Điện thoại "cục gạch" sẽ biến mất?

Điện thoại cơ bản với chức năng nghe, gọi đang trở thành hàng hiếm.

Những năm trở lại đây điện thoại thông minh với nhiều chức năng như chụp ảnh, lướt mạng, nghe nhạc… giá cả phù hợp với người tiêu dùng đã gần như soán ngôi chiếm lĩnh thị phần. Điện thoại cơ bản với chức năng nghe, gọi dần trở thành hàng hiếm.

Chỉ còn xuất xưởng 1-2 mẫu/năm

Đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di Động cho biết từ năm 2007 điện thoại bàn phím của một số hãng như Nokia, Sony Ericsson, Samsung… được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ dễ sử dụng và lượng pin xài rất lâu. Đỉnh điểm là những năm 2009-2010, khoảng 30 thương hiệu Việt (chưa kể Nokia, LG, Samsung…) chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc thấp. Thời điểm đó số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường GFK cho biết thị phần của các hãng điện thoại bàn phím này chiếm 30%.

Ở những con đường bán điện thoại di động ở các quận 10,11, Tân Bình, trên quầy kệ chiếm nhiều nhất là các thương hiệu như Gionee, G’Five, Avio… hàng Trung Quốc. Giá các loại điện thoại này chỉ từ 300.000 đến 350.000 đồng.

Trong khi đó chỉ một số cửa hàng lớn trên đường Ba Tháng Hai (quận 10), Cộng Hòa (Tân Bình)… trong kệ trưng bày một số dòng Nokia 106, Nokia 220, Nokia 225, Nokia 215… Hiệu Masstel các dòng A215, A 120, C 900, Q-Mobile C500… Các sản phẩm này có giá từ 249.000 đến 1.299.000 đồng… Ngoài ra, một số hãng như BlackBerry một năm vẫn tung ra hai, ba mẫu các sản phẩm phân khúc tầm trung giá 3-5 triệu đồng. Dòng cao cấp thì một năm ra một mẫu…

Theo ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Trung tâm Mua sắm điện máy Phan Khang, từ năm 2013 đến nay sản phẩm điện thoại bàn phím sụt giảm nhiều. Trung bình một năm giảm 100%.

Điện thoại "cục gạch" sẽ biến mất? - 1

Điện thoại thông minh với nhiều chức năng, giá rẻ thu hút nhiều người mua. Ảnh: TÚ UYÊN

Điện thoại thông minh có thể soán ngôi?

Hiện nay với giá 2 triệu đồng người dùng có thể chọn mua một chiếc điện thoại thông minh với cấu hình mạnh, pin khủng, kết nối với 3G…

Đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di động cho biết quý I-2015 điện thoại thông minh tăng trưởng 5%, nguyên nhân do nhu cầu người dùng mới và nhu cầu thay thế của người dùng cũ. Các nhà sản xuất đầu tư rất nhiều cho điện thoại thông minh nên các sản phẩm ngày càng mạnh hơn về cấu hình, hoàn thiện hơn về thiết kế (như bằng kim loại, kính cường lực, sapphire được áp dụng vào sản xuất), kỹ thuật gia công đạt mức tinh xảo.

ông Phong cho biết: trong các năm trước, điện thoại di động cơ bản đã giảm nhiều. Hiện nay, ngay cả Nokia cũng chỉ có vài mẫu để phục vụ cho một số đối tượng. Riêng Samsung đã ngưng hẳn dòng bàn phím. Một số thương hiệu cao cấp như BlackBerry vẫn duy trì. Thị trường còn lại một số thương hiệu nhỏ của Trung Quốc. “Với sự sụt giảm của dòng điện thoại bàn phím, dần dần các sản phẩm này sẽ biến mất khỏi thị trường” - ông Phong dự báo.

“Tuy nhiên, điện thoại phổ thông biến mất khỏi thị trường trong vòng hai năm tới là chưa thể vì nhu cầu thị trường vẫn còn với các sản phẩm này. Việc vẫn tung ra sản phẩm một cách âm thầm bởi doanh thu từ các sản phẩm này không đủ bù đắp lại chi phí truyền thông là điều hợp lý” - đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di động chia sẻ.

Còn ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường Đào tạo Digital marketing EQVN, phân tích điện thoại di động cơ bản sẽ giảm mạnh và có thể bị thay thế hoàn toàn bởi điện thoại thông minh vì giá ngày càng rẻ có nhiều tính năng hơn. Hiện nay các DN lớn như Nokia, Samsung, Sony cũng chỉ tập trung vào dòng điện thoại thông minh... Đây là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Chỉ cần gõ Google từ khóa “cần mua điện thoại cổ”, nhiều trang web xuất hiện với các mẫu từ “cục gạch” đến dòng cao cấp như Mobiado, BlackBerry…

Các nhà kinh doanh cho rằng phần lớn các trang mạng rao bán các dòng điện thoại cũ của các thương hiệu, chủ yếu là hàng Trung Quốc hoặc hàng cũ được làm mới lại.

Anh Trương Đức Long, thành viên diễn đàn mobileWorld.vn, cho biết điện thoại bàn phím gắn với hình ảnh truyền thống lâu đời của điện thoại, nhìn phong cách nam tính do vậy điện thoại bàn phím vẫn được một số cánh đàn ông ưa thích. Ngoài ra, loại này sử dụng tiện lợi, không lo bị cướp giật.

Anh Long cho rằng một số trang mạng rao bán các dòng điện thoại cũ. Song có thể linh kiện là của nhiều dòng cũ lắp ráp thành một cái mới.

Việt Nam là thị trường nóng về điện thoại thông minh với tốc độ tăng trưởng khoảng 40% trong năm qua và cũng là dự báo cho năm tới. Người Việt Nam yêu mến công nghệ và thích nâng cấp thiết bị theo kịp thời đại. Điều này có ưu điểm là kích thích các nhà đầu tư công nghệ đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Microsoft. Ngành lập trình di động của Việt Nam cũng có động lực phát triển mạnh hơn.

Ông TRƯƠNG VĂN QUÝ, Giám đốc Trường Đào tạo
Digital marketing EQVN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN