CPI giảm, không chỉ là màu hồng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 chỉ tăng 6% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đằng sau chỉ số này lại không phải là một bức tranh toàn màu hồng...

Thấp do dân chắt bóp...

3 năm qua, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Việt Nam đã kiên trì ưu tiên kiềm chế lạm phát và đã giảm lạm phát từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6% năm 2013. Như vậy, lạm phát của Việt Nam năm nay thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là thành tựu nổi bật trong ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế; xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng giá.

Tuy nhiên, "mặt trái" của lạm phát thấp năm nay, theo các chuyên gia kinh tế, chưa phải hoàn toàn do nỗ lực của điều hành nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: "Việc CPI tăng thấp trong năm 2013 còn là hệ quả từ sự phục hồi yếu của sức cầu trong nước, tâm lý "thắt lưng buộc bụng" của người tiêu dùng… đã ghìm mức tăng của CPI". Theo ông Phong, năm 2013, áp lực lạm phát trong nước được cải thiện bởi xu hướng giảm giá một số hàng hóa, nhất là giá lúa, gạo. Người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập eo hẹp trong khi giá cả tăng.

CPI giảm, không chỉ là màu hồng - 1

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 6%. Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định: CPI năm 2013 tăng thấp chủ yếu do vụ đông-xuân, vụ hè-thu năm nay được mùa trên cả nước nên nguồn cung lương thực dồi dào, giá giảm; cùng với đó là sức mua phục hồi chậm, tổng cầu thấp. "CPI tăng thấp thực tế có nguyên nhân lớn là do sức cầu thấp và do doanh nghiệp bị tồn đọng sản phẩm, tức là do sự trầm lắng của nền kinh tế, đó là dấu hiệu tiêu cực"- ông Lâm cho biết.

Không bền và dễ vỡ...

Nhiều nhận định dự báo lạm phát năm 2014 vẫn sẽ ở mức thấp (khoảng 7%). Tuy nhiên, để giữ được lạm phát ở mức này trong năm tới cũng hề đơn giản. Theo TS Trần Du lịch, năm 2014, nền kinh tế chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Chỉ khi các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát thì mới mong lạm phát năm nay tiếp tục thấp.

Năm 2013, dù lạm phát tăng thấp song các điểm yếu của nền kinh tế vẫn bộc lộ như tăng trưởng tín dụng thấp, tiền từ lưu thông trở về ngân hàng tăng cao hơn tiền từ ngân hàng ra lưu thông. Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát đáy vượt dốc đi lên. Sức mua của người dân chậm cải thiện...

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Phan Minh Ngọc - Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore, cho rằng lạm phát năm 2014 phần lớn sẽ phụ thuộc vào động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Càng nới lỏng, càng chạy theo mục tiêu tăng trưởng, theo yêu cầu cấp vốn của Chính phủ thì áp lực lạm phát càng gia tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù lạm phát năm 2013 thấp song lại không bền và dễ bị phá vỡ, khuynh hướng lạm phát cao dễ quay lại. Bởi năm 2014 có nhiều yếu tố có thể gây tác động làm tăng CPI như: Việc nới tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên 5,3% so với GDP; phát hành thêm trái phiếu chính phủ sẽ làm lượng tiền trong lưu thông tăng lên; cùng với lộ trình tăng dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện, giá nước...

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì đánh giá: Năm 2014 vẫn là một thách thức lớn đối việc việc kiểm soát lạm phát. Theo đó, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm 2014. Thứ hai, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 (5,8%), nới lỏng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, cùng với phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ thì mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ lại tạo ra áp lực lớn cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN