty Tuấn Đại An nhưng bất thành. Tìm đến địa chỉ Công ty Phú An Khang Tây Nguyên ghi trong hợp đồng tại số nhà 127 Lý Thường Kiệt, TP Pleiku thì nơi đây hiện là "Nhà phân phối dầu nhờn Long Bình". Còn Công ty Tuấn Đại An ở số nhà 38 Lý Nam Đế, TP Pleiku là một căn nhà đóng cửa, bảng hiệu ghi Công ty Tuấn Đại An, lĩnh vực kinh doanh là "nhận vận chuyển hàng hóa".

Có dấu hiệu lừa đảo

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, phải căn cứ vào hợp đồng mà các công ty đã ký với các hộ nông dân về việc cung cấp giống, phân bón, giải pháp kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm quy định như thế nào, từ đó mới có cơ sở để khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Còn theo luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), nếu đúng như những gì người dân 2 huyện Chư Sê và Chư Pứh phản ánh thì 2 doanh nghiệp trên có dấu hiệu lừa đảo. Do đó, người dân có thể làm đơn đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố vụ án lừa đảo theo trình tự pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN