Chăn nuôi như “đánh bạc”

Nông nghiệp được coi là “bà đỡ” của nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, thế nhưng đây cũng là lĩnh vực chứa đựng quá nhiều rủi ro. Đặc biệt, thời gian dài vừa qua giá nhiều loại nông sản, chăn nuôi... giảm mạnh đã khiến nhiều người dân “tán gia bại sản”. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng việc đầu tư trong nông nghiệp thời gian qua không nhỏ nhưng bị lệch hướng.

Đầu tư lệch pha trong nông nghiệp

Giá các loại sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, trứng đều giảm thấp hơn giá thành trong thời gian dài đã khiến không chỉ người chăn nuôi nhỏ, lẻ thua lỗ, mà nhiều đại gia trong ngành cũng... ngắc ngoải.

Chăn nuôi như “đánh bạc” - 1

Trang trại chăn nuôi heo với quy mô gần 1.000 con của một doanh nghiệp ở Đồng Nai do thua lỗ nay đã phải bỏ trống rơi vào cảnh hoang phế.

Người dân đã ví von chăn nuôi hiện nay giống như “đánh bạc”, đầu tư nhiều nhưng để gặt hái thành công phải chờ vào yếu tố may rủi.

“Vua heo” cũng... ngáp

Từng được mệnh danh là “vua heo” khi xây dựng trại heo nái hiện đại bậc nhất VN vào năm 2000, thế nhưng ông Chung Kim (Bình Dương) không ngờ sau hơn mười năm phải giải thể trại nuôi heo. “Tôi vẫn cho rằng thời điểm năm 2000 bỏ tiền ra lập trại nuôi heo giống là đúng đắn khi VN đang đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong khi nhu cầu thịt heo tăng lên nhanh. Muốn gì ngành chăn nuôi VN cũng phải cạnh tranh với sức ép từ bên ngoài” - ông Kim nhớ lại.

Nhận thấy thời điểm đó chất lượng heo giống của VN còn thấp, trong nước cũng chưa có mấy nhà sản xuất chuyên nghiệp nên ông Kim quyết định đầu tư 5 triệu USD (tương đương 50 tỉ đồng khi đó) để xây chuồng trại, nhập heo giống chất lượng cao từ nước ngoài về kinh doanh. “Vì thấy cơ hội và đã trót theo nghề làm thức ăn chăn nuôi và nuôi heo mười mấy năm trời nên tôi bỏ tiền túi ra đầu tư chứ làm gì được Nhà nước hỗ trợ đồng nào” - ông Kim cho biết. Không dừng lại ở đó, ông Kim còn mở thêm một trại nuôi heo thịt tại huyện Tân Uyên (Bình Dương). Thời gian đầu tình hình kinh doanh heo giống rất thuận lợi, tổng đàn heo nái có lúc lên đến 1.200 con, còn trại heo thịt có quy mô 6.000 con.

Thế nhưng chỉ được một thời gian đầu, khi các công ty chăn nuôi nước ngoài tham gia tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi VN, các doanh nghiệp trong nước đã bị hụt hơi. “Công ty trong nước không thể cạnh tranh nổi với các công ty có vốn nước ngoài, đặc biệt là chiến lược nuôi gia công. Theo đó họ cung cấp con giống, thức ăn và mua lại sản phẩm chăn nuôi. Cách làm này đã đẩy các công ty làm giống tại VN ra ngoài cả quy trình” - ông Kim buồn rầu.

Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh diễn ra liên tục hằng năm, gần đây nhất là dịch heo tai xanh đã khiến các trại chăn nuôi lớn lao đao dù trại họ không có dịch.

Kết quả là đến năm 2011, ông Chung Kim quyết định giải thể trại heo thịt, sang lại cho một công ty tại TP.HCM để làm trại gà giống. Còn quy mô trại heo nái cũng giảm một nửa từ 1.200 con xuống còn 600 con hiện nay. “Giải thể trại heo thịt vào cuối năm 2011 là một quyết định khó khăn nhưng là quyết định đúng. Nếu cứ giữ lại thì đến năm nay tôi còn thua lỗ nặng hơn nữa. Với giá cả như hiện nay mỗi tháng mất vài tỉ đồng như chơi” - ông Chung Kim cho biết.

Không chỉ ông Chung Kim, hàng loạt đại gia nuôi heo khác của VN lừng danh một thời đến nay dù vẫn bám trụ với nghề nhưng quy mô chuồng trại chỉ còn lại cái bóng của chính mình. “Chúng tôi phải tự bơi trong cảnh trong nước thì các công ty nước ngoài thao túng, bên ngoài thì thịt nhập khẩu tràn vào, chưa kể dịch bệnh liên miên thì sống thế nào được” - một chủ trang trại nuôi heo khác tại Đồng Nai than thở.

Còn ông Nguyễn Diên Tường, giám đốc Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai, cho biết tình hình chăn nuôi hiện nay rất khó khăn cho cả người chăn nuôi lớn lẫn người chăn nuôi lẻ. “Giá heo giảm xuống dưới giá thành kéo dài nhiều tháng khiến những hộ chăn nuôi nhỏ đang mất dần cả vốn, nhiều người đang cầm cố sổ đỏ và có nguy cơ mất nhà, nhiều người khác chịu không nổi đang rút lui khỏi ngành nuôi heo” - ông Tường cho biết.

Chăn nuôi như “đánh bạc” - 2

Ngành chăn nuôi heo VN đang đi vào con đường mà ngành chăn nuôi gà công nghiệp đã từng đi khi gần như toàn bộ thị phần vào tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và thịt nhập khẩu - Nguồn: Hiệp hội Chăn nuôi VN, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN.

"Ngành chăn nuôi chẳng có gì là công nghệ cao cả, người VN mình làm được hết nhưng thiếu vốn, thiếu hỗ trợ của Nhà nước nên phải chịu thôi"

Ông LÊ VĂN MẼ
(giám đốc Công ty chăn nuôi Phú Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai)

Như “đánh bạc”

Là giám đốc Công ty chăn nuôi Phú Sơn (Trảng Bom, Đồng Nai) với quy mô lên đến trên 30.000 con, ông Lê Văn Mẽ rất bức xúc: “Tình cảnh người chăn nuôi hiện nay đúng là kêu trời không thấu, không ai giúp người chăn nuôi cả. Giá cả lúc thấp lúc quá cao, dịch bệnh rình rập khiến người nuôi heo cứ như đánh bạc cả đời”. Còn ông Chung Kim kết luận: “Tôi có cảm giác ngành chăn nuôi của VN càng mở rộng bao nhiêu thì càng bất ổn bấy nhiêu. Khi chăn nuôi trên quy mô lớn hơn, cái rủi ro do lệ thuộc bên ngoài cũng ngày càng trở nên nguy hiểm”.

Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi VN gặp khó như hiện tại là kết quả của một quá trình phát triển ồ ạt nhưng không được định hướng đầu tư bài bản. Cả ba trụ cột của ngành chăn nuôi là con giống, thức ăn chăn nuôi (TACN) và kiểm soát dịch bệnh (thú y) ở VN đều đang có vấn đề.

PGS.TS Lã Văn Kính (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN) cho biết không có nước nào trên thế giới lại có tỉ lệ heo nái trên tổng đàn heo lên đến 12-15% (thông thường chỉ 8-10%) như ở VN. “Điều đó cho thấy chất lượng con giống của VN quá thấp, các chủ trại phần lớn vẫn tự gây giống, tự nuôi. Chất lượng con giống thấp đẩy giá thành sản xuất lên cao khiến người dân càng gặp khó khăn khi giá xuống thấp” - ông Kính nhận định.

Trong khi đó, Hiệp hội Chăn nuôi VN cho rằng có đến 80% nguyên liệu sản xuất TACN của VN phải nhập khẩu với giá trị lên đến 3 tỉ USD mỗi năm. “Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài dẫn đến giá thành sản xuất của ngành chăn nuôi VN rất cao. Ở các nước như Mỹ, Canada... TACN chỉ chiếm 50-55% giá thành heo nhưng ở VN lên đến 75%” - ông Chung Kim nói. Còn theo Hiệp hội TACN VN, cả nước chưa có một vùng quy hoạch rõ ràng nào để dành cho phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi.

Mỗi tháng có thể mất 5.000 tỉ đồng

Theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, mức thiệt hại cho người chăn nuôi đang rất nghiêm trọng do giá heo, gà tại các trại chăn nuôi đang xuống thấp dưới giá thành. Người nuôi heo, gà đang bị lỗ 7.000-12.000 đồng/kg. Do lỗ kéo dài nhiều tháng qua nên ước tính mỗi tháng tổng thiệt hại lên đến 2.000-2.500 tỉ đồng và có thể lên đến 5.000 tỉ đồng/tháng nếu tình trạng này kéo dài đến sau tháng 9 tới.

Riêng vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ông Nguyễn Diên Tường cho rằng ở Đồng Nai năm nào cũng xảy ra dịch bệnh, xảy ra theo chu kỳ hằng năm nhưng cách chống dịch của Nhà nước hiện nay là đợi dịch nổ ra mới tấn công, có dịch mới lo đi tiêm phòng thì muộn quá. “Tôi đề xuất là Nhà nước nên cung cấp vắcxin sớm để nông dân tiêm phòng trước ở những vùng hay xảy ra dịch bệnh” - ông Tường đề xuất. Cũng theo ông Tường, do dịch bệnh chủ yếu xảy ra đối với chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, các trang trại lớn ít bị dịch bệnh vì quản lý tốt và họ cũng không đợi đến khi có dịch mới tiêm vắcxin. Vì vậy, Nhà nước nên miễn phí vắcxin cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Tương lai mờ mịt

Theo các chuyên gia và chủ trang trại, ngành chăn nuôi VN hiện đang đứng trước nguy cơ bị thôn tính nếu không có chiến lược rõ ràng từ phía cơ quan nhà nước. Sau khi thôn tính xong thị trường gà và trứng gà công nghiệp, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như CP (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia)... đều đang tập trung tấn công sang ngành chăn nuôi heo.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tổng số heo nái của nhóm các công ty này đã chiếm 10% tổng heo nái cả nước và con số này đang tăng lên rất nhanh. “Các công ty này đang tập trung đầu tư vào khu vực phía Nam, chỉ một thời gian nữa phía Nam sẽ đối mặt với khủng hoảng thừa thịt heo như với con gà” - ông Kim nhận định. Với lợi thế của quy trình khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, chăn nuôi... các công ty này vẫn tồn tại được trong thời gian giá sản phẩm chăn nuôi giảm thấp do san sẻ lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi giá trị.

Chăn nuôi như “đánh bạc” - 3

Nhiều trại heo điêu đứng vì dịch bệnh và giá heo giảm mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Diên Tường cho rằng bên ngoài thì thịt nhập khẩu tràn về cũng bóp chết ngành chăn nuôi trong khi VN hầu như không có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ người chăn nuôi và người tiêu dùng. “Chúng tôi từng đi một số nước để chào bán thịt heo, họ sẵn sàng nhập khẩu của ta nhưng khi họ đưa ra hàng rào kỹ thuật thì chúng tôi lặng lẽ chào về. Họ yêu cầu phải đến thăm trại, trại phải cách xa khu dân cư tối thiểu 3km, trại 10 năm không có lở mồm long móng... thì sao đáp ứng được. Họ làm được vậy sao VN không có hàng rào kỹ thuật?” - ông Tường thắc mắc.

Phụ trách chương trình heo của Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ tại VN, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết 70% thịt heo cung cấp ra thị trường tại VN là do người chăn nuôi nhỏ lẻ làm ra, còn ở Thái Lan ngược lại. Nhưng do chính sách của chính phủ mà các công ty trong nước có điều kiện phát triển từ làm thức ăn gia súc, rồi nuôi heo, rồi chế biến... để ngày nay những công ty như CP chiếm tới 80% thị trường thực phẩm trong nước. “Nếu đi theo con đường đó thì các công ty của VN cũng làm được như Thái Lan, thậm chí còn nhanh hơn. Nhưng với cách làm hiện tại thì các công ty nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới” - ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, các năm trước heo của VN có giá vì thị trường Trung Quốc hút hàng nhưng điều này đã không còn nữa. Ngay sau cuộc khủng hoảng thiếu heo năm ngoái, Trung Quốc đã có một chương trình hỗ trợ rất lớn cho người nuôi heo. Theo đó, những trại heo có quy mô 3.000 con trở lên sẽ được trợ cấp 126.000 USD. Ông Quang tính toán một trại heo 3.000 con tức là cần 100 heo nái, với số tiền trên một chủ trại có thể mua một lúc 300 con heo nái mà vẫn còn dư để mua thức ăn cho heo. “Với chính sách hỗ trợ này nên giá heo tại Trung Quốc hiện chỉ từ 2,2 USD/kg trở xuống, đó là lý do vì sao Trung Quốc không mua heo từ VN nữa” - ông Quang cho biết. Ngoài ra, ông Quang cho biết thêm không chỉ hỗ trợ về tiền mà chính sách của Trung Quốc về quy hoạch chăn nuôi gắn với vùng nguyên liệu xung quanh cực kỳ chặt chẽ nhằm đảm bảo sự ổn định cho người chăn nuôi.

Đầu tư chưa tương xứng

Hiện nông nghiệp đóng góp 20% GDP cho đất nước nhưng đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng và thiếu hiệu quả. Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mức đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2006-2011 là 432.788 tỉ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Cơ cấu đầu tư công trực tiếp cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân cả nước đạt 35,48% trên tổng vốn đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng, nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55-60% yêu cầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả đồng vốn chưa cao và cơ cấu đầu tư chưa hợp lý.

Theo Bộ NN&PTNT, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư cho nông nghiệp giảm dần từ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 xuống chỉ còn 1% năm 2011. Tính chung trong vòng 20 năm, từ 1990-2010, vốn đầu tư FDI vào ngành nông nghiệp chỉ đạt 4,3 tỉ USD (chiếm 2,3%).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Mạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN