Giá bán lẻ hàng hóa trong nước cao hơn 80-200% so với giá xuất khẩu

Sự kiện: Kinh Doanh

Giá cả bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu ở thị trường nội địa vẫn đang cao một cách vô lý mà chưa kéo xuống được, chắc chắn nó sẽ "đóng góp"cho chỉ số CPI những số liệu chưa chuẩn xác.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2018 đạt mốc tăng cao nhất trong 7 năm qua khi tiếp tục tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, CPI đã tăng 2,22 % so với cuối năm 2017.

Diễn biến trong 6 tháng qua cho thấy mặt bằng giá cơ bản biến động so với các kịch bản dự báo đầu năm. Các nhân tố gây tăng giá trong mấy tháng gần đây chủ yếu xuất phát từ những mặt hàng thiết yếu trong nước và thế giới như xăng dầu, thực phẩm... Trong khi đó hầu như không có yếu tố tăng giá do công tác điều hành của chính phủ.

Về nhóm hàng nông sản thực phẩm ở thị trường nội địa, thực chất hiện nay nguồn cung khá dồi dào, thậm chí có lúc cung lớn hơn cầu dẫn tới ứ thừa phải giải cứu hàng chục mặt hàng trong 6 tháng qua. Điệp khúc "được mùa mất giá" vẫn tiếp tục xảy ra trong nhiều năm qua và chưa có những giải pháp cơ bản để khắc phục. Điều cần quan tâm hơn ở nhóm hàng này là vấn đề: "Giá cả bán lẻ ở thị trường nội địa ở một số mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng Việt Nam lại cao hơn giá cả xuất khẩu đi các nước".

Giá bán lẻ hàng hóa trong nước cao hơn 80-200% so với giá xuất khẩu - 1

Giá bán lẻ một số mặt hàng trong nước cao vượt trội so với giá xuất khẩu

Điển hình như mặt hàng gạo tẻ thông thường 5% tấn, giá xuất khẩu là 9.000 - 10.000đ/kg thì giá bán lẻ tại các cửa hàng và siêu thị bình quân từ 16-18.000đ/kg. Tất nhiên là phải cộng thêm chi phí vận chuyển và thuế VAT, nhưng không thể có những chênh lệch cao như vậy. Mặt hàng đường cũng tương tự, tồn kho đường hiện nay là 680.000 tấn vào thời điểm cuối tháng 5, nhà máy bán tháo ra thị trường tự do và xuất khẩu tiểu ngạch khoảng 10.500 - 11.500đ/1kg. Tuy nhiên, tại các chợ, cửa hàng lẻ và siêu thị hầu hết đang bán giá khoảng 21.000 - 23.000đ/kg cho người tiêu dùng, còn nhiều mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự trên.

Thực trạng trên cho thấy một vấn đề chưa được giải quyết. Đó là: Giá cả bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu ở thị trường nội địa vẫn đang cao một cách vô lý mà chưa kéo xuống được, chắc chắn nó sẽ "đóng góp" cho chỉ số CPI những số liệu chưa chuẩn xác.

Về mặt hàng xăng dầu nội địa, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo về việc tăng phí môi trường từ 3.000đ/ lít hiện nay lên 4.000đ/ lít. Nếu thực hiện thì phí, thuế và một số khoản khác trong giá cơ sở xăng dầu sẽ chiếm đến gần 50% giá bán lẻ hiện nay. Đó là một điều mà chúng ta phải quan tâm bởi vì nó đụng chạm đến chi phí vận chuyển, sản xuất lưu thông những mặt hàng trên thị trường nội địa Việt Nam, làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm Việt về giá cả chắc chắn là sẽ bị yếu thế ngay ở thị trường nội địa chứ chưa nói đến xuất khẩu. Các chuyên gia tính toán rằng tỉ lệ % giữa giá xăng dầu trên thu nhập bình quân đầu người thì giá xăng ở Việt Nam cao thứ 3 thế giới chỉ sau Ấn Độ và Pakistan. Cụ thể là: Tỉ trọng của Việt Nam là 14,9%, Ấn Độ: 21,19% và Pakistan: 14,98%, các nước khác xung quanh Việt Nam là Indonexia 5,91%, Thái Lan: 5,77%. Trung Quốc: 4,45%, còn Singapore rất thấp là 0,91%.  

Giá bán lẻ hàng hóa trong nước cao hơn 80-200% so với giá xuất khẩu - 2

Xăng dầu là nhân tố quan trọng dẫn tới CPI tăng cao

Câu chuyện về xăng dầu và về vị trí thống lĩnh thị trường của Petrolimex vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu còn phải tiếp tục nghiên cứu và giải quyết. Câu chuyện một cây xăng của Nhật Bản ở gần sân bay Nội Bài hơn một năm nay chỉ là một ví dụ đơn giản nó chưa có sức thuyết phục người tiêu dùng. Chỉ khi nào có thêm nhiều cây xăng của Nhật Bản và các nước phục vụ ở thị trường Việt Nam, lúc đó người tiêu dùng mới mong thỏa mãn phần nào về chất lượng phục vụ và giá cả bán lẻ xăng dầu ở thị trường (Tất nhiên là xăng dầu của các doanh nghiệp Việt cộng lại vẫn phải luôn luôn chiếm tỉ trọng trên 50% ở thị trường Việt Nam).

Từ nay đến cuối năm 2018, mặc dù xu hướng giá cả còn có những biến động phức tạp theo chiều hướng tăng do diễn biến giá cả thế giới cũng như trong nước, Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốc độ tăng giá khoảng 4% trong năm và khẳng định mục tiêu đó có thể đạt được. Trên cơ sở các kịch bản điều hành giá đã được công bố thì chính phủ đặc biệt nhấn mạnh: Các bộ ngành phải "quản" giá những hàng hóa thiết yếu mà các bộ phụ trách có liên quan. Và chắc chắn để kiểm soát tốt đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng, không thể bỏ qua yếu tố chênh lệch giá quá lớn và phi lý hiện nay trên thị trường trong nước.

Petrolimex: Bộ Tài chính tính giá bán lẻ xăng dầu bị ”vênh” thuế nhập khẩu

Theo BCTC 9 tháng đầu năm hợp nhất chưa kiểm toán của Petrolimex (PLX), doanh thu đạt 112.427 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN