Hết thời, “nhân sâm của người nghèo” cũng thành… củi
Đua nhau mở rộng diện tích khi thương lái “săn” hàng, lợi nhuận hấp dẫn, nhiều địa phương không nghiên cứu kỹ thị trường thậm chí còn đưa cây đinh lăng lai (hay còn gọi là đinh lăng lá to) vào cơ cấu cây trồng. Giờ đây, thị trường trầm lắng, nông dân lại chặt bỏ… làm củi.
Chỗ nào cũng… ế
Năm 2014, cây đinh lăng lai bắt đầu bén rễ trên đất huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) sau khi thương lái vào tận “hang cùng ngõ hẻm” lùng mua cả rễ, thân, lá với giá cao ngất ngưởng. Người dân các xã Phương Khoan, Lãng Công, Quang Yên,… đua nhau phá bỏ các cây trồng khác để trồng đinh lăng lá to mà không tính đến khi cây lớn sẽ tiêu thụ ở đâu, thị trường ra sao.
Bắt đầu từ cuối năm 2017, giá đinh lăng lai bắt đầu lao dốc không phanh, đỉnh điểm đến thời điểm cuối tháng 4.2018, giá đinh lăng lá to chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Cay đắng, người dân Sông Lô lại lầm lũi chặt bỏ, thay vào đó là keo, bạch đàn,…Loại cây được mệnh danh là "nhân sâm của người nghèo" rồi cũng rơi vào cơn nguy khốn.
Người dân huyện Sông Lô từng hy vọng cây đinh lăng lai mang lại cho họ nguồn thu nhập khá. Ảnh: DV.
Ông Nguyễn Tiến Phú, Chủ tịch UBND xã Phương Khoan, huyện Sông Lô cũng thừa nhận, hàng chục hecta đinh lăng cao sản trên địa bàn không có thương lái nào hỏi mua, hoặc nếu có ai mua thì cũng với giá rất thấp. Xót xa trước việc sản phẩm của bà con không có nơi tiêu thụ lãnh đạo xã cũng liên hệ đến các công ty dược nhờ thu mua giúp nhưng cũng không thành công vì hàm lượng tinh dầu của loại cây này rất thấp.
“Thực tế, đinh lăng lá nhỏ (hay còn gọi là đinh lăng nếp) người ta vẫn thu mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg cả lá, thân rễ. Còn đinh lăng cao sản thì không ai thèm ngó ngàng tới vì giá trị làm thuốc không đáng kể”, ông Phú cho biết.
Không chỉ ở Sông Lô, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đang phải chặt loại cây từng được ví như là “nhân sâm của người nghèo” để… làm củi vì không có đầu ra. Được biết, trên địa bàn huyện Tân Yên đang có 150ha đinh lăng lá to, tập trung ở các xã Ngọc Châu, Ngọc Thiện, Cao Xá, An Dương, Việt Ngọc, Ngọc Vân,… Do không tìm được nơi tiêu thụ, bà con đã chặt bỏ hàng chục hecta để chuyển sang trồng cây khác.
Còn tại huyện Lạng Giang, cũng đã có 30ha đinh lăng lá to kịp “bén rễ” ở nơi này sau một thời gian thương lái lùng sục đi mua khắp nơi với giá cao ngất ngưởng.
Bài học đắt giá về thị trường
Thực tế, việc nông dân thấy cây này, con kia có giá mà đổ xô nuôi, trồng đã không còn là chuyện lạ. Ngày nào cũng có tin ở đâu đó nông sản rớt giá do nông dân trồng theo phong trào, thi thoảng lại có một đợt giải cứu được phát động theo đường công văn hay trên mạng xã hội Facebook. Vậy nhưng kiểu sản xuất theo “đám đông” này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Người dân huyện Tân Yên bắt đầu phá bỏ đinh lăng lai. Ảnh: BBG.
Với cây đinh lăng lai cũng vậy, người dân không cần biết tác dụng thực tế của loài này là gì, thị trường tiêu thụ ra sao đã vội phá bỏ nhiều cây khác để trồng chỉ vì nghe nói giá đang đắt. Ngay cả UBND huyện Yên Thế cũng từng đưa cây đinh lăng lá to vào đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2015 – 2020 và hỗ trợ người dân trồng khoảng 100ha.
Ngay cả với đề án này, huyện Yên Thế cũng chưa tính đến thị trường tiêu thụ, và bây giờ khi đinh lăng lá to không còn nơi nào để “dung thân”, huyện đành điều chỉnh đề án theo hướng chỉ hỗ trợ trồng đinh lăng lá nhỏ trên diện tích lớn và có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Bài học về thị trường không phải chỉ mới với nông dân mà ngay cả với chính quyền địa phương cũng vô cùng thấm thía.
Có lẽ điều mà nông dân khi bắt tay trồng đinh lăng lá to không ngờ tới là loại cây này ít có giá trị dược liệu và ở Việt Nam nó chưa từng được sử dụng trong Đông Y. Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc, từng khẳng định với Dân Việt, giá trị dược liệu của giống đinh lăng cao sản vô cùng thấp.
“Tôi cũng không hiểu tin đồn từ đâu khiến có một thời gian người dân đổ xô trồng loại đinh lăng cao sản, hay còn gọi là đinh lăng Trung Quốc này bởi theo những tài liệu chúng tôi được học thì loài đinh lăng này giá trị sử dụng thấp và chưa rõ ràng”, ông Hùng khẳng định.
“Trong Đông Y, chỉ có loại đinh lăng lá nhỏ là được sử dụng làm thuốc và tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đã được khẳng định, còn loại đinh lăng cao sản lá to thì chưa thấy sử dụng làm thuốc bao giờ và giá trị dược liệu cũng chưa được kiếm chứng”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Hùng, việc người dân nghe theo tin đồn rồi trồng đinh lăng cao sản mà không dựa trên cơ sở khoa học vô cùng nguy hiểm. “Cho đến nay, các cơ sở Đông Y không sử dụng đinh lăng lá to làm thuốc”, ông Hùng nói.
Theo nhiều bác sỹ Đông Y, dù không được sử dụng làm thuốc nhưng sau khi phơi, sấy khô đinh lăng lá to có mùi vị, màu sắc tương đối giống đinh lăng lá nhỏ, nếu trà trộn hai loại với nhau rất khó phát hiện. Đây có thể là nguồn cơn dẫn đến một thời gian các thương lái lùng sục mua đinh lăng lá to để xuất sang Trung Quốc vì so với đinh lăng lá nhỏ, năng suất và thời gian thu hoạch của đinh lăng lai nhanh hơn rất nhiều. Đây cũng là sự khởi phát của phong trào trồng đinh lăng, bắt đầu từ khoảng năm 2014, lan rộng ra nhiều địa phương, từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ đến Bắc Giang và nhiều nơi khác.
Giờ thì nông dân đang phải nếm “vị đắng” từ chính những quyết định của mình.