Bộ Công Thương sẽ 'bêu tên' các website bán hàng vi phạm
Bộ Công Thương sẽ cho công khai tên website thương mại điện tử, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm
Theo ông Ðặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Ðiện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cùng với việc phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội, nhiều hình thức kinh doanh qua mạng mới cũng xuất hiện trong thời gian qua.
Ðể quản lý các hình thức kinh doanh trực tuyến mới này, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử ứng dụng trên thiết bị di động nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong quản lý, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ.
Theo ông Hải, Nghị định 52/2013/NÐ-CP của Chính phủ đã xây dựng các quy định liên quan các giao dịch thương mại điện tử, tuy nhiên, theo báo cáo của các Sở Công Thương, Nghị định 52 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị định thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động. Nghị định cũng chưa quy định rõ ràng đối với danh sách website thương mại điện tử cần khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng; thiếu hướng dẫn chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến…
Theo dự thảo Thông tư đang được quy định, doanh nghiệp, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử, ứng dụng di động có cả chức năng bán hàng và chức năng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải đăng ký thủ tục một lần duy nhất với Bộ Công Thương.
Theo dự thảo, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử, ứng dụng di động để kinh doanh các loại hàng hóa như súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm... Các đơn vị phải ngăn chặn và loại bỏ kịp thời khỏi website, chương trình ứng dụng những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Cùng đó, có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn, loại bỏ khỏi website, chương trình ứng dụng những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
“Với các trường hợp vi phạm quy định, Bộ Công Thương sẽ cho công khai tên website thương mại điện tử, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Gần đây thương lái Trung Quốc đang đổ về địa phương và sẵn sàng trả giá cao để gom hàng khiến giá sầu riêng tăng...