Chất lượng mũ bảo hiểm: Còn nguyên nỗi lo

Trước sự thắt chặt quản lý chất lượng mũ bảo hiểm của cơ quan chức năng, các loại mũ bảo hiểm rẻ tiền, kém chất lượng hầu như vắng bóng. Thế nhưng, trên thị trường hiện nay lại xuất hiện một thế hệ mũ bảo hiểm kém chất lượng được giả dạng tinh vi hơn.

Chất lượng năm bảy đường

Hồi cuối tháng 6/2013, chị Ngọc Hiếu ở quận 11 trên đường đi thấy một cửa hàng mũ bảo hiểm treo bảng đổi cũ lấy mới. Theo đó, chỉ cần lấy bất cứ mũ bảo hiểm cũ nào cũng đều được đổi mũ mới với mức tiền bù từ 50.000 – 100.000đ/cái, thời hạn đổi đến tháng 8/2013. Vậy là, chị Hiếu vội về nhà gom hết bốn cái mũ bảo hiểm mang ra đổi. Thế nhưng sau đó, chị Hiếu cho biết: “Loại bù 100.000đ thì coi được một chút, chứ loại bù 50.000đ thì mũ nhẹ, lớp mốp xốp ấn nhẹ là bị lún, chỉ nhỉnh hơn loại mũ dỏm bán lề đường một chút”.

Theo thông tin ban đầu của một khảo sát về mũ bảo hiểm trên thị trường của một đơn vị, hiện nay có khá nhiều loại mũ dán tem CR giả, giả nhãn hiệu, giả kiểu dáng… Một thực tế nữa là đa số mũ bảo hiểm trên thị trường hiện nay đều không có ghi ngày sản xuất do mặt hàng này hiện chưa có quy định hạn sử dụng. Và, sự nở rộ của các điểm đổi mũ cũ lấy mũ mới với mức bù tiền khá rẻ khiến người tiêu dùng đặt ra một số nghi vấn như doanh nghiệp trộn hàng kém chất lượng, đẩy hàng tồn kho? Chất lượng mũ tới đâu? Thời hạn sử dụng?...

Chất lượng mũ bảo hiểm: Còn nguyên nỗi lo - 1

Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn được thu gom để tiêu huỷ trong chương trình “Đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá” diễn ra vào tháng 5.2013 tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo

Đại diện của một doanh nghiệp mũ bảo hiểm xin giấu tên cho biết, một số công ty sản xuất mũ bảo hiểm lúc xin phép sản xuất mũ thì đúng quy chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất đại trà thì sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng, “tự làm dỏm” hàng của mình để bán giá thấp nhằm cạnh tranh. Thực tế, hiện trạng mũ đăng ký hợp quy để được chứng nhận với mũ sản xuất đại trà đưa ra thị trường khác xa nhau về chất lượng. Điều này có thể thấy rõ qua các đợt thanh kiểm tra, phát hiện mũ kém chất lượng của hàng loạt công ty đã được chứng nhận hợp quy. Các đơn vị này thay đổi chất liệu vỏ mũ bằng nhựa tái chế, giảm độ dày và khối lượng của mốp xốp để sản phẩm nhỏ, gọn nhẹ, dễ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hữu Chí, phó giám đốc điều hành, công ty TNHH nhựa Chí Thành V.N cho biết, công ty của ông và các doanh nghiệp nhựa khác đã đầu tư khá nhiều vốn và nhân lực vào việc sản xuất mũ bảo hiểm. Thế nhưng, với tình hình khó kiểm soát chất lượng mũ như hiện nay khiến những doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn, chất lượng vào thế khó khăn.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tại quận Tân Phú chán ngán nói: “Chẳng thà đừng bắt đội mũ bảo hiểm nữa. Với tình hình như hiện tại thì người sản xuất thật cạnh tranh không nổi, còn người đội mũ kém chất lượng khi gặp tai nạn, những mảnh nhựa sắc nhọn vỡ ra có nguy cơ gây tổn thương cho người sử dụng còn nguy hiểm hơn khi không đội mũ bảo hiểm”.

Nên có quy định thời hạn sử dụng nón

Theo ông Chí, ở Việt Nam, hầu hết mũ bảo hiểm được làm từ nhựa ABS, chịu được nhiệt độ 200 độ C, mũ đội trong hai năm không vấn đề gì. Trong khi đó, ở nước ngoài phần lớn mũ bảo hiểm làm từ nhựa PC, composite có độ bền cao chuyên dùng cho môtô đua và xe phân khối lớn. Tính năng quan trọng nhất của mũ bảo hiểm là độ bền đâm xuyên, độ va đập và hấp thụ xung động. Trong đó lớp mốp xốp đóng vai trò hấp thu xung động, bảo vệ vùng đầu khi xảy ra va đập. “Lớp mốp xốp chống chấn thương sọ não tốt nhất, càng dày càng tốt. Nhiều người chê mũ bảo hiểm nặng nhưng nếu muốn mũ chất lượng phải có khối lượng tương ứng”, ông Chí cho biết thêm.

Thạc sĩ Đào Thanh Khê, giảng viên khoa Công nghệ hoá học, trường đại học Công nghệ và thực phẩm TP.HCM cho biết, cấu tạo lớp mốp xốp lót bên trong mũ bảo hiểm thông dụng hiện nay được làm từ nhựa polystyre foam (nhựa PS dạng bọt) có dạng cứng. Ngoài ra, còn có loại mốp xốp làm từ nhựa LDPE bọt, có dạng cứng, độ bền phân huỷ từ 200 năm, cấu trúc bị biến dạng sau 3 – 5 năm sử dụng. Tuy nhiên, giá thành của nhựa LDPE bọt cứng hiện cao hơn nhựa PS từ 1,2 – 1,5 lần, nên ít được sử dụng hơn.

Theo kinh nghiệm thực tế của thạc sĩ Thanh Khê, mốp xốp làm từ nhựa EPS (expandable polystyrene) để lâu trong môi trường sẽ bị biến dạng và phân rã ra thành dạng hạt nhỏ do giảm lực liên kết giữa các hạt. Nếu mũ bảo hiểm được bảo quản trong kho, trong điều kiện nhiệt độ thấp và khô ráo thì tính năng chịu lực sẽ ổn định hơn khi bảo quản trong môi trường ẩm thấp. Nếu bảo quản trong điều kiện có tác động của ánh sáng, nhiệt độ cao, thấm ẩm, thì tính năng chịu lực sẽ giảm (hiện chưa có nghiên cứu chính xác về thời gian hư hỏng này).

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, khoảng 2 – 3 năm sau so với thời gian đầu sản xuất, liên kết các hạt mốp xốp sẽ giảm tuỳ thuộc vào chất lượng nhựa (do chất độn, phụ gia, hoặc dùng nhựa tái sinh…) Lớp mốp xốp từ nhựa nguyên sinh bình thường có độ bền sử dụng từ 3 – 4 năm, nếu được ép khuôn đúng các điều kiện kỹ thuật sẽ có độ bền sử dụng khoảng trên mười năm. Ngoài ra, nếu dùng mũ bảo hiểm có lớp vỏ nhựa ABS làm từ nhựa tái sinh thì có độ chịu va đập kém hơn nếu làm từ nhựa nguyên sinh. Sau vài năm sử dụng sẽ bị lở, trầy bề mặt tuỳ theo chu kỳ tái sinh và hàm lượng chất độn vào nhựa.

Ông Chí lưu ý: “Mũ bảo hiểm không phải vạn năng, sử dụng vĩnh viễn. Mặc dù chưa có quy định nhưng có khuyến cáo sau xảy ra va chạm một lần thì không nên sử dụng nữa”.

Ngày 28/4/2008, bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy (QCVN 2:2008/BKHCN) kèm theo quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN. Theo đó, mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy phải đạt các yêu cầu về khối lượng, phạm vi che chắn, khả năng chịu va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, độ bền của quai đeo, yêu cầu về tầm nhìn, kính chắn gió và yêu cầu chung đối với vật liệu sản xuất mũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MInh Cúc (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN