Doanh nghiệp khó tận dụng tốt ưu đãi GSP

Nếu các doanh nghiệp, ngành hàng không biết cách tận dụng để hưởng được ưu đãi trong GSP hiện nay thì với GSP mới càng khó.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam là một trong những nước tiếp tục được hưởng nhiều ưu đãi thuế suất trong Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mới của Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù số lượng các dòng thuế được hưởng ưu đãi có tăng lên nhưng ông Quân cho rằng nhiều doanh nghiệp (DN) ngành hàng xuất khẩu sẽ không tận dụng tốt được. Hiện tỉ lệ tận dụng GSP chỉ chiếm 40% tổng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đây là mức tận dụng thấp.

Nỗi lo tiêu chí “trưởng thành”

Trong GSP mới chỉ có 89 nước được hưởng ưu đãi từ ngày 1-1-2014, thay vì 176 nước như hiện nay. Riêng Campuchia, Lào và Myanmar được hưởng quy chế “tất cả trừ vũ khí”, nghĩa là trừ khi mặt hàng xuất khẩu là vũ khí mới phải chịu thuế. Việt Nam cùng một số nước ASEAN khác được hưởng ưu đãi thuế quan với từng nhóm mặt hàng cụ thể. Theo số liệu từ EU thì các sản phẩm máy móc, may mặc của Việt Nam có tỉ lệ tận dụng GSP thấp nhất.

Doanh nghiệp khó tận dụng tốt ưu đãi GSP - 1

Theo số liệu từ EU thì các sản phẩm may mặc của Việt Nam có tỉ lệ tận dụng GSP thấp nhất. Ảnh: HTD

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến DN Việt Nam không tận dụng tốt GSP, chủ yếu do quy định xuất xứ chặt chẽ, có quy định riêng với từng mã hàng. Như ưu đãi thuế giảm 3-5 điểm phần trăm nhưng để được hưởng phải đáp ứng một loạt điều kiện khắt khe nên DN ít quan tâm.

Mặt khác, ông Phạm Tuấn Huy, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho rằng dù tiêu chí “trưởng thành” trong GSP mới giúp nâng thị phần xuất khẩu hàng Việt Nam từ 15% lên 17% nhưng thách thức cũng tăng đáng kể. Bởi việc nhiều nước bị loại khỏi danh sách được hưởng GSP mới đồng nghĩa với mức thuế đánh lên mặt hàng đó sẽ tăng cao.

“Thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12%, nếu áp dụng GSP mới có thể đạt hơn 21,68%. Thị phần xuất khẩu thủy sản trong ba năm 2009-2011 chiếm 9,8% sẽ lên 19%. Một số nhóm hàng như nhựa, dệt may đứng trước “nguy cơ” chạm ngưỡng “trưởng thành” khi DN các ngành này thấy được ưu đãi thuế nên đã gia tăng xuất khẩu. Chỉ một số nhóm hàng có khả năng hưởng ưu đãi ổn định là gỗ và than từ gỗ, nguyên liệu dệt, hàng điện tử, điện thoại” - ông Huy thông tin.

Với GSP mới sẽ có thêm hai nhóm hàng được hưởng ưu đãi là giày dép và mũ, ô. Nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP thì mức thị phần của các nhóm hàng này lại đến mức 34%, đạt tiêu chuẩn “trưởng thành” và phải chịu thuế. Như vậy DN muốn tận dụng tốt ưu đãi từ EU cũng rất khó.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM còn cảnh báo, việc nhiều nước hoặc nhóm hàng của một số nước bị loại khỏi danh sách được hưởng GSP mới sẽ làm tăng gian lận thương mại, khả năng dẫn đến các cuộc điều tra chống bán phá giá càng cao.

Vẫn là bài toán liên kết

Để tận dụng tốt GSP mới, theo ông Phạm Tuấn Huy, Vụ Thị trường châu Âu, DN Việt Nam phải tăng được hàm lượng nội địa trong sản phẩm xuất khẩu. Vấn đề là hiện DN khó có thể tìm được nguyên liệu cần thiết trong nước, rất nhiều ngành hàng phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, cũng phải nhận thấy rằng GSP mới vẫn có những mặt lợi. Nếu Việt Nam tăng xuất khẩu thì những nước cùng được hưởng ưu đãi cũng tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng đó, giúp giữ nguyên thị phần. Với GSP mới, DN Việt Nam được tham gia một thị trường lành mạnh hơn nên vẫn cần biết cách tận dụng tối đa.

Do đó, ông Huy cho rằng hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN cần tăng cường trao đổi thông tin với Bộ Công Thương, theo dõi tiến trình đàm phán các vấn đề liên quan đến thương mại giữa Việt Nam - EU để điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt. “Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ theo dõi thông tin số liệu của từng ngành hàng xuất khẩu vào EU, đặc biệt là mức thị phần. Từ đó, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan có chính sách, chiến lược phát triển xuất khẩu hợp lý nhằm tận dụng tốt các ưu đãi” - ông cho biết.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho biết thêm để tận dụng hiệu quả ưu đãi từ GSP, DN phải hiểu rõ ba điều kiện cơ bản: Hàng hóa đáp ứng đầy đủ các quy tắc xuất xứ, vận chuyển thẳng từ nước thụ hưởng quy chế GSP đến EU và cung cấp bằng chứng về xuất xứ hàng hóa. Đây là ba điều kiện cần thiết, không chỉ GSP của EU mà các thị trường khác cũng sẽ áp dụng trong thời gian sắp tới.

Đề phòng gian lận thương mại từ trong nước

Mặt trái GSP của EU là có thể xảy ra việc chống bán phá giá liên quan đến gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu sang EU, nhất là một loạt mặt hàng của Trung Quốc đang bị chống bán phá giá và loại ra khỏi diện hưởng GSP, nhiều khả năng các DN tại Việt Nam (như DN FDI) sẽ nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm hoặc bán thành phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam, lợi dụng khe hở của pháp luật để biến thành hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng quy định về xuất xứ của EU. Sau đó họ xuất sản phẩm sang EU để được hưởng ưu đãi từ GSP.

Trong trường hợp như thế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ có số lượng tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá. Bộ Công Thương và cơ quan hải quan phải có quy định kiểm tra chặt tình trạng gian lận thương mại để bảo vệ hàng hóa Việt Nam.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo QUANG HUY (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN