"Giá xăng không thấp do lo ngại… buôn lậu"

Các loại thuế phí “đánh” vào giá xăng dầu hiện nay hoàn toàn có thể điều chỉnh được để người tiêu dùng có thể được hưởng mức giá xăng dầu thấp hơn, song các cơ quan quản lý lo ngại giá xăng dầu trong nước thấp quá có thể xảy ra… buôn lậu.

Giá xăng dầu đã phù hợp?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt về việc giá xăng dầu hiện đang gánh quá nhiều thuế phí, chi phí kinh doanh thì không thể rẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chiều nay (4.9) cho biết, các thuế phí với mặt hàng xăng dầu hoàn toàn có thể giảm bớt, có thể điều chỉnh được.

Ông Hải nói: “Giá thành xăng dầu hiện đúng là có nhiều loại thuế phí tính trong đó, nhưng giảm các loại thuế phí này như thế nào sẽ phải tùy tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu trong nước”.

Trước sức ép của dư luận phản ánh về thuế phí xăng dầu cao “đánh” vào giá xăng, ông Hải cho biết, Chính phủ rất quan tâm và đã giao cho Bộ Tài chính tính toán sao cho hợp lý.

Ông Hải cho rằng, giá xăng dầu của ta hiện nay là hoàn toàn phù hợp so với diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Giá xăng đã được điều chỉnh giảm thêm gần 1.200 đồng/lít hôm 3.9. So với các nước ngay cạnh Việt Nam thì giá của ta đã thấp hơn. Trong 174 quốc gia trên thế giới có giá xăng dầu được xếp hạng, thì Việt Nam đứng thấp thứ 47.

“Nếu giá xăng dầu của ta thấp quá sẽ xảy ra buôn lậu. Chưa kể, giá xăng của Trung Quốc luôn cao hơn Việt Nam song hiện nay cũng đã tương đương nên ta phải cân nhắc giá xăng dầu bán trong nước như thế nào để hạn chế buôn lậu xăng dầu sang các nước xung quanh”, ông Hải lý giải thêm.

Ngoài chống buôn lậu, việc áp dụng các loại thuế phí với xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, còn phải tính đến tình hình kinh doanh xăng dầu và giá xăng dầu trong nước ở mức nào cho  hợp lý.

"Giá xăng không thấp do lo ngại… buôn lậu" - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giá xăng dầu của ta hiện nay là hoàn toàn phù hợp so với diễn biến của giá xăng dầu thế giới

Với đà giảm liên tục của giá xăng dầu thế giới hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể không nhập xăng về đủ đảm bảo cho an ninh xăng dầu trong nước. Bởi với giá xăng dầu nhập về giảm từng ngày khiến doanh nghiệp vừa nhập hàng hôm nay đã bán lỗ ngày mai.

Chúng ta phải đảm bảo có đủ xăng dầu để bán trong nước và đảm bảo dự trữ. Doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn xăng dầu 30 ngày dự trữ bắt buộc. Do đó, nếu không có quản lý Nhà nước bằng các công cụ thuế phí, chi phí kinh doanh với mặt hàng này thì chúng ta khó có thể đảm bảo đủ xăng dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thuế, phí thành gánh nặng lớn trong giá xăng dầu

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cũng giải thích, các doanh nghiệp xăng dầu không hề nhận “ưu ái” để lãi lớn. Theo ông Tuấn, quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như hiện nay (1.050 đồng/lít với xăng RON 92) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, kg đã được Liên bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các doanh nghiệp đã thu thập được.

“Liên bộ không dựa trên số liệu của một doanh nghiệp riêng lẻ nào, mọi số liệu thu thập đều được rà soát đồng thời có yếu tố chi phí yêu cầu doanh nghiệp phải tiết giảm so với thực tế phát sinh”-ông Tuấn cho biết.

Về quy định lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300 đồng/lít,kg), theo Bộ Tài chính, đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy “không phải là lớn”.

Các chuyên gia kinh tế trong nước thì lại cho rằng, thuế phí và chi phí định mức kinh doanh xăng dầu gia tăng, chiếm hơn 50% trong giá thành khiến giá xăng dầu trong nước không thể giảm như người tiêu dùng mong đợi.

Cụ thể, bình quân 8 tháng đầu năm nay, giá bán lẻ xăng A92 là 18.922 đồng/lít, chỉ giảm 23,6%, tức 5.858 đồng/lít so với mức giá bán lẻ bình quân cùng kỳ năm 2014 là 24.780 đồng/lít. Tương tự, giá bán lẻ bình quân tháng 8 của xăng A92 cũng chỉ giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá xăng dầu thế giới 8 tháng qua giảm trên 35%.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tiếp tục cho rằng, thuế phí đã trở thành gánh nặng lớn trong giá xăng dầu. 5 loại thuế, phí đã lấy ít nhất 15 điểm phần trăm cơ hội để giá xăng dầu trong nước được giảm theo đà giảm của giá thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cũng tính toán, mỗi lít giá xăng hiện nay, 5 khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và phí trích lập Quỹ bình ổn đã có tổng giá trị đến gần một nửa giá xăng dầu hiện nay. Trong đó, chỉ riêng tiền thuế bảo vệ môi trường đã chiếm mất mười mấy phần trăm trên giá bán xăng dầu, chưa kể các chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, lãi định mức của doanh nghiệp…

Với mức chi phí hoa hồng, kinh doanh xăng dầu hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn cho rằng, “chưa đủ bù chi phí”. Các doanh nghiệp và hiệp hội xăng dầu đang tính toán để đề nghị các bộ ngành tăng tiếp trong thời gian tới.

“Chống buôn lậu xăng dầu là việc của cơ quan Nhà nước. Đảm bảo an ninh xăng dầu cũng là việc của Nhà nước. Cần tách bạch việc kinh doanh xăng dầu với các nhiệm vụ của Nhà nước để việc điều hành giá xăng dầu phù hợp với thị trường, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN